Những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ chưa biết

Những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ chưa biết
Nắm vững những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp mẹ có thể áp dụng thành công phương pháp khoa học này, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ.

Hiện nay, có rất nhiều bà mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con em của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công khi thực hiện. Không chỉ là áp dụng những công thức thực đơn, các bậc phụ huynh cần phải hiểu biết rõ những kiến thức cơ bản để việc ăn dặm của trẻ đạt được lợi ích tối đa nhất.

1. Ăn dặm kiểu Nhật có tác dụng như thế nào?

Người Nhật từ trước đến nay đều có những phương diện đáng để ngưỡng mộ như trí tuệ, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm... Trẻ em Nhật Bản đa phần đều rất thông minh, độc lập, có tính tự giác cao. Do đó rất nhiều bà mẹ hiện nay đã nghiên cứu cách dạy con của người Nhật để áp dụng cho trẻ, trong đó bao gồm phương pháp ăn dặm.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có rất nhiều ưu điểm. Nổi bật trong số đó là rèn luyện tính chủ động trong quá trình ăn uống của trẻ, cũng như kích thích nhu cầu ăn và khám phá hương vị của từng thực phẩm. Điều này giúp trẻ phát triển tốt hơn về cả thể chất lẫn trí tuệ.

Tuy nhiên, nếu không nắm vững những kiến thức cơ bản thì việc thực hiện sẽ không thể đạt được kết quả tốt nhất do phương pháp này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ trong cách chuẩn bị, chế biến cũng như bảo quản thức ăn.

2. Nguyên tắc cơ bản khi ăn dặm kiểu Nhật

Ăn dặm kiểu Nhật giúp tạo cho trẻ nhiều thói quen tốt trong ăn uống nhưng cũng đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ càng và chu đáo để đảm bảo được kết quả tốt nhất. Các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều như:

- Không nên cho thêm gia vị vào đồ ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi.

- Liên tục thay đổi món để thay đổi hương vị, tránh gây nhàm chán cho trẻ.

- Không trộn chung nhiều loại đồ ăn gây ảnh hưởng đến mùi vị.

- Chấp nhận giai đoạn biếng ăn sinh lý của trẻ, không cố ép trẻ ăn khi không muốn.

- Tăng độ thô của đồ ăn đúng thời điểm, không ăn bột hoặc cháo loãng quá lâu khiến trẻ chán ăn.

Dưới đây là một số nguyên tắc cần tuân thủ khi cho trẻ ăn dặm theo phương pháp này.

2.1. Tăng dần độ thô của đồ ăn theo từng giai đoạn

Thời gian đầu khi làm quen với ăn dặm, trẻ sẽ cần bắt đầu làm quen với đồ ăn là cháo loãng được lọc qua rây, không ăn bột hay cháo xay nhuyễn. Công thức tỉ lệ khi nấu cháo này là 1 phần gạo 10 phần nước. Sau đó độ thô của đồ ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi của trẻ.

Những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ chưa biết - Ảnh 1.

Mức độ thô của đồ ăn tăng dần theo độ tuổi (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia đã chứng minh, việc tăng dần độ thô của đồ ăn sẽ giúp cho trẻ rèn luyện được phản xạ có điều kiện, từ đó có lợi cho hành vi ăn uống cũng như hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, thức ăn được tăng dần độ thô sẽ giúp dạ dày có thể tiếp nhận và làm quen với cường độ tiêu hóa từ từ, do đó giúp trẻ tiếp nhận thức ăn tốt hơn.

Việc tăng độ thô của thức ăn dần dần theo thời gian còn giúp rèn luyện phản xạ nghiền và nhai đồ ăn từ sớm với trẻ. Khi có các phản xạ nhai, cơ hàm hoạt động nhiều hơn, kích thích các dây thần kinh. Từ đó giúp trí não của trẻ phát triển sớm và hiệu quả.

2.2. Tách riêng từng loại, không trộn lẫn các thức ăn

Mỗi bữa ăn của trẻ khi ăn dặm kiểu Nhật có cơ cấu gần giống như bữa ăn của người lớn. Các nhóm thực phẩm như tinh bột, đạm, vitamin sẽ được để riêng. Điều này là rất khác so với thói quen trộn chung đồ ăn vào cháo của người Việt. Khi ăn, trẻ sẽ ăn lần lượt từng món như cháo, sau đó tới thịt hoặc cá rồi đến rau. Thi thoảng mẹ có thể trộn các nhóm thực phẩm vào chung với nhau trong 1 thìa thức ăn của trẻ.

Những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ chưa biết - Ảnh 3.

Các nhóm thức ăn được để riêng, không trộn lẫn vào với nhau (Ảnh: Internet)

Việc tách riêng các nhóm thức ăn sẽ giúp trẻ có thể cảm nhận được mùi vị và màu sắc của từng loại thực phẩm ngay từ khi còn nhỏ. Tạo các thói quen phân biệt từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển thị giác và vị giác. Từ đó kích thích não bộ tiếp nhận và xử lý thông tin, tạo đà phát triển các hoạt động khác của trí não.

2.3. Ăn nhạt, không nêm thêm gia vị

Trẻ dưới một tuổi khi ăn dặm không cần nêm thêm gia vị vào đồ ăn dặm. Điều này là do trẻ ở độ tuổi này nhu cầu muối rất ít. Hầu như trong sữa mẹ hay sữa công thức đã có đủ lượng muối cần thiết để cung cấp cho cơ thể trẻ. Vì vậy đồ ăn dặm không cần nêm muối, nước mắm, đường hay các loại gia vị khác. Các bậc phụ huynh có thể sử dụng vị ngọt tự nhiên đến từ thực phẩm, ăn đậm vị không tốt cho thận của trẻ.

2.4. Chỉ ngồi ăn trên ghế, tập trung và không xem tivi

Vì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp trẻ tập thói quen ăn uống tập trung và tự giác. Do vậy các bậc phụ huynh nên để bé ngồi ngay ngắn trên ghế khi ăn dặm. Tốt nhất là sử dụng ghế ăn dặm chuyên dụng dành riêng cho trẻ. Không sử dụng tivi, máy tính hay nhạc gây xao nhãng sự chú ý của trẻ. Hãy tập cho bé thói quen mỗi khi ngồi vào ghế là đến giờ ăn và chỉ tập trung hoàn thành bữa ăn.

Những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ chưa biết - Ảnh 4.

Sử dụng ghế ăn dặm cho bé, không bế rong khi ăn (Ảnh: Internet)

Thời gian đầu khi tập ăn dặm, trẻ có thể ăn được rất ít và muốn được dỗ dành. Tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên chiều bé mà bế rong đi xung quanh. Các mẹ cần thật kiên nhẫn để luyện tập thói quen chủ động ăn uống của trẻ. Dần dần trẻ sẽ ăn nhiều hơn một chút mỗi ngày. Do thời điểm này nguồn dinh dưỡng chủ yếu được lấy từ sữa mẹ và sữa công thức nên dù bé ăn ít cũng không có gì đáng lo ngại.

Tác giả: Anh Dũng