Những hiểu lầm về bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Những hiểu lầm về bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý nguy hiểm với nhiều biến chứng ở nam giới bên cạnh ung thư bàng quang và ung thư dương vật,... Tuy nhiên vẫn có những hiểu lầm về bệnh ung thư tuyến tiền liệt cần phải nắm rõ.

1. Sau phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt bệnh nhân sẽ mất khả năng tình dục và tiểu tiện không tự chủ?

Thực tế thì quá trình phẫu thuật nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn nhưng không có nghĩa là những tác dụng phụ này sẽ xảy ra và kéo dài vĩnh viễn. 

Trong quá trình phẫu thuật bệnh ung thư tuyến tiền liệt bác sĩ sẽ có những phương pháp cắt bỏ mà không làm ảnh hưởng tới 2 bó dây thần kinh chịu trách nhiệm giúp dương vật cương cứng và duy trì nó.

Sau khi mổ bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt tình dục bình thường, tuy vậy thì vẫn có thể mất từ 4 - 24 tháng hoặc cũng có thể là lâu hơn để có thể phục hồi hoàn toàn. Sự phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể là tình trạng trước khi phẫu thuật, tuổi tác, mức độ bệnh hoặc tay nghề của bác sĩ phẫu thuật,..

Nếu sau điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt vấn đề rối loạn cương dương xảy ra thì vẫn có những phương pháp điều trị giải quyết tình trạng này. Ngoài phẫu thuật thì bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác như hoá trị, xạ trị hay liệu pháp hormone, chúng đều có những tác động nhất định tới đời sống tình dục vì thế mà bệnh nhân và người nhà cần trao đổi với bác sĩ để có thể lựa chọn được lộ trình phù hợp.

Vấn đề rò rỉ nước tiểu hay không tự chủ trong tiểu tiện có nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên thì trong vòng 1 năm có khoảng 95% bệnh nhân có thể kiểm soát được như bình thường ở giai đoạn trước khi mổ.

2. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt chỉ gặp ở đàn ông lớn tuổi

Mặc dù đa số nam giới mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi trên 40 nhưng không có nghĩa là bệnh ung thư tuyến tiền liệt chỉ gặp ở nam giới lớn tuổi. Thực chất tuổi tác chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt hơn mà thôi. Ngoài tuổi tác thì bệnh ung thư tuyến tiền liệt còn phụ thuộc và gene, môi trường, thói quen sinh hoạt không lành mạnh,...

3. Chỉ số PSA cao có nghĩa là đã bị ung thư tuyến tiền liệt

Chỉ số PSA cao có thể là dấu hiệu cơ thể đang mắc bệnh ở tuyến tiền liệt chứ không phải là đã mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Khi test PSA bác sĩ thấy nồng độ PSA cao sẽ cân nhắc làm thêm các kiểm tra liên quan tới bệnh ung thư tuyến tiền liệt như sinh thiết,...

Sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt, nồng độ PSA giảm xuống thì đây là một tín hiệu đáng mừng.

4. Bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt có nghĩa là sẽ chết

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt vẫn có thể chữa khỏi nếu như được phát hiện ở giai đoạn sớm. Phát hiện bệnh càng muộn thì tiên lượng sống càng giảm, đồng nghĩa với việc các phương pháp điều trị càng giảm hiệu quả chữa khỏi.

5. Cứ ung thư tuyến tiền liệt là phải hoá-xạ trị

Hiện nay việc chữa trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm các phương pháp như phẫu thuật cắt bỏ triệt căn, xạ trị, hoá trị, liệu pháp hormone,... Tuỳ vào giai đoạn bệnh và mức độ phát triển của tế bào ung thư mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn những lộ trình điều trị bệnh khác nhau.

Không phải giai đoạn nào bệnh nhân cũng phải làm hoá trị hoặc xạ trị. Các phương pháp hoá - xạ trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị chính hoặc cũng có thể như một biện pháp bổ trợ.


Tác giả: Phạm Thanh