Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống?
Gai cột sống là bệnh xương khớp phổ biến và có thể gặp ở rất nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên một số đối tượng như người cao tuổi, người có chấn thương cột sống,... là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cao hơn hẳn so với những người bình thường.

Bệnh gai cột sống là bệnh xương khớp mãn tính có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi và cả hai giới. Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện các gai xương mới ở rìa các xương đốt sống, và gai cột sống thường gặp ở các vị trí cổ, ngực và thắt lưng.

Ban đầu bệnh gai cột sống không gây nhiều biểu hiện rầm rộ, bệnh nhân chỉ cảm thấy co cứng, hay mỏi lưng, do vậy thường rất dễ bỏ qua bệnh. Nếu không được điều trị, những cơn đau có thể xuất hiện sau đó, đau do gai cột sống là đau liên tục và đau tăng nhiều khi vận động. Nếu các gai có kích thước quá lớn có thể gây nên các biểu hiện của sự chèn ép thần kinh trên bệnh nhân.

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống

Tuy rằng bệnh gai cột sống có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau và cả hai giới, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh giữa các nhóm đối tượng là không đồng đều, vì vậy có những nhóm đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cao hơn. Sau đây hãy cùng điểm qua những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gai cột sống:

1. Người cao tuổi

Cùng với sự tăng dần của tuổi tác, các thành phần của cột sống cũng bị thoái hóa cùng với tuổi tác, đặc biệt là ở các phụ nữ đã mãn kinh các hoormon trong cơ thể biến đổi nhiều khiến xương càng nhanh bị thoái hóa.

Sự thoái hóa cột sống ở người cao tuổi, khiến xương cột sống bị biến đổi cấu trúc và giảm tỉ trọng nước. Sự mất nước trong xương cột sống sẽ khiến các sụn ở cột sống trở nên khô hơn và dễ bị canxi hóa hơn tạo thành các gai xương. Vì vậy người cao tuổi dễ mắc bệnh gai cột sống hơn người trẻ tuổi.

2. Bệnh nhân có viêm khớp mãn tính

Khi có viêm mãn tính xương cột sống, các sụn khớp sẽ bị tổn thương khiến chúng thô ráp, xù xì. Do vậy, cơ thể sẽ có những phản ứng điều chỉnh để giúp khôi phục các thành phần đã tổn thương, thoái hóa này. Tuy nhiên, hoạt động sửa chữa của cơ thể không những không giúp tình trạng tốt hơn mà còn khiến xuất hiện các gai xương mới khiến bệnh nhân bị bệnh gai cột sống.

3. Người từng có các chấn thương cột sống

Sau các chấn thương cột sống, cơ thể sẽ có các cơ chế thích hợp để phục hồi và sửa chữa các tổn thương do chấn thương gây nên. Nhưng khi sự sửa chữa xảy ra quá mức sẽ gây nên bệnh gai cột sống. Vì thế, những bệnh nhân đã từng bị chấn thương vùng cột sống (kể cả những chấn thương xảy ra đã lâu) là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gai cột sống.

4. Người có người thân mắc bệnh gai cột sống

Theo các nghiên cứu cho thấy, một số người mang những gen di truyền khiến đĩa đệm của họ yếu hơn người bình thường. Do đó, những người có người thân mắc bệnh gai cột sống có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường từ 1,5 đến 2 lần so với người bình thường.

5. Một số đối tượng nguy cơ khác

Những người thường xuyên phải lao động nặng nhọc khiến cột sống phải chịu tải lớn trong thời gian dài, những người có thói tư thế lao động (đứng nhiều, ngồi và cúi nhiều,...) và những người có các thói quen sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến cột sống (gối đầu quá cao, hút thuốc lá. ăn uống không kiểm soát gây béo phì,...) đều là những người có nguy cơ cao mắc bệnh gai cột sống.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cao hơn những người bình thường. Để phòng ngừa và phát hiện sớm gai cột sống cần có chế độ chăm sóc cột sống hợp lí và phải đến cơ sở y tế để thăm khám ngay khi có bất cứ bất thường gì tại cột sống.



Tác giả: Quang Nam