Những đối tượng nào có nguy cơ đau mỏi vai gáy cao?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những đối tượng nào có nguy cơ đau mỏi vai gáy cao?
Hiện nay, tình trạng đau mỏi vai gáy khá phổ biến. Đây là bệnh lý mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Nguy cơ đau mỏi vai gáy có thể gặp ở cả người lớn tuổi và giới trẻ, cả ở những người đã đi làm hay còn là học sinh sinh viên,...

1. Ai có nguy cơ đau mỏi vai gáy cao?

- Những người làm công việc có tính chất ngồi nhiều, ít vận động như tài xế lái xe, thợ may, nhân viên văn phòng,...

- Những người làm công việc phải vận động quá sức, mang vác nặng nhọc như cửu vạn, lao động công trường.

- Bị mắc các bệnh lý có ảnh hưởng đến xương khớp như thoái hóa đốt sống lưng, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, ung thư vùng cổ,...

- Có những người bị đau mỏi vai gáy không rõ nguyên nhân, thường là bị mắc các dị tật bẩm sinh vùng vai gáy, ví dụ như đau mỏi vai gáy do thay đổi thời tiết.

- Những người lười vận động và tập thể dục cũng khiến xương khớp bị cứng, suy yếu, dễ thoái hóa, kém linh hoạt, dễ bị chấn thương nên có nguy cơ đau mỏi vai gáy cao hơn những người có thói quen tập luyện đều đặn.

- Những người có lối sống kém lành mạnh, ăn uống thiếu khoa học có thể làm ảnh hưởng trầm trọng đến xương. Xương khớp thiếu khoáng chất sẽ làm tăng nguy cơ đau mỏi vai gáy. Những người ăn uống kém lành mạnh còn có nguy cơ bị béo phì, làm tăng áp lực lên cột sống, làm thoái hóa đốt sống lưng và đốt sống cổ gây ra những cơn đau mỏi ở lưng, vai và cổ.

- Thói quen xấu như lắc cổ đột ngột có thể làm tổn thương nghiêm trọng các khớp và dây chằng giữa cổ và vai, là nguyên nhân khiến vai, cổ và gáy thường bị nhức mỏi. Việc đi giày cao gót thường xuyên cũng làm tăng áp lực lên đốt sống lưng và đốt sống cổ, có liên quan đến các cơn đau cổ và gáy.

- Những người thường xuyên làm việc quá sức, nâng và mang vác vật quá nặng sẽ khiến cho dây chằng bị căng giãn quá mức, khó khôi phục lại trạng thái ban đầu, làm tăng nguy cơ đau mỏi vai gáy và đau nhức lưng.

- Những người thường xuyên ngủ sai tư thế, ngồi sai tư thế, tập thể dục và chơi thể thao sai kỹ thuật,... cũng có nguy cơ đau mỏi vai gáy rất cao. 

- Xương khớp sẽ bị lão hóa khi tuổi dần tăng cao, do vậy nguy cơ đau mỏi vai gáy thường gặp nhất là ở những người cao tuổi.

- Khi mang thai, trọng lượng cơ thể thay đổi nhiều, xương sống cũng bị cong do cấu trúc bụng thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến các đốt sống lưng và đốt sống cổ, làm gia tăng nguy cơ đau mỏi vai gáy.

2. Phòng tránh nguy cơ đau mỏi vai gáy như thế nào?

- Mọi người nên chú ý đến tư thế khi ngủ và khi ngồi làm việc. Chọn ghế, nệm và gối chất lượng tốt để không làm ảnh hưởng đến xương khớp. Đặc biệt cần chú ý đến các kỹ thuật khi tập thể dục và chơi thể thao để tránh bị chấn thương.

- Bỏ các thói quen xấu gây ảnh hưởng đến xương khớp vùng vai gáy như đi giày cao gót, lắc cổ đột ngột, bẻ khớp, lười vận động, ăn uống thiếu khoa học,...

- Làm việc và vận động khoa học, điều độ, tránh làm việc quá sức sẽ gây căng thẳng cho cơ thể, làm tăng nguy cơ đau mỏi vai gáy nói riêng, và ảnh hưởng sức khỏe nói chung.

- Những người có các bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến xương khớp nên đi thăm khám thường xuyên, và xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp đối phó và ngăn ngừa nguy cơ đau mỏi vai gáy phù hợp.

- Người già, trẻ trong giai đoạn phát triển, phụ nữ mang thai,... nên bổ sung thêm canxi và các khoáng chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe xương khớp.

- Thường xuyên xoa bóp và chườm ấm vùng vai gáy mỗi ngày để tăng lưu thông máu, thư giãn mô cơ và các dây chằng, giúp chúng khỏe mạnh và dẻo dai hơn, cải thiện sự linh hoạt của vai gáy.


Tác giả: Minh Vy