Những đối tượng nào có nguy cơ bị đau lưng?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những đối tượng nào có nguy cơ bị đau lưng?
Đau lưng là tình trạng phổ biến gặp, khi không điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả khác nhau. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ cao bị đau lưng?

1. Sơ lược về đau lưng

Đau lưng là tình trạng xuất hiện cảm giác đau ở phần sau của cơ thể. Bị đau lưng có thể xảy ở toàn bộ lưng, cũng đôi khi chỉ khu trú tại một khu vực nhất định như đau lưng trên, đau lưng giữa, đau lưng dưới,... Bị đau lưng đôi khi là triệu chứng chỉ điểm cho bệnh lí, nhưng cũng có thể chỉ là một tình trạng đau bình thường không liên quan đến bệnh lí.

Về cấp độ, bị đau lưng chia làm hai thể là đau lưng mãn tính và đau lưng cấp tính. Bị đau lưng cấp tính là những cơn đau lưng xuất hiện đột ngột, mức độ dữ dội thậm chí có thể khiến người mắc không thể cử động. Bị đau lưng mãn tính là đau lưng kéo dài âm ỉ, liên tục, không ảnh hưởng quá lớn đến khả năng vận động nhẹ của bệnh nhân nhưng có thể là triệu chứng của các bệnh lí mãn tính.

2. Những đối tượng nào có nguy cơ bị đau lưng?

Nhìn chung, tình trạng bị đau lưng có thể xuất hiện ở nhiều tất cả các lứa tuổi, tất cả các đối tượng do đau lưng bị gây nên bởi rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng thường có nguy cơ mắc đau lưng cao hơn như:

Người cao tuổi: Cùng với sự tăng dần của tuổi tác, các thành phần của cột sống trở nên lão hóa. Xương cột sống trở nên loãng hơn, dây chằng và các cơ trở nên yếu hơn,... khiến cho người cao tuổi dễ bị đau lưng.

Dân văn phòng: Điều kiện làm việc đòi hỏi phải ngồi nhiều khiến cột sống chịu lực lớn trong thời gian liên tục, cùng với đó là ít vận động. Do vậy, những người làm việc văn phòng là những đối tượng có tỉ lệ bị đau lưng cao.

Bà bầu: Khi mang thai, sự thay đổi hoormon trong thai kỳ khiến các dây chằng trở nên lỏng lẻo, cùng với đó là cân nặng tăng nhanh và phân bố không cân đối tạo gánh nặng lên cột sống nên bà bầu hay bị đau lưng dưới, khu vực ngang thắt lưng.

Những người lao động nặng nhọc: Những người lao động nặng nhọc, thường xuyên phải xốc vác vật nặng khiến cho cột sống thường xuyên phải chịu áp lực lớn nên làm các thành phần cột sống bị tổn thương gây nên cảm giác giác bị đau lưng.

Người ăn uống thiếu cân đối: Những người ăn uống thiếu cân đối khiến cho cân nặng khó kiểm soát cột sống phải chịu áp lực lớn. Đồng thời cũng làm mất cân bằng việc nạp vào cơ thể các chất thiết yếu cho quá trình tái tạo các thành phần của xương khớp. Lâu dần nếu không được điều chỉnh sẽ khiến những đối tượng này dễ bị đau lưng hơn.

Người bị các bệnh lí liên quan cột sống: Các bệnh lí thực thể ở cột sống như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, u vùng cột sống,... với các tổn thương đặc trưng sẽ gây bị đau lưng liên tục cho bệnh nhân.

3. Đau lưng không điều trị tốt sẽ có hậu quả gì?

Đôi khi bị đau lưng có thể không phải là biểu hiện cho một tình trạng quá nguy hiểm và sẽ tự hết sau một khoảng thời gian mà không cần phải sử dụng bất cứ hình thức điều trị nào. Tuy nhiên, nếu đau lưng không được quan tâm đúng mức cũng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau.

Bị đau lưng khiến cho người mắc cảm thấy khó chịu trong cuộc sống bởi những cơn đau nhức gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung trong công việc, cuộc sống, hạn chế khả năng vận động. Những cơn đau liên miên, dai dẳng khiến cho tâm lí người mắc trở nên lo âu, thậm chí trầm cảm.

Tình trạng bị đau lưng cũng có thể triệu chứng chỉ điểm cho những căn bệnh như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm hay sỏi tiết niệu,... Nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Có thể thấy, đau lưng là tình trạng rất hay mắc phải ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Vì vậy, nếu phát hiện bản thân bị đau lưng người mắc cần đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám và tư vấn.


Tác giả: QN