Những điều nên và không nên làm khi sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Những điều nên và không nên làm khi sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ
Việc nhận biết các dấu hiệu có thể cứu sống được bệnh nhân bị đột quỵ. Đột quỵ có thể xảy ra đột ngột và không được cảnh báo trước đòi hỏi phải hành động ngay lập tức.

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ đâu - trên bàn ăn tối, tại một trạm xe buýt hay trong một bữa tiệc. Giả sử bạn đang có một cuộc trò chuyện với ai đó và bạn chú ý thấy khuôn mặt bạn của bạn bị méo và lời nói của anh ta không được rõ ràng. 

Trong điều trị đột quỵ,  mỗi phút là cực kỳ quan trọng. Hàng triệu tế bào não bị mất mỗi phút cho đến khi bệnh nhân bị đột quỵ được chẩn đoán và điều trị.

1. Những việc không nên làm khi sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ

1.1. Đừng lái xe đến bệnh viện

- Hãy gọi cấp cứu, xe cấp cứu sẽ tới nhanh hơn và có thể hỗ trợ khẩn cấp. Các nhân viên y tế cũng sẽ liên lạc trực tiếp với bệnh viện, giúp bệnh viện có thời gian chuẩn bị trước. 

- Các nhân viên y tế cũng có thể chuyển bệnh nhân bị đột quỵ tới một trung tâm được chỉ định, đó là các bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa 24/7 với công nghệ chẩn đoán và điều trị mới nhất.

1.2. Đừng cho bệnh nhân uống aspirin

- Đối với nhiều người bị đột quỵ, aspirin có thể là một ý tưởng rất hay - nhưng đối với nhiều người khác, aspirin sẽ khiến mọi thứ tồi tệ hơn nhiều. Bác sĩ sẽ phải tiến hành chụp CT để biết nạn nhân bị đột quỵ thuộc nhóm nào trong hai nhóm xuất huyết não và tắc mạch máu não. 

- Nếu bạn cho bệnh nhân bị đột quỵ dùng aspirin trước khi bạn biết họ bị đột quỵ do nguyên nhân nào, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

1.3. Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì

- Đột quỵ có thể gây khó khăn với việc kiểm soát các cơ bắp, bao gồm khả năng nuốt.  Nếu có ai đó bị đột quỵ, khi cho ăn có thể có nguy cơ mắc nghẹn, ngay cả nước cũng có thể nguy hiểm trong tình huống này.

2. Những việc cần làm khi sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ

2.1. Gọi cấp cứu ngay lập tức

- Cứ mỗi phút não bị thiếu oxy, sẽ có khoảng 1,9 triệu tế bào thần kinh bị mất đi, đó chính xác là lý do tại sao mỗi phút đều có giá trị. Đừng chờ đợi để xem các triệu chứng có qua đi không.

2.2. Hãy nói bệnh nhân bị đột quỵ với nhân viên y tế

- Ngay cả khi bạn không chắc chắn có phải bệnh nhân đang mắc một cơn đột quỵ hay không, hãy nói với nhân viên y tế đó là một cơn đột quỵ. Điều này giúp cho các nhân viên y tế và bệnh viện thêm thời gian để chuẩn bị.

2.3. Ghi lại thời gian

 - Điều này sẽ giúp cho đội cấp cứu hành động hiệu quả nhất có thể. Biết khi nào các triệu chứng bắt đầu có thể giúp các bác sĩ xác định phương pháp điều trị thích hợp. Nếu bạn không chắc chắn khi nào các triệu chứng bắt đầu, việc ghi lại thời gian người đó được nhìn thấy bình thường lần cuối cùng cũng rất hữu ích.

2.4. Giúp bệnh nhân bị đột quỵ nằm xuống

- Đột quỵ có thể gây chóng mặt, khó kiểm soát cử động, thậm chí tê liệt. Giữ nạn nhân đột quỵ với đầu hơi nâng lên để thúc đẩy lưu lượng máu. Tuy nhiên, nếu người đó bị ngã và bị chấn thương ở đầu và cổ, chúng ta không di chuyển họ đề phòng trường hợp có một số chấn thương cột sống.

2.5. Nới lỏng bất kỳ quần áo 

-  Điều này giúp nạn nhân đột quỵ dễ thở hơn. Tránh kéo hoặc căng bất kỳ chi nào đang bị yếu.

2.6. Nếu bệnh nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra hơi thở

- Kiểm tra mạch và nhịp thở. Nếu không có xung, bắt đầu CPR ngay lập tức.

2.7. Mở khóa cửa trước

- Đảm bảo rằng các nhân viên y tế đến có thể tiếp cận bệnh nhân ngay lập tức, không bị cản trở.

2.8. Giữ bình tĩnh và ở bên cạnh người bệnh

- Có thể rất khó để giữ bình tĩnh, nhưng hãy nhớ rằng bạn đang ở đó để giúp đỡ. Bệnh nhân có thể sẽ bị mất phương hướng và sợ hãi. Ở gần và nói chuyện nhẹ nhàng.

2.9. Mô tả những gì đã xảy ra với các nhân viên y tế

- Mô tả rõ ràng với nhân viên y tế khi nào các triệu chứng bắt đầu và lần cuối cùng người này có vẻ bình thường là lúc nào. Nếu bệnh nhân thức dậy bị đột quỵ, lần cuối họ có vẻ bình thường là khi họ đi ngủ. 

- Nếu bạn biết người đó có vấn đề về sức khỏe, như huyết áp cao hoặc tiểu đường, hay đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào hoặc bị dị ứng với loại thuốc nhất định, phải chia sẻ thông tin này với đội cấp cứu ngay lập tức.


Bài dịch: https://www.ucihealth.org/blog/2016/05/stroke-dos-and-donts

Tác giả: LPA