Những điều mẹ cần lưu ý để phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ

Những điều mẹ cần lưu ý để phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ
Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm là lúc bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ. Dưới đây là một số lưu ý trong phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào hai thời điểm trong năm là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Tác nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là virus Coxsackie - loại virus có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người thông qua đường tiêu hóa. Bệnh nhân có thể làm lây lan bệnh sang nhiều người thông qua những tiếp xúc thông thường, khi dịch tiết mũi họng, nước bọt của bệnh nhân được phát tán ra không khí.

Ảnh 2.

Lưu ý trong phòng và điều trị bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Tay chân miệng thông thường là bệnh không quá nguy hiểm và có thể khỏi sau 3-7 ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra đau đớn, mệt mỏi, chán ăn,... cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm ở hệ thân kinh và tim mạch với nguy cơ tử vong cao.

Do đó, việc phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm mùa dịch sắp tới. Dưới đây là một số cách phòng và điều trị bệnh tay chân miệng đơn giản và hiệu quả hơn.

Những cách phòng và điều trị bệnh tay chân miệng:

1. Giữ tay luôn sạch sẽ

Vacxin phòng bệnh tay chân miệng hiện nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm. Do đó, việc giữ gìn đôi tay sạch sẽ, không bị vi khuẩn xâm nhập là biện pháp quan trọng nhất trong phòng và điều trị bệnh tay chân miệng. Rửa tay thường xuyên cũng là cách để hạn chế việc lây lan bệnh ra những người xung quanh.

Ảnh 3.

Quy trình rửa tay 6 bước mà các mẹ nên dạy bé (Ảnh: Internet)

Vì vậy, cha mẹ cần tạo cho trẻ một thói quen tốt trong việc rửa tay đúng cách vào nhiều thời điểm trong ngày như: trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với các vật dụng công cộng, sau khi vui chơi, ho, hắt hơi,,... Việc rửa tay đúng cách cũng cần được thực hiện đầy đủ theo quy tắc 6 bước với thời gian tối thiểu là 60 giây.

2. Để ý những dấu hiệu để phát hiện bệnh sớm

Ở mỗi giai đoạn, bệnh tay chân miệng lại có những dấu hiệu khác nhau, gây khó khăn trong việc nhận diện và phân biệt với các loại bệnh khác. Đặc biệt, trong thời gian ủ bệnh (3-7 ngày), tay chân miệng thường không gây ra triệu chứng gì đặc biệt, sau đó chuyển sang giai đoạn khởi phát. Nếu bệnh sớm được phát hiện trong thời gian này, việc phòng và điều trị bệnh tay chân miệng thường dễ dàng hơn rất nhiều.

Ở giai đoạn khởi phát, bệnh thường gây ra những triệu chứng rất nhẹ, đòi hỏi cha mẹ phải hết sức chú ý và lưu tâm như: sốt nhẹ không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, đau miệng, chán ăn, xuất hiện các nốt đỏ nhỏ trong má, lưỡi, lợi,...

Ảnh 4.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Khi nhận thấy các biểu hiện trên, đặc biệt là trong mùa dịch, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và xác định nguyên nhân. Nếu trẻ bị tay chân miệng không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến rất nhanh. Thực tế, có nhiều trường hợp các triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn chỉ sau 1 đêm.

3. Không nên quá lo lắng

Bước vào mùa dịch, tâm lí lo lắng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để phòng và điều trị bệnh tay chân miệng hiệu quả, cha mẹ không nên để sự lo lắng ấy làm ảnh hưởng tới việc vui chơi hay sinh hoạt hằng ngày của trẻ.

Để phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả trong mùa dịch, điều quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng như vệ sinh nơi ở, nơi vui chơi thường xuyên. Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thông qua chế độ ăn khoa học hằng ngày cũng giúp cải thiện hệ miễn dịch và sức đề kháng để chống lại các loại virus gây bệnh.

Ảnh 5.

Không nên quá lo lắng trong phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ (Ảnh: Internet)

Trong điều trị bệnh tay chân miệng, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân của các biểu hiện lạ. Khi được xác định mắc tay chân miệng, cần tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Để phòng và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ hiệu quả, cha mẹ cần sát sao, theo dõi các biểu hiện bất thường của trẻ, thường xuyên tìm hiểu và cập nhật thông tin liên quan đến bệnh.

Tác giả: Thảo Ngân