Những điều cần lưu ý về vấn đề bổ sung Kali khi mang thai

Những điều cần lưu ý về vấn đề bổ sung Kali khi mang thai
Kali rất quan trọng với cơ thể con người, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Bổ sung Kali khi mang thai sẽ giúp giúp giảm tình trạng giữ nước, chống mất cân bằng điện giải, giảm tình trạng chuột rút và các triệu chứng khó chịu khi mang thai.

1. Triệu chứng thiếu Kali ở bà bầu

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến cảnh báo bạn cần bổ sung kali khi mang thai:

- Táo bón.

- Chuột rút.

- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.

- Nhịp tim bât thường

- Đau đầu, chóng mặt, phiền muộn.

- Tê và ngứa ran chân tay.

- Da khô.

- Huyết áp thấp.

- Sưng, phù nề cơ thể (thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ 3).

2. Khi nào cần bổ sung kali khi mang thai?

Khi mang thai, lượng máu tăng lên tới 50% nên bạn cần nhiều chất điện giải hơn để duy trì sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể. bạn sẽ có nhu cầu kali tăng lên. Nhưng vì khẩu phần ăn cũng tăng lên nên cơ thể vẫn có đủ lượng kali cần thiết qua thực phẩm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cơ thể bà bầu có thể bị thất thoát kali, cần được bổ sung kali khi mang thai thêm bằng thuốc. Đó là khi:

- Ốm nghén khiến bạn nôn mửa nghiêm trọng, cơ thể bị mất nước.

- Ốm nghén khiến bạn nhạy cảm với mùi vị, kén ăn, ăn uống mất cân bằng, thiết chất.

- Đang sử dụng một số thuốc trong thai kỳ làm tăng đào thải chất lỏng ra khỏi cơ thể.

- Bà bầu mắc một số bệnh lý như suy thận, tiểu đường type 1 cũng có nguy cơ cao bị thiếu kali.

3. Nguyên tắc bổ sung Kali khi mang thai

- Không tự ý bổ sung kali khi mang thai. Nếu nghi ngờ cơ thể thiếu kali, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định lượng kali chính xác trong cơ thể.

- Nếu được bác sĩ chỉ định bổ sung kali khi mang thai, bạn cần tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều lượng và uống đúng thời gian. Bởi thiếu kali làm ảnh hưởng tới mẹ và bé, nhưng bổ sung thừa kali cũng gây ra những nguy hiểm không kém, thậm chí có thể gây ngừng tim.

- Bạn cần thăm khám định kỳ để kiểm tra hiệu quả của thuốc, cũng như phòng tránh được những tác động không mong muốn của thuốc bổ sung Kali khi mang thai lên mẹ và thai nhi.

- Bổ sung kali khi mang thai bằng thực phẩm bao giờ cũng tốt hơn là sử dụng thuốc. Thật may mắn là kali được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm. Nếu ốm nghén làm bạn kén ăn, hãy cố tìm những thực phẩm giàu kali khác để thay thế.

Bạn có thể dễ dàng đạt đủ lượng kali bằng cách ăn các loại thực phẩm như khoai lang nướng, rau xanh, củ cải đường, sữa chua không béo, rau bina, nước ép cà chua, nước cam, đậu thận, cá tuyết, cá bơn, đậu lăng, đào khô và quả bí.

4. Một số thực phẩm giàu kali tốt cho phụ nữ mang thai

- Khoai tây: Một củ khoai tây cỡ vừa có thể cung cấp gần 900 mg kali. Ngoài kali, khoai tây chứa một tỷ lệ cao chất sắt, chất xơ, Vitamin B6 và Vitamin C, hỗ trợ thai nhi tăng trưởng.

- Cà chua: Một cốc cà chua cung cấp gần 1.800 mg kali. Nó cũng có tỷ lệ cao Vitamin C, chất xơ và các chất chống oxy hóa, giúp điều chỉnh hệ thống tiêu hóa ở bà bầu và tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch trong thai kỳ.

- Đậu thận: Một khẩu phần đậu thận cung cấp gần 600mg kali. Nó cũng là thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ và khoáng chất khác, giúp thải độc cơ thể, là thực phẩm khuyến khích cho phụ nữ mang thai.

- Trái cây sấy khô: Để thỏa mãn cơn thèm đường khi mang thai, bạn có thể ăn trái cây sấy khô giàu kali như quả sung, quả mơ và đào. Một cốc trái cây sấy khô cung cấp gần 1.500 mg kali. Đây là đồ ăn vặt tiện lợi và bổ dưỡng thích hợp để bổ sung kali khi mang thai.

- Chuối: Một trong những thực phẩm giàu kali tốt nhất để ăn trong thai kỳ là chuối. Một quả chuối cung cấp gần 400mg kali cho cơ thể. Chuối cũng có khả năng cải thiện hiệu quả và nhanh chóng tình trạng táo bón thường gặp ở bà bầu.


Tác giả: Mai Nhung