Những điều cần lưu ý khi đi khám bệnh trĩ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần lưu ý khi đi khám bệnh trĩ
Quy trình khám bệnh trĩ tuy không quá phức tạp và kéo dài, nhưng người bệnh cũng nên có sự chuẩn bị tốt để việc khám bệnh diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

1. Khi nào nên đi khám bệnh trĩ?

Nếu bạn đang gặp bất kỳ tình huống nào dưới đây liên quan đến bệnh trĩ, thì bạn nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời:

- Chảy máu trực tràng, nhìn thấy máu lẫn trong phân hoặc nhìn thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện.

- Đau và khó chịu ở trực tràng, hậu môn.

- Sốt.

- Đau đầu, chóng mặt.

- Sụt cân không rõ nguyên do.

- Bạn đã thử các biện pháp tự điều trị bệnh trĩ tại nhà trên 1 tuần mà không làm giảm các triệu chứng.

2. Lưu ý trước khi đi khám bệnh trĩ

- Lựa chọn phòng khám bệnh trĩ hoặc trung tâm y tế uy tín, bệnh viện chuyên khoa. Tiêu chí lựa chọn là: đúng chuyên ngành, tay nghề bác sĩ cao, trang thiết bị hiện đại, chi phí phù hợp, ưu tiên địa chỉ gần nhà,... Nên đặt lịch trước để được tiếp đón nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian chờ đợi.

- Chuẩn bị tốt tâm lý. Bởi khám bệnh trĩ là khu vực khá tế nhị, mọi người thường e ngại, dễ khiến cho việc khám chữa bệnh kém thuận lợi.

- Chuẩn bị hồ sơ lịch sử y tế. Ghi lại các triệu chứng của bệnh trĩ, thói quen đi đại tiện, chế độ ăn uống, các loại thuốc đang dùng,... Bởi chúng có thể liên quan đến quá trình khám bệnh trĩ, chẩn đoán và phương hướng điều trị của bác sĩ.

- Chuẩn bị và ghi ra trước những câu hỏi muốn hỏi bác sĩ. Ví dụ như:

   + Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh trĩ là gì?

   + Bệnh của tôi có nặng không, đang ở cấp độ nào?

   + Có những phương pháp điều trị nào hợp với tôi?

   +  Bệnh trĩ của tôi có thể khỏi hoàn toàn không?

   + Cách phòng chống bệnh trĩ tái phát

- Nên sắp xếp thời gian đi khám bệnh trĩ càng sớm càng tốt, sẽ có cơ hội điều trị bệnh trĩ nhanh chóng và dứt điểm.

3. Lưu ý trong khi khám bệnh trĩ

- Chia sẻ kỹ càng và chi tiết với bác sĩ về tình trạng của bản thân. Tránh việc ngại ngùng mà bỏ qua các triệu chứng quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán của bác sĩ. Nên nói rõ với bác sĩ về vị trí đau, ngứa, sưng, chảy dịch, tình trạng đại tiện ra máu, có sờ thấy búi trĩ hay không,...

- Tuân theo hướng dẫn và yêu cầu của bác sĩ. 

- Khi khám bệnh trĩ, bác sĩ có thể kiểm tra hậu môn. Bạn cần thả lỏng người, tránh ngại ngùng hoặc quá căng thẳng, khiến cho việc khám bệnh gặp khó khăn.

- Tập trung nghe kết luận chẩn đoán, lời khuyên của  bác sĩ. Việc này giúp bạn hiểu rõ về tình trạng bệnh của mình hơn, giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị.

- Hãy hỏi ngay bác sĩ khi có bất cứ thắc mắc nào, tránh việc hiểu sai ý của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

4. Lưu ý sau khi khám bệnh trĩ

- Sau khi khám bệnh trĩ xong, bác sĩ đã có chẩn đoán chính xác và đưa ra được phác đồ điều trị. Bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn và căn dặn của bác sĩ. Tuyệt đối tuân thủ lộ trình điều trị, tránh thực hiện sai hoặc bỏ dở giữa chừng.

- Nhớ lịch, và tái khám bệnh trĩ đúng hẹn. Theo dõi tình hình bệnh thường xuyên, có thể đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

- Xây dựng các thói quen tốt để hỗ trợ điều trị và phòng tránh bệnh trĩ quay lại. Thiết lập chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít đồ cay nóng, uống nhiều nước. Chăm chỉ vận động để tăng nhu động ruột. Hạn chế tạo áp lực lên trực tràng. Tạo thói quen đi đại tiện vào một giờ cố định trong ngày, không nhịn, không ngồi lâu, vệ sinh hậu môn sạch sẽ,.... 



Tác giả: Mai Nhung