Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh ung thư lưỡi khi phẫu thuật

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh ung thư lưỡi khi phẫu thuật
Người bệnh ung thư lưỡi sau khi phẫu thuật thường phải trải qua cảm giác đau đớn, do đó cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp.

Bệnh ung thư lưỡi là một trong những bệnh ung thư hiếm gặp nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng và khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đau đớn hơn người bình thường. Những người bị bệnh ung thư lưỡi luôn có cảm giác khô miệng, khó nuốt hay nhai thức ăn, mất vị giác dẫn đến chán ăn, sút cân. 

Hiện nay phương pháp được sử dụng nhiều nhất khi điều trị bệnh ung thư lưỡi là phẫu thuật. Do đặc điểm của bệnh mà với từng giai đoạn điều trị bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc đặc biệt.

1. Chăm sóc người bệnh ung thư lưỡi trước khi phẫu thuật

Phẫu thuật trong điều trị bệnh ung thư lưỡi là phương pháp nhằm loại bỏ khối u và những mô lành viền khối u, đồng thời xạ trị trước và sau khi phẫu thuật.

Khi mắc bệnh, những người bệnh ung thư lưỡi đã có cảm giác đau đớn kéo dài, vùng lưỡi khó vệ sinh. Do đó, trước phẫu thuật một ngày, người bệnh cần được bác sĩ hướng dẫn để làm vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh gây nhiễm trùng vết mổ qua đường miệng.

2. Chăm sóc người bệnh ung thư lưỡi sau khi phẫu thuật

Sau khi tiến hành phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân ung thư lưỡi có thể được ăn qua đường ống thở từ 1 – 2 ngày rồi khi nào bác sĩ quyết định cho người bệnh ăn bằng đường miệng thì mới được ăn. Việc lựa chọn các thực phẩm cho người bệnh là điều khá phức tạp vì căn bệnh khiến cho lúc nào miệng của bệnh nhân cũng bị đau giống như bị nhiệt miệng. Người bệnh rất muốn ăn nhưng lại không ăn được và khó nuốt.

Vì vậy, đa phần người bệnh ung thư lưỡi hậu phẫu thường chỉ nên ăn sữa, cháo trắng loãng. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ cảm thấy đói thường xuyên, do đó cần chia làm nhiều bữa ăn trong ngày. 

Để tránh khi đau và bổ sung được các vitamin vào cơ thể, người bệnh nên uống những loại nước ép trái cây có độ ngọt tự nhiên vừa phải như cam, ổi, dưa hấu, thanh long, bơ… vừa dễ uống lại vừa làm dịu được những phần đau đớn tại lưỡi người bệnh.

Thành phần nước luôn phải thường trực hàng ngày và phải cung cấp đều đặn vào cơ thể 2 lít nước mỗi ngày giúp thanh lọc các chất độc từ cơ thể ra bên ngoài. Có thể uống nước kết hợp với ăn uống để việc ăn uống tiền hành được dễ dàng hơn.

Do liên quan đến vệ sinh khoang miệng nên người bệnh sau khi ăn vẫn nên kiêng đánh răng để tránh kích ứng niêm mạc miệng mà có thể vệ sinh răng miệng bằng cách súc miệng nước muối hoặc nước sát khuẩn được bác sĩ chỉ định. Bệnh nhân ung thư lưỡi cũng không nên nói nhiều để tránh làm vỡ vết mổ hoặc gây đau đớn.

Do đó, người chăm sóc cũng không nên hỏi quá nhiều như người bệnh cần gì, cảm thấy ra sao,… vì nói nhiều có thể khiến vết mổ lâu lành hơn. Người chăm sóc cũng có thể chuẩn bị cho bệnh nhân một cuốn sổ nhỏ đi kèm với một chiếc bút để họ viết ra những thứ mình cần.

Sau khi phẫu thuật lưỡi, nếu bệnh nhân muốn đi ra ngoài thì tuyệt đối phải đeo khẩu trang y tế để tránh bụi bẩn, ô nhiễm không khí từ bên ngoài. Tốt nhất là bạn nên hạn chế ra ngoài trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Bạn cũng có thể mua những loại đĩa, cuốn sách tập thể dục tại nhà, tập yoga để nâng cao sức khỏe, giúp ăn uống và tiêu hóa tốt hơn.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế việc thăm bệnh, nên để bệnh nhân có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tinh thần hơn.


Tác giả: TH