Những người mắc phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thường gặp tình trạng khó thở, thở khò khè và nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe. Theo tổ chức COPD, nếu nhận được phương án điều trị thích hợp, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể kiểm soát được các triệu chứng và vẫn có được một cuộc sống chất lượng.
Có khá nhiều phương án điều trị cho bệnh nhân COPD, trong đó khi phẫu thuật là thách thức lớn mà người bệnh cần phải đối mặt và vượt qua. Nếu bạn đang mắc COPD ở giai đoạn nặng, dưới đây là những điều bạn cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ngoài việc bác sĩ sẽ sắp xếp kiểm tra và chẩn đoán tình trạng sức khỏe của người bệnh, bệnh nhân COPD cũng nên chủ động trao đổi với bác sĩ điều trị của mình. Dưới đây là một số điều mà người bệnh COPD cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật phổi tắc nghẽn mãn tính:
Người bệnh COPD cần nói chuyện với bác sĩ về bệnh sử của bản thân. Hãy cho các chuyên gia y tế biết nếu bạn có luyện tập thường xuyên hay không.
Chia sẻ thông tin về giai đoạn kịch phát của COPD – khi các triệu chứng bệnh của bạn nặng hơn. Nếu bạn từng nhập viện và được sử dụng phương pháp trợ thở do COPD, hãy nói với bác sĩ.
Cần trung thực về lịch sử hút thuốc lá của bản thân nếu bạn đang hút hoặc từng hút trong quá khứ.
Nếu bạn bị ho thường xuyên hoặc gặp các biến chứng khác về sức khỏe, hãy cung cấp chi tiết tình trạng bệnh cho bác sĩ.
Cuối cùng, hãy giải thích với bác sĩ về tình trạng dinh dưỡng của bản thân, bởi tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể mang đến các rủi ro trong khi phẫu thuật.
Lập kế hoạch cụ thể là điều quan trọng đối với quá trình chuẩn bị trước khi phẫu thuật phổi tắc nghẽn mãn tính. Thông thường, trước khi phẫu thuật, bác sĩ thực hiện một số đánh giá đối với sức khỏe người bệnh.
Giai đoạn này bao gồm sàng lọc các vấn đề sức khỏe có thể cần được điều chỉnh trước khi phẫu thuật (chẳng hạn như số lượng hồng cầu thấp) hoặc các vấn đề có thể cần hoãn phẫu thuật (ví dụ như nhiễm trùng nặng).
Với COPD, kế hoạch trước phẫu thuật bao gồm các xét nghiệm bổ sung để đánh giá chức năng hô hấp. Và cũng có một số điều bệnh nhân cần làm để chuẩn bị trước vài tuần trước khi làm thủ thuật, chẳng hạn như uống thuốc để giảm chất nhờn hoặc ngừng hút thuốc.
Thực hiện các xét nghiệm là quy trình bắt buộc đối với kế hoạch chuẩn bị trước khi phẫu thuật phổi tắc nghẽn mãn tính. Bác sĩ có thể yêu cầu một số hoặc tất cả các xét nghiệm sau đây để đánh giá tình trạng COPD của bạn:
Chụp X-quang ngực để giúp xác định tình trạng nhiễm trùng phổi hiện tại hoặc các vấn đề khác ở phổi
Điện tâm đồ (EKG) để giúp xác định các vấn đề về tim có thể làm tăng rủi ro của quá trình phẫu thuật
Thực hiện phép đo xoắn ốc để chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của COPD
Xét nghiệm khuếch tán phổi để đánh giá mức độ oxy đi từ phế nang vào máu
Thực hiện bài kiểm tra đi bộ 6 phút, phản ánh khả năng chịu đựng khi tập thể dục
Khí máu động mạch để giúp xác định nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu trước phẫu thuật
Tối ưu hóa trước phẫu thuật liên quan đến quá trình hợp tác giữa bạn và bác sĩ nhằm cải thiện các vẫn đề sức khỏe liên quan đến COPD. Điều này sẽ làm tăng khả năng chịu thuốc mê của người bệnh và giúp ngăn ngừa các vấn đề thường gặp sau phẫu thuật, chẳng hạn như viêm phổi.
Các bước tối ưu hóa bạn cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm:
Ngừng hút thuốc: Những người hút thuốc bị COPD có nguy cơ phát triển các biến chứng phổi sau phẫu thuật cao hơn nhiều so với người không hút thuốc. Do đó, nếu có thói quen hút thuốc lá, người bệnh nên bỏ thuốc ít nhất tám tuần trước khi thực hiện phẫu thuật.
Tối ưu hóa điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng ít nhất một liều thuốc giãn phế quản bằng máy xông khí dung trước khi phẫu thuật. Nhân viên y tế có thể hướng dẫn cách sử dụng máy xông khí dung nếu bạn không thường sử dụng loại điều trị này.
Điều trị nhiễm trùng và đợt cấp: Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong thời gian trước khi phẫu thuật. Và trong một số trường hợp, bác sĩ có thể trì hoãn quá trình phẫu thuật cho đến khi người bệnh phục hồi hoàn toàn.
Vật lý trị liệu lồng ngực: Dẫn lưu chất nhầy trước khi phẫu thuật giúp loại bỏ chất nhầy dư thừa có thể gây bít tắc sau phẫu thuật hoặc gây viêm màng phổi. Bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật thông đường thở hoặc làm sạch chất nhầy bằng dẫn lưu tư thế.
Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê của bạn sẽ làm việc cùng nhau để quản lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
Các bác sĩ có thể thảo luận về việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và khoảng thời gian bạn được gây mê toàn thân. Điều này có nghĩa là bạn sẽ chỉ cần một thời gian ngắn cho quá trình phẫu thuật.
Với bệnh COPD, bạn có thể gặp vấn đề về phổi trong quá trình làm phẫu thuật. Các vấn đề về phổi hoạt động liên quan đến COPD có thể gây ra tình trạng khẩn cấp về hô hấp hoặc có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Chức năng phổi và tim của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình phẫu thuật. Hầu hết các vấn đề có thể được phát hiện và quản lý ngay lập tức. Tuy nhiên, các biến cố hô hấp trong quá trình phẫu thuật có thể gây ra các vấn đề lâu dài nếu các cơ quan bị thiếu oxy không kịp thời được khắc phục.
Ngoài những điều kể trên xoay quanh đến quá trình phẫu thuật, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuẩn bị trước khi phẫu thuật phổi tắc nghẽn mãn tính liên quan đến dinh dưỡng và chế độ luyện tập. Bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.
Cuối cùng, nếu có vấn đề lo lắng, hãy trao đổi ngay với bác sĩ để có phương án giúp bạn giảm lo âu, sẵn sàng tinh thần cho một cuộc phẫu thuật thành công.
Nguồn tham khảo: https://www.chicagotribune.com/suburbs/advertising/marketplace/ct-ss-suburbs-preparing-for-surgery-when-you-have-copd-20171027dto-story.html
https://www.verywellhealth.com/copd-and-anesthesia-is-it-safe-914678