Những điều cần biết viêm khí phế quản cấp

Những điều cần biết viêm khí phế quản cấp
Viêm khí phế quản là một trong những bệnh đường hô hấp thường gặp nhất. Việc nâng cao hiểu biết về chứng bệnh viêm khí phế quản có thể giúp bạn đọc chủ động hơn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

1. Viêm khí phế quản cấp là gì?

Viêm khí phế quản cấp là hiện tượng ống phế quản trong phổi bị viêm, sưng. Viêm khí phế quản chia làm 2 dạng là viêm khí phế quản cấp tính và viêm khí phế quản mãn tính.

Những virus gây viêm khí phế quản thường gặp như: virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus hạch, virus đường mũi…

Viêm khí phế quản  là một căn bệnh về đường hô hấp phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh của cả hai giới là như nhau và có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Ảnh 2.

Bệnh viêm phế quản cấp có những biểu hiện điển hình như sốt, ớn lạnh và ho khan. Ảnh: Internet

2. Triệu chứng viêm khí phế quản 

Bệnh nhân bị viêm khí phế quản thường biểu hiện các triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, cảm thấy tức lồng ngực, thở khò khè, khó thở, ho khan, đau rát họng, cổ họng có đờm (đờm màu trong, màu trắng, màu xám vàng hoặc màu xanh lục), cơ thể mệt mỏi, rã rời.

Thông thường, viêm khí phế quản cấp lành tính có thể tự khỏi sau từ 4 đến 7 ngày. Tuy nhiên trong trường hợp tình trạng viêm khí phế quản cấp trở nên nặng nề, kéo dài trong thời gian dài đi kèm các triệu chứng nặng dần hơn, hoặc nếu cơ địa người bệnh đã mắc các bệnh mãn tính khác sẵn, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh để bệnh viêm phế quản cấp trở nên nặng hơn.

Ở một vài trường hợp bệnh nhân triệu chứng không biểu hiện rõ ràng nên khiến bệnh trở nặng, công tác điều trị khó khăn hơn.

3. Chẩn đoán viêm khí phế quản 

Để chẩn đoán viêm khí phế quản cấp bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi về các triệu chứng, sau đó tiến hành khám lâm sàng và kiểm tra phổi bằng ống nghe. Ở những trường hợp bệnh đã xảy ra trong một thời gian dài cũng như biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang ngực để phân biệt với các bệnh nghiêm trọng ở phổi. Sau khi chẩn đoán bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng, tình trạng bệnh để xây dựng phác đồ điều trị cụ thể.

4. Điều trị viêm khí phế quản 

Khi được chẩn đoán viêm khí phế quản cấp bệnh nhân sẽ được chữa trị nội khoa bằng thuốc. Bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân một số loại thuốc như:

- Thuốc trị long đờm: Bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc long đờm để làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm. Một số loại thuốc thường được chỉ định như: acetylcystein, bromhexin, carbocystein…

- Thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt: Để làm hạ thân nhiệt bệnh nhân có thể được kê acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen…

Nếu lồng ngực căng chướng thở khò khè bệnh nhân có thể được chỉ định hít thuốc giãn phế quản như albuterol hoặc metaproterenol.

Ảnh 3.

Viêm phế quản cấp có thể điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh giảm đau và hạ sốt. Ảnh: Internet

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm phế quản do nhiễm trùng vi khuẩn bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số loại kháng sinh như :corticoid, macrolid, doxycycline, amoxicillin ... để điều trị viêm khí phế quản. Kháng sinh cũng sẽ giúp những bệnh nhân bị rối loạn phổi mãn tính hoặc hút thuốc giảm được nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.

Trong các trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ, hoặc bị các vấn đề như hen suyễn, tắc nghẽn phổi mãn tính… thì bác sĩ sẽ trao đổi kĩ để điều trị viêm khí phế quản bằng phương pháp riêng.

5. Lưu ý khi điều trị viêm khí phế quản 

Để điều trị viêm khí phế quản đạt kết quả tốt, bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau:

- Bệnh nhân tuân theo phác đồ điều trị, không tự ý cắt thuốc, bỏ thuốc…

- Bệnh nhân kết hợp nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng để tốt cho quá trình điều trị.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, giàu rau xanh.

- Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc cũng như đeo khẩu trang khi tiếp xúc môi trường bụi bẩn, hóa chất độc hại.

- Tăng cường tập thể thao vừa sức để luyện cách hít thở.

Tác giả: Huyền Trang