Những điều cần biết về xét nghiệm enzyme gan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về xét nghiệm enzyme gan
Xét nghiệm enzyme gan (hay còn gọi là xét nghiệm chỉ số GGT) đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các bệnh lý về gan mật.

1. Xét nghiệm máu phát hiện u gan

Anh V.Q.T 43 tuổi, quê Bắc Ninh đi kiểm tra sức khỏe vì thấy mệt mỏi, chán ăn. Anh T cho biết sức khỏe của anh từ trước tới nay rất tốt và chẳng phải đi viện lần nào. Chỉ đến khi tình cờ đi khám sức khỏe của công ty anh mới tá hỏa khi biết gan của mình ốm yếu quá nặng.

Qua xét nghiệm máu, bác sĩ cho biết kết quả phát hiện viêm gan B (HBsAg dương tính), men gan tăng AST: 191.6 U/L, ALT: 53.3 U/L, GGT: 246.1 U/L và đặc biệt AFP: 66875 lg/mL tăng rất cao so (bình thường: 0-20 lg/mL).

Kết quả trên, bác sĩ khuyến cáo anh T nên đi làm thêm siêu âm ổ bụng và kiểm tra kỹ chức năng gan. Khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy gan trái nhu mô gan thô, bờ gan không đều.

Sau đó, bác sĩ chỉ định anh chụp cắt lớp vi tính đa dãy, kết quả gan biến đổi hình thái, nhu mô gan trái giảm tỷ trọng thành đám có chỗ tạo thành nốt ở phân thùy IV, đường kính lớn nhất 68mm nên theo dõi ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

Anh T đã xét nghiệm công thức máu tổng hợp một lần nhưng không thấy tư vấn về chỉ số sức khỏe của lá gan nên anh càng chủ quan bia rượu, nhậu nhẹt hơn.

2. Những điều cần biết về xét nghiệm enzyme gan

Theo bác sĩ Phạm Đình Tuấn chuyên khoa Ung thư – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp việc xét nghiệm các chỉ số men gan rất quan trọng, nó thông báo cho người bệnh biết tình trạng sức khỏe lá gan của mình, nhất là thực trạng ung thư gan đang gia tăng nhanh chóng và đứng đầu ở Việt Nam như hiện nay.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, để xác định được chính xác chức năng gan phải có cả xét nghiệm enzyme GGT. GGT là viết tắt của Gamma Glutamyl Transferase là một enzym xúc tác cho sự vận chuyển của nhóm gamma-glutamyl trong phản ứng hóa học xảy ra ở nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là gan. 

Enzyme này cũng hiện diện ở nhiều cơ quan, như thận, lá lách, gan và tuyến tụy, tuy nhiên, gan là nguồn gốc chính của GGT.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Tuấn chỉ số xét nghiệm máu GGT ít được chú ý trong các chỉ định kiểm tra sức khỏe. Ngay cả các bác sĩ cũng thường chỉ cho làm GOT (AST), GPT (ALT) mà không quan tâm đến GGT.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, nếu đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu thì người bệnh có thể gợi ý hoặc yêu cầu làm thêm chỉ số này, nhất là những người đã có tiền sử viêm gan virus B, C, uống nhiều rượu bia, thức quá khuya và lạm dụng các thuốc giảm đau, an thần. 

Đặc biệt người cao tuổi khi các phản ứng của cơ thể đã giảm thì các chỉ số GOT, GPT chưa chắc đã tăng cao mặc dù đã có tổn thương gan - mật, khi đó chỉ số GGT vẫn tăng cao, có giá trị tham khảo để chẩn đoán và đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời.

3. GGT cảnh báo bệnh gì?

Bác sĩ Tuấn cho biết, nếu mức GGT lên cao trong máu, người ta nghĩ đến một có tổn thương nào đó của gan - mật (mật bị ứ đọng trong gan), hoặc gần đây còn được coi như là một "marker" cho các bệnh tim mạch hay nghiện rượu.

Qua phân tích các kết quả GGT còn tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh lý cụ thể kèm theo các chỉ số chức năng khác như alkaline phosphatase (ALP) (nếu ALP cao thì có thể do bệnh lý về xương hay do bệnh gan mật. 

Nếu ALP cao kèm theo GGT cũng cao thì nghĩ đến bệnh gan - mật, nếu GGT không cao thì nghi ngờ bệnh lý từ xương. Xét nghiệm nồng độ albumin và bilirubin do gan sản xuất là chỉ số thường được quan tâm..

Một điều cần phải lưu ý là ở người già, khi bị bệnh lý gan - mật, các chỉ số như ALT, AST có thể không tăng đến mức báo động vì cơ thể người già không còn phản ứng như khi còn trẻ khỏe, nhưng GGT cao vẫn báo động có vấn đề cần xem xét.

Bác sĩ Tuấn chia sẻ, trong một nghiên cứu 100 trường hợp GGT tăng cao ở Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân chính là bệnh gan, trong đó đa số là do gan nhiễm mỡ, rồi đến viêm gan, xơ gan, u gan, bệnh mật - túi mật, nhất là sỏi túi mật, một số ít do dùng thuốc loại NSAIDS (thuốc chống viêm giảm đau phi steroids), nhiễm trùng đường tiểu.

Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số GGT cao nhưng siêu âm gan - mật không có vấn đề gì, có thể cần tham vấn các bác sĩ nội khoa xem xét đến những nguyên nhân ở các bộ phận khác như: tụy, tim mạch, tuyến tiền liệt, phổi (ung thư phổi).

Một số loại thuốc có thể làm tăng chỉ sốn GGT trong máu, như paracetamol (hạ sốt, giảm đau), carbamazepine, phenobarbital, phenytoin, valproic acid (an thần, chống co giật), cimetidine (giảm tiết dịch vị), furosemide (lợi tiểu), heparin (thuốc chống đông), isotretinoin (thuốc chữa trứng cá bọc), methotrexate (thuốc chữa bệnh tự miễn và ung thư), thuốc tránh thai...

Thậm chí cũng cần lưu ý việc dùng phải "rác thuốc" Đông Y bị các gian thương phun, tẩm những hóa chất chống ẩm mốc, khi nạp vào cơ thể dài ngày cũng khiến cho cơ thể nhiễm độc và GGT tăng cao. Tuy nhiên thường GTT chỉ tăng ở mức ít và vừa trong các trường hợp này.

4. Vậy khi chỉ số GGT tăng bao nhiêu là nguy hiểm?

Chỉ số GGT bình thường nằm trong khoảng dưới 60 UI/L. Ở nữ giới chỉ số này là 11 – 50 UI/L, ở nam giới chỉ số ggt rơi vào khoảng 7- 32 UI/L.

Có 3 mức độ chỉ sự tăng của chỉ số GGT:

Mức độ nhẹ: tăng cao trong 1-2 lần

Mức độ trung bình: tăng cao trong 2-5 lần

Mức độ nặng: tăng cao trên 5 lần

Trong thực tế có những bệnh nhân ung thư đường mật, chỉ số GGT tăng rất cao đến mức 1000 - 2000, kèm Bilirubin cũng tăng cao đến 500 - 600. Điều trị cho GGT xuống rất khó khăn và cần thời gian lâu hơn nhiều so với việc kéo cho chỉ số ALT và AST về bình thường. 

Chính vì vậy mọi người lưu ý kiểm tra để điều trị và điều chỉnh cả chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý nhất tránh để lại hậu quả đáng tiếc..


Tác giả: KP