Những điều cần biết về viêm phế quản cấp tính ở trẻ em

Những điều cần biết về viêm phế quản cấp tính ở trẻ em
Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em là bệnh lý rất hay gặp phải khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có thể biểu hiện đa dạng bằng nhiều triệu chứng khác nhau như ho, khó thở, mệt mỏi, sốt nhẹ,... và thường gây ra bởi nguyên nhân do virus.

Viêm phế quản cấp tính là bệnh lý có thể xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau, không phân biệt giới tính và tuổi tác, tất cả mọi người đều có khả năng mắc viêm phế quản. Tuy nhiên trên thực tế người ta nhận thấy có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc viêm phế quản cấp tính cao hơn hẳn, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hàng đầu.

1. Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em là gì?

Viêm phế quản cấp tính ỏ trẻ em là sự viêm nhiễm cấp tính ở niêm mạc đường ống dẫn khí vừa và lớn của trẻ, hay còn gọi là phế quản. Bệnh diễn tiến cấp tính, có thể xuất hiện một cách đột ngột ở trẻ không hề bị các bệnh lý hô hấp trước đó.

Mặc dù viêm phế quản cấp tính ở trẻ em có tính chất khởi phát đột ngột, nhưng bệnh cũng có tiên lượng khá tốt khi mà thường sẽ hết sau hai đến 3 tuần sau đó với sự thoái lui của các triệu chứng. Nếu bệnh tiến triển kéo dài lặp lại thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu viêm phế quản cấp tính ở trẻ em đã diễn tiến thành viêm phế quản mãn tính.

Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em có thể gặp ở bất cứ thời gian nào, tuy nhiên những mùa có thời tiết lạnh là thời điểm bệnh dễ dàng xảy ra hơn.

2. Viêm phế quản cấp tính do nguyên nhân gì gây nên?

Thông thường, viêm phế quản cấp tính ở trẻ em thường bị gây nên bởi tác nhân vi sinh vật, mà virus và vi khuẩn là các tác nhân chủ yếu. Trong đó, virus được xem là nguyên nhân chịu trách nhiệm cho phần lớn các ca bệnh viêm phế quản cấp tính ở trẻ em, còn nguyên nhân vi khuẩn bị bắt gặp với tần suất nhỏ hơn rất nhiều.

Do chủ yếu gây nên bởi nguyên nhân virus và vi khuẩn, vì thế viêm phế quản cấp tính ở trẻ em là bệnh lý có khả năng lây lan rất mạnh nếu không được phòng tránh và kiểm soát một cách tính cực.

3. Biểu hiện viêm phế quản cấp ở trẻ

Sự biểu hiện viêm phế quản cấp tính ở trẻ em khá đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên khi mắc bệnh, trẻ thường sẽ biểu hiện thông qua một số triệu chứng hay gặp sau đây:

- Trẻ sốt nhẹ, hoặc trung bình, hiếm khi sốt cao (nếu có sốt cao thường là do nguyên nhân vi khuẩn hơn là virus).

Ảnh 4.

Sốt là biểu hiện thường gặp khi trẻ bị viêm phế quản (Ảnh: Internet)

- Trẻ cảm thấy khó thở, hoặc có thể nghe thấy tiếng khò khè khi trẻ thở.

- Đau ngực là một triệu chứng có thể xuất hiện khi trẻ bị viêm phế quản cấp tính.

- Ho.

- Đau họng.

- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, giảm năng động khi mắc viêm phế quản cấp tính.

4. Dấu hiệu dễ nhầm lẫn

Mặc dù viêm phế quản cấp tính ở trẻ em có biểu hiện khá đa dạng nhưng những biểu hiện của bệnh lại không quá đặc hiệu để giúp có thể nhận biệt bệnh một cách dễ dàng. Do đó, trong một số trường hợp, viêm phế quản cấp tính ở trẻ em có thể bệnh nhầm lẫn với một số tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như:

- Cảm lạnh.

- Dị vật lạc vào đường thở.

- Một tình trạng dị ứng với biểu hiện hô hấp.

- Bệnh phổi tắc nghẽn.

5. Cần làm gì khi trẻ bị viêm phế quản cấp tính?

Do viêm phế quản cấp tính ở trẻ em chủ yếu là do virus gây nên, vì thế hầu hết các trường hợp bệnh sẽ không cần sử dụng kháng sinh trong điều trị, chỉ dùng kháng sinh khi có các dấu hiệu của sự nhiễm khuẩn xảy ra như sốt cao, bệnh kéo dài,...

Việc điều trị viêm phế quản cấp tính ở trẻ em chủ yếu là điều trị các triệu chứng do bệnh gây nên. Trẻ có thể được cho sử dụng các loại thuốc giảm ho, long đờm nếu tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên việc chỉ định cũng khá hạn chế, do các loại thuốc giảm triệu chứng có thể làm giảm hiệu quả các hoạt động miễn dịch của cơ thể và gây nên các tác dụng phụ.

Ảnh 6.

Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm ho theo đơn của bác sĩ (Ảnh: Internet)

Vì vậy khi trẻ bị viêm phế quản cấp tính, các bậc phụ huynh thường được khuyên nên vệ sinh đường hô hấp thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý, sử dụng mật ong để giảm ho. Máy tạo độ ẩm có thể được sử dụng trong điều trị viêm phế quản cấp tính ở trẻ em, nhưng cần lưu ý thay nước thường xuyên cho máy để luôn đảm bảo vệ sinh không khí, tránh bội nhiễm.

Trên đây là một số kiến thức cần biết về bệnh viêm phế quản cấp tính ở trẻ em. Để giúp bé luôn an toàn và khỏe mạnh, hãy thực hiện dự phòng tích cực đối với viêm phế quản cấp tính ở trẻ em và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ ngay khi có các triệu chứng của bệnh xảy ra.

Nguồn dịch: https://www.everydayhealth.com/lung-and-respiratory/bronchitis/what-when-child-bronchitis/


Tác giả: QN