Để có thể lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan chính xác và hiệu quả nhất, người nhà cần nhận định xem bệnh nhân ở giai đoạn nào của bệnh dựa theo chẩn đoán y tế từ bác sĩ chuyên khoa. Một kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan sẽ bao gồm các yếu tố dưới đây:
Để đảm bảo việc chăm sóc bệnh nhân xơ gan được hiệu quả, người chăm sóc cần thực hiện lập kế hoạch theo đúng những nguyên tắc sau đây:
- Bệnh nhân nghỉ ngơi khi bệnh tiến triển, không làm các công việc nặng nhọc.
- Chế độ ăn đảm bảo protein, glucid, vitamin và hạn chế lipid. Hạn chế muối hoặc ăn nhạt khi có phù và cổ trướng. Hạn chế đạm khi xơ gan mất bù và tuyệt đối không được uống rượu.
- Theo dõi cân nặng bệnh nhân hàng tuần.
- Theo dõi sát bệnh nhân và điều trị các biến chứng kịp thời.
- Hướng dẫn cho bệnh nhân biết về nguyên nhân cũng như các biến chứng có thể xảy ra để họ có thể hợp tác với điều trị và kế hoạch chăm sóc.
Để chăm sóc bệnh nhân xơ gan có gặp hội chứng suy tế bào gan cần thực hiện như sau:
- Theo dõi cân nặng bệnh nhân hàng tuần và chú ý phát hiện những biểu hiện chán ăn, chậm tiêu để có biện pháp bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
- Đo lượng nước tiểu 24h.
- Vệ sinh mũi miệng khi bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Thực hiện thuốc theo y lệnh chính xác kịp thời. Tiêm hoặc uống Vitamin B1, B6, B12, C, K.
- Tùy theo chỉ định của bác sĩ mà dùng lợi tiểu.
Để chăm sóc bệnh nhân xơ gan có phù và cổ trướng cần:
- Để bệnh nhân nằm nghỉ tương đối, không lao động nặng.
- Ăn nhạt hoàn toàn, hạn chế lipide, ăn tăng glucid và protein. Cụ thể, người bệnh cần ăn nhạt với chế độ ăn < 1g natri/ngày. Chế độ ăn ít mỡ với lượng lipid < 50g/ngày. Lượng protide cần cho cơ thể ở khoảng 2g /kg/ngày. Năng lượng khoảng 2500 kcalo/ngày. Nước uống < 1 lít/ngày dựa vào bilan nước vào và đo lượng nước tiểu 24h.
- Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, thuốc men, phụ giúp thầy thuốc chọc hút dịch màng bụng và làm phản ứng Rivalta khi cần thiết.
- Quan sát màu sắc dịch cổ trướng và đo số lượng dịch.
- Đảm bảo vô khuẩn khi phụ giúp bác sĩ chọc hút màng bụng để đề phòng nhiễm khuẩn ruột và dịch màng bụng.
- Chuẩn bị bệnh nhân chu đáo khi có chỉ định chụp X- quang thực quản hoặc nội soi thực quản bằng ống soi mềm.
Trong trường hợp có biến chứng xuất huyết tiêu hóa, người chăm sóc bệnh nhân xơ gan cần:
- Cho bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, đầu thấp gối mỏng dưới vai kê chân cao.
- Tạm ngừng cho bệnh nhân ăn bằng đường miệng.
- Ủ ấm cho bệnh nhân.
- Phụ giúp thày thuốc đặt catheter theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm.
- Truyền dịch, truyền máu khẩn trương theo y lệnh.
- Đề phòng hôn mê gan: Đặt sonde dạ dày hút hết máu còn ứ đọng trong dạ dày. Sau đó rửa dạ dày bằng nước lạnh. Thụt tháo phân để loại trừ nhanh chóng chảy máu đã xuống ruột ra ngoài.
Để đề phòng hôn mê gan, người chăm sóc cần theo dõi sự thay đổi về tính tình như trạng thái vui buồn thờ ơ. Ngoài ra, cần chú ý các biểu hiện sau đây:
- Các biểu hiện rối loạn về trí nhớ.
- Mất phương hướng về thời gian và không gian, mất khả năng tập trung tư tưởng.
- Bàn tay run rẩy do rối loạn trương lực cơ. Nếu đặt thẳng góc với cánh tay và mặt giường, sẽ thấy bàn tay run, giật và không đều.
Khi phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu trên, người chăm sóc phải báo ngay với bác sỹ để có biện pháp xử trí kịp thời.
Xơ gan là bệnh khá phổ biến, biểu hiện bởi hai hội chứng suy gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Do đó việc chăm sóc bệnh nhân xơ gan sẽ có hiệu quả khi có các dấu hiệu sau:
- Cổ trướng giảm.
- Không còn hiện tượng vàng da
- Không có chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da.
- Bệnh nhân ăn ngon miệng và không sụt cân.
- Bệnh nhân tuyệt đối không được uống rượu.
- Không để xảy ra các biến chứng.
- Bệnh nhân được yên tâm, thoải mái và có sự hiểu biết nhất định về bệnh để phòng bệnh tiến triển khi về nhà.