Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, gây tổn thương nặng nề cho người mắc dọ nó làm tổn thương cơ quan thần kinh trung ương, tuổi mắc bệnh càng nhỏ thì mức độ tổn thương càng lớn. Những hậu quả nặng nề có thể gặp do bệnh để lại kể đến như chậm phát triển trí tuệ, động kinh, khó hòa nhập, sống thực vật,... Bệnh có tính chất cấp tính, lây từ người qua người thông qua muỗi đốt, các hoạt động tiếp xúc thông thường giữa người bệnh và người lành không làm lây nhiễm bệnh.
Mặc dù đã được phát hiện từ rất lâu (1935), tuy nhiên cho đến ngày nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Do đó cho đến nay, tiêm vaccine Viêm não Nhật Bản vẫn là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho trẻ và cho tất cả mọi người.
Theo các khuyến cáo hiện nay, vaccine Viêm não Nhật Bản nên được tiêm sớm cho trẻ khi trẻ 12-15 tháng để đảm bảo hiệu quả miễn dịch. Lịch tiêm chủng các mũi vaccine Viêm não Nhật Bản như sau:
- Mũi đầu tiên: Khi trẻ 12-15 tháng
- Mũi thứ 2: Sau mũi đầu tiên 1-2 tuần
- Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 năm
Sau đó tiêm nhắc lại vaccine viêm não cho trẻ mỗi 3 năm 1 lần.
Đối với các trẻ lớn hơn 5 tuổi nhưng được tiêm chủng vaccine Viêm não Nhật Bản thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tiêm bù đủ các mũi cơ bản, và tiêm nhắc lại sau đó 5 năm 1 lần.
Tất cả các trẻ khi đáp ứng đủ các yêu cầu về sức khỏe và độ tuổi thì đều nên được tiêm chủng vaccine Viêm não Nhật Bản để phòng bệnh. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt thì trẻ có thể được hoãn tiêm chủng nhật bản, chẳng hạn như:
- Trẻ đang mắc các bệnh lý cấp tính, viêm nhiễm,...
- Trẻ đang sốt, tiêu chảy,...
- Trẻ đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch.
- Trẻ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, gan, phổi, ung thư,...
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV, bệnh bạch cầu,...
Do đó, trẻ cần phải được kiểm tra lại trước khi tiêm chủng để xác nhận đáp ứng đủ các tiêu chí về sức khỏe cần thiết, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Sau tiêm chủng vaccine Viêm não Nhật Bản, cha mẹ nên cho trẻ ở lại địa điểm tiêm chủng trong ít nhất 30 phút để theo dõi sau tiêm chủng, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm nếu có. Khi cho trẻ về nhà cần phải tiếp tục theo dõi trẻ thêm trong vòng ít nhất 24h tại nhà.
Cần phải bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, mặc quần áo thoáng mát và vệ sinh thân thể sạch sẽ để đề phòng bội nhiễm. Ngoài ra cũng tuyệt đối không được đắp bất kỳ gì lên vết tiêm của trẻ tránh gây bội nhiễm.
Trẻ sau tiêm chủng có thể có sốt, cha mẹ có thể sử dụng lau mát để hạ sốt vật lý cho trẻ nhẹ. Nếu sốt cao thì có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt nhưng phải dưới sự hướng dẫn của bác sĩ về chủng loại và liều lượng. Trẻ cũng có thể bị đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, nhưng thường là nhẹ và sẽ hết sau 1-2 ngày.
Cần lưu ý phát hiện một số dấu hiệu của phản ứng nặng sau tiêm chủng như khó thở, khò khè, chân tay lạnh, tím tái, co giật, li bì, vật vã, sốt cao và quấy khóc liên tục,... để đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời.
Có thể nói rằng, với một căn bệnh nguy hiểm và chưa có điều trị đặc hiệu như Viêm não Nhật Bản thì cách tốt nhất chính là sử dụng vaccine Viêm não Nhật Bản để phòng bệnh. Do đó, cha mẹ cần tuân thủ lịch tiêm chủng vaccine và cho con đi tiêm đầy đủ tại các cơ sở y tế.