Những điều cần biết về triệu chứng thở khò khè ở trẻ em và người lớn

Những điều cần biết về triệu chứng thở khò khè ở trẻ em và người lớn
Thở khò khè

Thở khò khè là tình trạng nhiều người gặp phải. Đây là triệu chứng của các bệnh lý như nhiễm virus, hen suyễn, dị ứng, cảm cúm, ...

Khi xuất hiện tình trạng này, nhiều người thường chủ quan và cho rằng triệu chứng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, thở khò khè có thể nguy hiểm đối với sức khoẻ, nhất là người già và trẻ em. Vì vậy, nên có những biện pháp khắc phục sớm nếu xuất hiện tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây ra tình trạng thở khò khè ở người lớn

Đối với người lớn, thở khò khè là triệu chứng của một số bệnh lý, chủ yếu liên quan đến đường hô hấp như:

1.1. Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn

Các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn như viêm phế quản gây ho liên tục kèm theo chất nhầy, khó thở, đau ngực hoặc sốt nhẹ có thể dẫn đến ho, thở khò khè. Ngoài ra, cảm lạnh thông thường, là một bệnh nhiễm virus, có thể gây ra thở khò khè nếu có chất nhầy lắng đọng trong ngực.

Viêm phổi, có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra, gây viêm các túi khí trong phổi. Điều này gây khó thở và các triệu chứng có thể bao gồm thở khò khè hoặc ho có đờm, kèm theo sốt, đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh, đau ngực và mệt mỏi.

Những điều cần biết về triệu chứng thở khò khè ở trẻ em và người lớn - Ảnh 2.

Thở khò khè ở người lớn là triệu chứng phổ biến của các bệnh do nhiễm virus, vi khuẩn (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Cách làm giảm triệu chứng và giúp trẻ dễ ngủ khi thở khò khè

6 cách chữa khò khè có đờm do bệnh đường hô hấp

1.2. Bệnh hen suyễn

Các triệu chứng hen suyễn có thể khiến niêm mạc đường thở của bạn sưng lên và thu hẹp, đồng thời các cơ trong đường thở bị thắt lại. Khi đó, đường thở sẽ chứa đầy chất nhầy, khiến không khí càng khó đi vào phổi của bạn.

Những tình trạng này có thể làm bùng phát hoặc lên cơn hen suyễn. Các triệu chứng bao gồm: ho khan, thở khò khè, khó thở, tức ngực, mệt mỏi.

1.3. COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thường được gọi là COPD, là một thuật ngữ chung để chỉ một số bệnh phổi tiến triển. Phổ biến nhất là khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.

Khí phế thũng từ từ làm suy yếu và phá hủy các túi khí trong phổi, làm cho các túi khó hấp thụ oxy hơn. Do đó, lượng oxy có thể đi vào máu sẽ ít hơn, gây ra các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, thở khò khè và mệt mỏi.

Viêm phế quản mãn tính là do tổn thương các ống phế quản, đặc biệt là các sợi giống như lông được gọi là lông mao. Nếu không có lông mao, cơ thể có thể khó khạc ra chất nhầy, gây ho nhiều hơn. Điều này gây kích ứng các ống phế quản và sưng lên dẫn tới tình trạng khó thở và thở khò khè.

Những điều cần biết về triệu chứng thở khò khè ở trẻ em và người lớn - Ảnh 3.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng gây ra tình trạng thở khò khè, ho, mệt mỏi (Ảnh: Internet)

1.4. GERD

Với bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Các triệu chứng bao gồm ợ chua, đau ngực, thở khò khè và khó thở. Nếu không được điều trị, sự kích ứng từ các triệu chứng này có thể dẫn đến ho mãn tính.

1.5. Dị ứng

Dị ứng với phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng hoặc một số loại thức ăn có thể dẫn đến thở khò khè, lưỡi hoặc cổ họng bị sưng, phát ban, tức ngực, buồn nôn.

1.6. Bệnh tim

Một số loại bệnh tim có thể gây ra chất lỏng tích tụ trong phổi. Do đó, điều này có thể dẫn đến ho dai dẳng và thở khò khè kèm theo chất nhầy màu trắng hoặc hồng, nhuốm máu.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng thở khò khè ở trẻ em

Đối với trẻ em, nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thở khò khè do một số bệnh lý như:

2.1. Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

RSV là một loại vi rút rất phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Loại virus này phổ biến hơn ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hầu hết trẻ em sẽ bị nhiễm RSV trước 2 tuổi.

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh sẽ có các triệu chứng giống như cảm lạnh nhẹ, bao gồm ho khò khè. Nhưng một số trường hợp có thể tiến triển nặng hơn và gây ra các bệnh nặng hơn như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

2.2. Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản, là một bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra khi các tiểu phế quản (đường dẫn khí nhỏ trong phổi) bị viêm hoặc chứa đầy chất nhầy, khiến trẻ khó thở.

Khi điều này xảy ra, trẻ sơ sinh của bạn có thể gặp triệu chứng thở khò khè. Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản là do RSV.

Những điều cần biết về triệu chứng thở khò khè ở trẻ em và người lớn - Ảnh 4.

Thở khò khè ở trẻ em thường do cảm cúm, viêm tiêu phế quản, RSV, ho gà (Ảnh: Internet)

2.3. Cảm lạnh thông thường

Ho khò khè có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh bị nhiễm virus như cảm lạnh. Bên cạnh đó, trẻ bị cảm lạnh còn có thể xuất hiện thêm dấu hiệu như chảy nước mũi, sốt, hắt xì, quấy khóc, …

2.4. Ho gà

Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường nghiêm trọng hơn ở trẻ em và trẻ sơ sinh.

Lúc đầu, các triệu chứng tương tự như cảm lạnh và bao gồm sổ mũi, sốt và ho. Trong vòng vài tuần, ho khan, dai dẳng có thể phát triển khiến việc thở rất khó khăn.

2.5. Dị ứng

Thở khò khè ở trẻ em cũng có thể là triệu chứng của dị ứng. Ngoài ra, các triệu chứng dị ứng ở trẻ em tương đối giống với người lớn như phát ban, buồn nôn, lưỡi hoặc cổ họng bị sưng.

3. Các biện pháp khắc phục thở khò khè tại nhà

Nếu các cơn thở khò khè không quá nghiêm trọng, các bạn có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà để làm giảm các triệu chứng.

Lưu ý, các phương pháp này không thay thế cho các chỉ định điều trị của bác sĩ. Bạn có thể kết hợp các biện pháp này với các phương án điều trị từ bác sĩ. Nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng các cách cải thiện triệu chứng sau đây.

- Dùng máy tạo độ ẩm

Máy tạo độ ẩm hoạt động bằng cách giải phóng hơi nước vào không khí để tăng độ ẩm. Hít thở không khí có nhiều độ ẩm hơn có thể giúp làm lỏng chất nhầy và giảm tắc nghẽn.

Sử dụng máy tạo độ ẩm thích hợp cho cả người lớn và trẻ sơ sinh. Cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm nhỏ vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

- Bài tập thở

Đối với người lớn bị hen phế quản, các bài tập thở sâu, tương tự như các bài tập yoga, có thể đặc biệt hữu ích.

Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy những người bị hen phế quản, những người tập thở 20 phút hai lần mỗi ngày trong 12 tuần, có ít triệu chứng hơn và chức năng phổi tốt hơn những người không tập thở.

Những điều cần biết về triệu chứng thở khò khè ở trẻ em và người lớn - Ảnh 5.

Bài tập thở giúp làm giảm tình trạng thở khò khè, giúp phổi hoạt động tốt hơn (Ảnh: Internet)

- Uống nước ấm

Trà nóng, nước ấm với một thìa cà phê mật ong có thể giúp làm lỏng chất nhầy và giúp đường thở thông thoáng. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với trẻ sơ sinh, chỉ nên áp dụng cho người lớn.

- Tránh các chất gây dị ứng

Nếu bạn biết rằng cơn ho, thở khò khè của bạn là do phản ứng dị ứng với một thứ gì đó trong môi trường, hãy thực hiện các bước để giảm hoặc tránh tiếp xúc với bất cứ thứ gì có thể gây ra dị ứng cho bạn.

Một số chất gây dị ứng môi trường phổ biến nhất bao gồm phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông vật nuôi, côn trùng đốt và nhựa mủ. Các chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến bao gồm sữa, lúa mì, trứng, các loại hạt, cá và động vật có vỏ, và đậu nành.

Nhìn chung, thở khò khè có thể kiểm soát được. Tuy nhiên cần theo dõi thời gian kéo dài khi thở khò khè, chú ý quan sát các triệu chứng đi kèm. Đặc biệt trẻ em thường không biết diễn đạt nên cha mẹ cần đặc biệt quan tâm. Khi có các dấu hiệu như sốt cao, khó thở, màu da hơi xanh, thở khò khè lâu ngày, ... các bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Nguồn tham khảoWhat You Need to Know About a Wheezing Cough


Tác giả: Vân Anh