Những điều cần biết về tiêm bổ sung vitamin K cho trẻ

Những điều cần biết về tiêm bổ sung vitamin K cho trẻ
Từ năm 1961, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến nghị bổ sung vitamin K ở trẻ sơ sinh bằng một mũi tiêm duy nhất sau khi sinh. Việc này là cần thiết bởi hàm lượng vitamin K thấp có thể dẫn đến chảy máu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là những điều cần biết về tiêm bổ sung vitamin K cho trẻ.

1. Tiêm bổ sung vitamin K có an toàn hay không?

Tiêm bổ sung vitamin K rất an toàn vì vitamin K là thành phần chính trong mũi tiêm. Các thành phần khác bổ sung cho đủ 1 liều tiêm.  Một trong những thành phần này là rượu benzyl, một chất bảo quản. Rượu benzyl là một thành phần phổ biến trong nhiều loại thuốc.

Lượng rượu benzyl trong liều tiêm bổ sung vitamin K là rất thấp và đã có những ngiên cứu khoa học chỉ ra điều đó. Trên thực tế, một lượng nhỏ rượu benzyl trong mũi tiêm vitamin K không đủ để gây nguy hiểm, ngay cả các loại thuốc khác cũng chứa một lượng nhỏ chất bảo quản này.

2. Liều của mũi tiêm có quá nhiều cho trẻ sơ sinh không?

Câu trả lời cho câu hỏi này là không, liều trong mũi tiêm vitamin K không quá nhiều đối với trẻ sơ sinh. Liều vitamin K trong mũi tiêm cao so với nhu cầu vitamin K hàng ngày. Nhưng hãy nhớ rằng trẻ sơ sinh không có nhiều vitamin K khi chúng được sinh ra và sẽ không có nguồn cung cấp vitamin K tốt cho đến khi chúng gần sáu tháng tuổi. Điều này là do vitamin K không qua được nhau thai và sữa mẹ có hàm lượng vitamin K rất thấp.

Việc tiêm vitamin K hoạt động theo hai cách để tăng mức vitamin K. Đầu tiên, một phần vitamin K đi vào máu của trẻ sơ sinh ngay lập tức và làm tăng lượng vitamin K trong máu. Điều này cung cấp đủ để mức độ vitamin K của trẻ sơ sinh không giảm xuống mức nguy hiểm trong vài ngày đầu đời.

Phần lớn vitamin K này được lưu trữ trong gan và nó được sử dụng cho hệ thống đông máu của cơ thể. Thứ hai, phần còn lại của vitamin K được giải phóng chậm trong 2-3 tháng tới, cung cấp nguồn vitamin K ổn định cho đến khi trẻ sơ sinh có một nguồn khác từ chế độ ăn uống của mình.

3. Tại sao tất cả các bé sơ sinh cần tiêm bổ sung vitamin K?

Việc chờ xem liệu trẻ em sơ sinh nếu thiếu mới tiêm bổ sung vitamin K có thể khiến tình hình trở nên quá muộn. Em bé có thể bị chảy máu ở ruột hoặc não, hoặc ở các cơ quan trong cơ thể, nơi mà các bậc phụ huynh hoàn toàn không thể nhìn thấy sự chảy máu xảy ra để biết rằng có điều gì đó không ổn. Điều này có thể trì hoãn chăm sóc y tế và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đe dọa tính mạng ở trẻ sơ sinh.

Tất cả trẻ đều được sinh ra với lượng vitamin K rất thấp vì vitamin K không vận chuyển được qua nhau thai. Sữa mẹ chỉ chứa một lượng nhỏ vitamin K, hay nói cách khác, điều này có nghĩa là tất cả trẻ sơ sinh đều có lượng vitamin K thấp, vì vậy chúng cần bổ sung vitamin K từ một nguồn bên ngoài khác. 

Tiêm bổ sung vitamin K là cách tốt nhất để đảm bảo tất cả trẻ sơ sinh đều có đủ lượng vitamin K cần thiết. Trẻ sơ sinh không được tiêm bổ sung vitamin K có nguy cơ bị chảy máu nghiêm trọng gấp 81 lần so với những trẻ được tiêm.

4. Phương pháp tăng vitamin K trong sữa mẹ

Các chuyên gia khuyến khích các bà mẹ ăn uống lành mạnh và uống vitamin tổng hợp khi cần thiết. Mặc dù ăn thực phẩm giàu vitamin K hoặc dùng thuốc hay thực phẩm chức năng bổ sung vitamin K có thể làm tăng nhẹ mức vitamin K trong sữa mẹ, nhưng không đủ để cung cấp tất cả lượng vitamin K cần cho trẻ sơ sinh.

Khi trẻ sơ sinh ra đời, lượng vitamin K vốn đã thấp thậm chí còn giảm. Trẻ sơ sinh cần đủ vitamin K để bù cho mức độ cực thấp của chúng. Tiêm bổ sung vitamin K sẽ bắt đầu lưu trữ nó trong gan để sử dụng trong tương lai và đảm bảo sức khỏe xương và máu tốt.  Sữa mẹ - ngay cả từ các bà mẹ bổ sung nguồn vitamin K - không thể cung cấp đủ lượng vitamin K để làm tất cả những điều này.

5. Giảm đau cho trẻ khi tiêm vitamin K

Trẻ sơ sinh đều cảm thấy đau đớn khi tiêm và điều quan trọng là phải giảm bớt sự khó chịu cho trẻ. Em bé cảm thấy bớt đau hơn khi tiêm nếu được giữ chặt. Bạn có thể yêu cầu bế bé trong khi tiêm bổ sung vitamin K để bé có thể được bạn an ủi. Cho con bú trong khi tiêm được đưa ra và ngay sau đó cũng có thể làm giảm cơn đau ở trẻ. 

Hãy nhớ rằng nếu em bé của bạn không tiêm bổ sung vitamin K, nguy cơ bị chảy máu nghiêm trọng cao gấp 81 lần so với khi bé được tiêm. Chẩn đoán và điều trị VKDB thường bao gồm nhiều thủ tục đau đớn, bao gồm rút máu nhiều lần.

6. Rủi ro và lợi ích

Những rủi ro của việc tiêm bổ sung vitamin K là những rủi ro tương tự như khi tiêm hầu hết các loại thuốc khác. Chúng bao gồm đau hoặc thậm chí bầm tím hay sưng tại nơi tiêm. Một vài trường hợp sẹo da tại vị trí tiêm đã được báo cáo. Chỉ có một trường hợp phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh đã được tìm thấy, vì vậy điều này là cực kỳ hiếm.

Mặc dù đã có những lo ngại về một số rủi ro khác, như nguy cơ ung thư ở trẻ em hoặc rủi ro vì các thành phần bổ sung. Tuy nhiên không có rủi ro nào trong số này đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học.

Lợi ích chính của việc tiêm bổ sung vitamin K là nó có thể bảo vệ em bé của bạn khỏi chảy máu do thiếu vitamin K, một tình trạng nguy hiểm có thể gây tàn tật lâu dài hoặc tử vong. Ngoài ra, chẩn đoán và điều trị chảy máu do thiếu vitamin K thường bao gồm nhiều thủ tục và đôi khi gây đau đớn, chẳng hạn như lấy máu, quét CT, truyền máu hoặc gây mê và phẫu thuật.

7. Tiêm bổ sung vitamin K có thể gây ung thư hay không?

Câu trả lời cho câu hỏi này là không. Vào đầu những năm 1990, một nghiên cứu nhỏ ở Anh đã tìm thấy mối liên hệ giữa vitamin K và bệnh ung thư thời thơ ấu. Nghiên cứu này chỉ ra rằng 2 căn bệnh này xảy ra cùng một lúc trong cùng một người, nhưng không chứng minh được liệu điều này có gây ra điều kia hay không.

Việc tìm hiểu xem liệu vitamin K có thể gây ung thư ở trẻ em hay không là rất quan trọng bởi vì mọi trẻ sơ sinh đều được tiêm bổ sung vitamin K. Nếu vitamin K gây ung thư, chúng ta sẽ thấy sự liên kết tương tự ở các nhóm trẻ em khác.

Các nhà khoa học đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu xem liệu họ có thể tìm thấy mối liên hệ tương tự ở những đứa trẻ khác hay không, nhưng mối liên hệ giữa vitamin K và ung thư thời thơ ấu không bao giờ được tìm thấy trong bất kỳ nghiên cứu nào khác. Chính vì vậy, cho tới thời điểm hiện tại, có thể khẳng định chắc chắn rằng bổ sung vitamin K ở trẻ sơ sinh không gây ra bệnh ung thư.

Nguồn dịch: https://www.cdc.gov/ncbddd/vitamink/faqs.html


Tác giả: Anh Dũng