Những điều cần biết về tái phát ung thư thực quản sau điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về tái phát ung thư thực quản sau điều trị
Sau khi được điều trị, bệnh ung thư thực quản vẫn có khả năng tái phát và xuất hiện trở lại. Do vậy người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm tình trạng tái phát ung thư thực quản.

1. Tái phát sau điều trị ung thư thực quản là gì?

Tái phát là một trong các đặc tính rất quan trọng của ung thư thực quản nói riêng và các loại bệnh ung thư nói chung. Tái phát ung thư thực quản có nghĩa là các tế bào ung thư trở lại và hình thành nên các khối tế bào ung thư (khối u) mới sau khi bệnh nhân đã được điều trị.

Sự tái phát ung thư thực quản sau điều trị được chia làm hai dạng chính là tái phát cục bộ (tức tái phát tại vị trí khối u ban đầu hoặc ngay gần vị trí khối u ban đầu) và tái phát xa (tức tái phát tại một cơ quan mới).

2. Làm thế nào để phát hiện ung thư thực quản tái phát?

Khó có cách nào có thể xác định chính xác thời gian bệnh nhân sẽ tái phát ung thư thực quản sau khi đã thực hiện điều trị. Sự tái phát phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như phương pháp điều trị, hiệu quả điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau điều trị,... Có những bệnh nhân tái phát rất sớm sau điều trị, trong khi có những bệnh nhân biểu hiện tái phát chỉ quay lại rất lâu sau điều trị.

Vì vậy, bệnh nhân cần được thường xuyên kiểm tra, theo dõi định kỳ sau khi điều trị để có thể phát hiện sớm sự tái phát ung thư thực quản. Thông thường bệnh nhân ung thư thực quản trong vòng hai năm đầu sau điều trị được tái khám mỗi 3 tháng một lần, sau hai năm sẽ là từ 4-6 tháng một lần.

Khi tái khám bệnh nhân sẽ được thực hiện các thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm máu, CT-Scan, MRI, siêu âm,...)để có thể xác định sớm sự trở lại của các khối u.

3. Điều trị ung thư thực quản tái phát như thế nào?

Nhìn chung, việc điều trị khi tái phát ung thư thực quản sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố là vị trí tái phát khối u và phương pháp điều trị đã sử dụng trước đó.

3.1. Đối với tái phát ung thư thực quản cục bộ

Nếu những bệnh nhân có tái phát ung thư thực quản cục bộ đã từng được điều trị bằng nội soi, thì khi có sự tái phát cục bộ xảy ra người ta thường phẫu thuật để điều trị. Còn những bệnh nhân đã phẫu thuật để điều trị khối u ban đầu, thì tùy sức khỏe bệnh nhân mà bệnh nhân có thể được phẫu thuật lại hay sử dụng hóa, xạ trị để điều trị khi tái phát ung thư thực quản.

Còn với các trường hợp đã sử dụng tia xạ để điều trị khối u ban đầu, tia xạ sẽ ít được sử dụng để điều trị các khối u do tái phát ung thư thực quản cục bộ, thay vào đó bệnh nhân sẽ được làm hóa trị. Các bệnh nhân hóa trị cho khối u ban đầu vẫn có thể được sử dụng hóa trị để điều trị các khối u tái phát.

3.2. Đối với tái phát ung thư thực quản vị trí xa

Việc điều trị ung thư thực quản tái phát xa khó khăn hơn rất nhiều so với trường hợp điều trị tái phát ung thư thực quản cục bộ, do khi này các tế bào ung thư đã di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể và tạo nên các khối u mới.

Nhìn chung để điều trị tái phát ung thư thực quản vị trí xa các phương pháp điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị vẫn là những phương pháp chủ yếu. Nhưng sử dụng phương pháp nào cần sự cân nhắc kỹ lưỡng về vị trí xuất hiện khối u mới, kích thước khối u, thể trạng bệnh nhân, chi phí điều trị, nguy cơ điều trị,... mới có thể đưa ra lựa chọn hợp lý nhất.

Có thể thấy, kể cả khi đã được điều trị bệnh ung thư thực quản vẫn có thể tái phát và điều trị sau khi tái phát ung thư thực quản là việc rất khó khăn. Do vậy, người bệnh cần thực hiện nghiêm túc lịch theo dõi của bác sĩ sau điều trị để có thể phát hiện sớm sự tái phát của bệnh giúp đưa ra hướng xử trí kịp thời.

Nguồn dịch: https://www.cancer.org/cancer/esophagus-cancer/treating/recurrence.html


Tác giả: Quang Nam