Những điều cần biết về phục hồi chức năng với các bài tập thoát vị đĩa đệm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về phục hồi chức năng với các bài tập thoát vị đĩa đệm
Phục hồi chức năng bằng các bài tập thoát vị đĩa đệm rất cần thiết cho những trường hợp mới mắc bệnh và cả những bệnh nhân sau phẫu thuật. Vậy tập luyện có tác dụng gì, nên tập bài tập thoát vị đĩa đệm nào và cần lưu ý gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây!

1. Hiệu quả khi thực hiện bài tập thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm giữa đốt sống bị di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu, nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài lớp bao xơ bảo vệ và chèn ép lên các rễ thần kinh xung quanh. Tâm lý chung của người bệnh là điều trị dựa vào thuốc là chủ yếu, không kiên trì và thậm chí có người không tin tưởng vào hiệu quả chữa bệnh của các bài tập thoát vị đĩa đệm. 

Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, có thể khiến bệnh kéo dài dai dẳng, khó điều trị và phục hồi.

Bài tập thoát vị đĩa đệm được nghiên cứu, thiết kế phù hợp với thể trạng và sự tổn thương xương khớp ở người bệnh và sẽ có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, chuyên gia, hướng dẫn viên để mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe. Đặc biệt với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm giai đoạn đầu, tập luyện vô cùng quan trọng.

Bệnh nhân có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, vận động vừa sức, tập các bài tập vật lý trị liệu tại nhà và kết hợp với chế độ ăn uống hàng ngày cũng có thể từ từ đẩy lùi bệnh một cách hiệu quả.

Tập luyện, vật lý trị liệu cũng là biện pháp khuyến cáo và nhiều khi là bắt buộc để phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm. Sau thời gian an dưỡng, nghỉ ngơi để vết mổ lành lặn, người bệnh cần tập đi lại, vận động vừa sức để dần dần phục hồi chức năng của đĩa đệm, sụn khớp, cột sống. Các bài tập thoát vị đĩa đệm chuyên biệt không chỉ cải thiện tình trạng lệch đĩa đệm, dần dần khiến chúng thu về vị trí ban đầu mà còn giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể dẻo dai hơn.

2. Nên tập luyện như thế nào khi bị thoát vị đĩa đệm?

Trước hết, người bệnh cần được thăm khám cụ thể để đánh giá mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe. Tiếp đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn và đưa ra lời khuyên về bài tập thoát vị đĩa đệm phù hợp nhất. Bên cạnh các động tác thể dục nhẹ nhàng tốt cho bất cứ ai thì người bệnh cần tập những bài tập chuyên biệt cho từng loại như: bài tập thoát vị đĩa đệm cổ, lưng, bài tập phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm…

- Một số bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: bài tập căng cổ sang hai bên, bài tập duỗi cổ, bài tập đứng cúi gập người, bài tập xoay cổ…

- Một số bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: bài tập gập bụng một phần, chống đẩy bằng khuỷu tay, ưỡn lưng tư thế "rắn hổ mang"…

- Một số môn thể thao nên tham gia: bơi lội, đi bộ, yoga, thể dục dưỡng sinh

Với người bệnh lớn tuổi, nên thường xuyên tập luyện các động tác thể dục dưỡng sinh, vừa tốt cho xương khớp, cải thiện tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống, vừa điều hòa khí huyết. Nên tránh những bài tập tạo sức ép lên cột sống dễ gây chấn thương trong khi tập luyện. 

Còn với người bệnh trung niên, trẻ tuổi, nên tập trung vào những bài tập thoát vị đĩa đệm tăng cường sự dẻo dai cho cơ lưng nâng đỡ cột sống, tăng cường sức mạnh cơ bắp. Tập yoga rất tốt cho người bị bệnh này nhưng cần lựa chọn những động tác phù hợp, tránh tập luyện quá sức có thể làm cho tình trạng sức khỏe xấu đi.

3. Làm thế nào để phòng tránh chấn thương khi tập luyện?

Tâm lý chung của những người bị thoát vị đĩa đệm thường là sợ chấn thương, sợ tập luyện sai cách làm cho bệnh nặng hơn và có rất nhiều thắc mắc trong quá trình điều trị bệnh, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm có nên chạy bộ không, có nên tập gym không… Các chuyên gia cho biết, vận động, tập luyện thể dục rất cần thiết cho những người mắc bệnh này nhưng để phòng tránh rủi ro kể trên thì điều kiện tiên quyết là phải thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Tập luyện vừa sức, lựa chọn các bài tập thoát vị đĩa đệm phù hợp sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh.

- Với các trường hợp tập luyện phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm, cần tập luyện cùng với hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tập tại trung tâm vật lý trị liệu chuyên biệt.

- Chú ý tránh các môn thể thao cần nhiều sức mạnh cơ bắp như: gym, chạy bộ, aerobic, nâng tạ; tránh các bài tập có động tác vặn người, động tác ngồi xổm, giữ thẳng chân… để phòng tránh chấn thương.

- Khi gặp vấn đề với các bài tập thoát vị đĩa đệm, cảm thấy đau nhiều hơn sau khi tập thì cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thăm khám ngay.

Để việc thực hiện bài tập thoát vị đĩa đệm mang lại hiệu quả tích cực sức khỏe cho người bệnh, cần kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.


Tác giả: Hoàng Trang