Những điều cần biết về lưu huỳnh với sức khỏe con người

Những điều cần biết về lưu huỳnh với sức khỏe con người
Lưu huỳnh là khoáng chất quan trọng, thực hiện một số chức năng trong các phản ứng enzyme và tổng hợp protein. Nó cần thiết cho sự hình thành collagen, protein được tìm thấy trong các mô liên kết trong cơ thể chúng ta.

1. Lưu huỳnh là gì?

Lưu huỳnh không chỉ là nguyên tố hóa học, nó còn là khoáng chất thiết yếu của cơ thể. Lưu huỳnh có trong tất cả các mô sống. Sau canxi và phốt pho, nó là khoáng chất phong phú thứ ba trong cơ thể con người. Lưu huỳnh cũng được tìm thấy nhiều nhất trong tỏi, hành tây và bông cải xanh. 

Trong cơ thể, lưu huỳnh thường có vai trò như những cầu nối giữa các phân tử, tạo thành những lớp màng bao bọc các cơ, mô và các bộ phận của mọi cơ quan nội tạng. Trong xương, mạng lưới được tạo bởi chất keo collagen và lưu huỳnh là nơi các nguyên tố canxi, phốt pho và magie tụ lại để tạo thành tế bào xương.

Những tế bào có chứa lưu huỳnh thường kết hợp với một số nguyên tố vi lượng như kẽm, selenium (Se), magie và những vitamin có tính chống oxy hóa như vitamin A (beta-caroten), vitamin C, E, để bảo vệ các tế bào, giúp các tế bào phòng tránh sự nhiễm độc và sự lão hóa.

Lưu huỳnh có tác dụng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn gây ra mụn trứng cá. Nó cũng có thể giúp thúc đẩy việc nới lỏng và lột da. Điều này được cho là giúp điều trị các tình trạng da như viêm da tiết bã hoặc mụn trứng cá.

2. Ứng dụng của lưu huỳnh và hợp chất trong thực tế

- Ngăn ngừa ung thư: Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, hợp chất của lưu huỳnh là Glucosin có khả năng phá vỡ sự phát triển của các tế bào ung thư đại tràng, ung thư phổi, buồng trứng, tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày. Glucosin cũng vô hiệu hóa các chất gây ung thư, ức chế vi khuẩn gây bệnh và chống viêm.

- Thúc đẩy sản xuất insulin: Lưu huỳnh có vai trò quan trọng trong việc sản xuất insulin. Sự thiếu hụt hoóc môn chuyển hóa này sẽ làm cản trở khả năng cân bằng lượng đường trong máu của cơ thể. Sự thiếu hụt lưu huỳnh và insulin khiến một người dễ bị bệnh tiểu đường hơn.

- Trị gàu:  Lưu huỳnh là một thành phần được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận để sử dụng trong các sản phẩm trị gàu và thường được kết hợp với axit salicylic. Một nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện vào năm 1987 trên 48 đối tượng bị gàu. Kết quả chỉ ra rằng khi các đối tượng sử dụng dầu gội có chứa lưu huỳnh và axit salicylic, họ thấy ít bị bong vảy và gàu hơn.

- Điều trị nhiễm trùng da: Thoa một loại kem có chứa lưu huỳnh lên da là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh viêm ngứa ngoài da ở hầu hết mọi người. Phương pháp điều trị dùng lưu huỳnh thường được áp dụng qua đêm trong 3 đến 6 đêm. Tuy nhiên, một số người sẽ cảm thấy khó chịu bởi mùi của nó.

- Trị mụn: Lưu huỳnh là một thành phần được FDA chấp thuận sử dụng trong các sản phẩm để điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn còn hạn chế. Hầu hết các sản phẩm bao gồm lưu huỳnh được kết hợp với benzoyl peroxide, axit salicylic hoặc natri sulfacetamide. 

- Điều trị tình trạng đỏ da mặt: Nghiên cứu cho thấy rằng bôi một loại kem có chứa lưu huỳnh lên mặt một lần mỗi ngày trong tối đa 8 tuần sẽ làm giảm các vết sưng đỏ trên mặt .

3. Bổ sung lưu huỳnh

Lưu huỳnh có hầu hết trong chế độ dinh dưỡng thường ngày, một chế độ ăn uống đầy đủ sẽ giúp cơ thể bổ sung đủ lưu huỳnh cho cơ thể, giúp chống lại các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, tiểu đường,... Chúng ta có thể bổ sung lưu huỳnh bằng các thực phẩm như: 

- Một số loại trái cây như chuối, dừa, cà chua, dưa hấu 

- Các loại rau họ cải như súp lơ xanh, cải Brussels, cải thảo và xà lách 

- Các loại cây họ hành tỏi như tỏi, hành boa rô và hành tây  

- Các sản phẩm từ sữa 

- Các loại thịt 

- Lòng đỏ trứng.

4. Lưu ý khỉ sử dụng thuốc có chứa lưu huỳnh

Khi muốn sử dụng các loại thuốc có chứa lưu huỳnh cần chú ý đến liều lượng như sau:

- Đối với da: Nếu dùng để trị gàu, thì lượng lưu huỳnh khuyến cáo là 2%, sử dụng trong 5 tuần, mỗi tuần 2 lần. Nếu dùng điều trị ngứa ngoài da, lượng lưu huỳnh khuyến cáo từ 2-20% trong thuốc bôi, dùng trong 3 đến 6 ngày.

- Người lớn mắc bệnh viêm da tiết bã: Đối với thuốc dạng mỡ, bạn sử dụng thuốc mỡ 5-10%, một hoặc hai lần mỗi ngày.

- Trẻ em hiện nay chưa có khuyến cáo về liều lượng phù hợp, nên hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng hợp lý nhất có thể.

Lưu huỳnh là một khoáng chất cần thiết trong cơ thể bên cạnh canxi, kẽm,... Với rất nhiều công dụng khác nhau, lưu huỳnh là một trong những khối xây dựng cơ bản của sức khỏe giúp cơ thể luôn tràn đầy sức sống, cần thiết để duy trì mọi thứ từ làn da trẻ trung cho đến hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Nguồn tham khảo: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1527/sulfur


Tác giả: Lan Anh