Những điều cần biết về hen suyễn nội sinh

Những điều cần biết về hen suyễn nội sinh
Hen suyễn nội sinh là dạng hen khó xác định nguyên nhân, thường xuất hiện ở những người trưởng thành. Hen suyễn nội sinh còn được gọi là hen nhiễm khuẩn bởi nó thường khởi phát sau khi cơ thể bị nhiễm trùng.

1. Triệu chứng hen suyễn nội sinh

Cơn hen suyễn nội sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng có thể kéo dài trong một vài khoảnh khắc, nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều ngày.

Trong cơn hen, đường thở bị viêm, hẹp và chứa đầy chất nhầy, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Các triệu chứng của hen suyễn nội sinh thường bao gồm:

- Ho.

- Khò khè, thở rít.

- Khó thở.

- Tức ngực, đau ngực.

- Thở nhanh.

- Có chất nhầy trong đường thở.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của hen suyễn nội sinh hiện chưa được biết tới. Các chuyên gia tin rằng, sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của bệnh hen suyễn nội sinh.

Trong cơn hen suyễn, các cơ trong đường thở dày lên, màng lót đường thở bị viêm và sưng, tạo ra nhiều chất nhầy. Đường thở ngày càng hẹp, dẫn đến cơn hen ngày càng trầm trọng.

Dù chưa biết nguyên nhân chính xác, nhưng hen suyễn nội sinh có thể bị kích hoạt bởi các yếu tố như:

- Căng thẳng, lo âu.

- Sự thay đổi thời tiết, không khí lạnh, không khí khô.

- Khói thuốc lá.

- Khói bụi, ô nhiễm không khí hoặc chất lượng không khí kém.

Những điều cần biết về hen suyễn nội sinh - Ảnh 2.

- Virus, vi khuẩn, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh thông thường.

- Hóa chất và nước hoa.

- Tập thể dục.

- Một số loại thuốc, như axit acetylsalicylic (aspirin) và các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID), như ibuprofen (Motrin, Aleve).

- Thay đổi nội tiết tố.

- Bị trào ngược axit.

Tìm ra các yếu tố kích hoạt cơn hen suyễn nội sinh khá khó khăn. Thường không có bất kỳ xét nghiệm cụ thể nào có thể giúp bạn tìm ra tác nhân kích hoạt hen suyễn nội sinh. Do đó, mỗi người bệnh cần tự ghi chú nhật ký về các triệu chứng và những điều bạn nghĩ có thể đã gây ra cơn hen suyễn. Điều này giúp bạn xác định các tác nhân khá chính xác dù sẽ tốn một chút thời gian và công sức.

3. Điều trị hen suyễn nội sinh

Hiện tại chưa có phương pháp chữa trị hen suyễn nội sinh triệt để. Nhưng nó có thể được kiểm soát bằng thuốc và bằng cách cố gắng tránh các tác nhân.

3.1. Điều trị hen suyễn nội sinh bằng thuốc

Các thuốc điều trị hen suyễn nội sinh thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc ức chế cơn hen. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp nhất. Có hai nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị hen suyễn nội sinh là:

- Thuốc tác dụng dài, cần được sử dụng thường xuyên và mỗi ngày.

- Thuốc cấp cứu tác dụng ngắn, chỉ được sử dụng khi bệnh nhân bị lên cơn hen.

Hãy chắc chắn rằng bạn đọc và làm theo hướng dẫn của từng loại thuốc cẩn thận.

3.2. Tránh tác nhân

Phương pháp này chỉ dành cho những người đã xác định được yếu tố kích hoạt cơn hen suyễn nội sinh của mình. Khi đã biết và hiểu được các tác nhân gây bệnh thì bạn có thể lên kế hoạch để tránh chúng. Nói chung, những người bị hen suyễn nội tại nên cố gắng:

- Nếu bị hen suyễn nội sinh do nhiễm trùng thì cần rửa tay thường xuyên và tránh xa những người bị bệnh. Tiêm vắc-xin cúm hàng năm, tiêm vắc-xin ho gà và viêm phổi cũng có thể giúp ích.

- Tập thể dục với cường độ vừa phải, vừa sức với bản thân.

- Làm việc điều độ, tránh căng thẳng quá mức.

- Hạn chế sử dụng nước hoa có mùi mạnh, các sản phẩm tẩy rửa hóa học,....

- Tránh các chất kích thích trong môi trường (như khói, ô nhiễm không khí, khói bụi, khói cháy,...).

Đôi khi các bài tập thở sâu đặc biệt cũng có thể giúp bệnh nhân bị hen suyễn nội sinh kiểm soát hơi thở tốt hơn, và cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Hen suyễn nội sinh có thể khiến bạn khó chịu, ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Nhưng với các loại thuốc hiện đại và một số điều chỉnh lối sống, bạn hoàn toàn có thể cải thiện bệnh và sống 1 cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/intrinsic-asthma#outlook


Tác giả: Mai Nhung