Những điều cần biết về đau mỏi vai gáy sau chấn thương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về đau mỏi vai gáy sau chấn thương
Đau mỏi vai gáy sau chấn thương thường bắt nguồn từ việc các gân, cơ, dây chằng, dây thần kinh, mô mềm bị tổn thương vì các tác động từ bên ngoài. Cùng tìm hiểu về đau mỏi vai gáy sau chấn thương để có cách phòng tránh và khắc phục tốt nhất.

1. Tại sao bị đau mỏi vai gáy sau chấn thương?

Các chấn thương sẽ tác động và làm tổn thương đến xương khớp, mô mềm, gân cơ, dây chằng và dây thần kinh, gây ra hiện tượng đau mỏi vai gáy. Các loại tổn thương do chấn thương gây ra có thể là:

- Thay đổi tư thế đột ngột sau khi thức dậy làm tổn thương khớp và mô mềm quanh khớp.

- Bị ngã khi đi xe đạp, xe máy thường gây gãy xương đòn.

- Khi bị va đập mạnh, có thể là sưng, cứng, đau và gây viêm các túi hoạt dịch ở khớp - túi có chức năng cung cấp dịch để khớp và cơ bắp hoạt động trơn tru hơn. Va đập mạnh cũng có thể làm các gân nối xương với bắp thịt bị viêm, sưng và đau.

- Khi bị chấn thương rất mạnh, có thể làm gãy xương bả vai.

- Khi chơi thể thao hoặc mang vác vật nặng quá sức có thể làm tổn thương chóp xoay. Chóp xoay hay còn gọi là cơ xoay vai, là một nhóm gồm các cơ và dây chằng có tác dụng hỗ trợ chuyển động của vai. Chấn thương nhẹ có thể làm hạn chế vận động vai, hoặc đau khi vai vận động. Chấn thương nặng có thể dẫn đến vai đông cứng, mất khả năng vận động.

- Tổn thương giãn hoặc rách dây chằng rất thường gặp khi chơi thể thao. Dây chằng bị tổn thương khiến cho kết nối giữa bả vai và xương đòn bị lỏng lẻo, gây khó khăn và đau đớn trong hoạt động.

2. Điều trị đau mỏi vai gáy sau chấn thương

Với những bệnh nhân bị đau mỏi vai gáy sau chấn thương nhẹ, có thể nằm nghỉ ngơi tại giường, xoa bóp vùng bị chấn thương bằng nước đá, vận động nhẹ nhàng để dần khôi phục chức năng vai gáy.

Với những bệnh nhân bị đau mỏi vai gáy sau chấn thương nghiêm trọng thì có thể cần được can thiệp bằng các biện pháp y khoa:

- Nhiệt trị liệu đau mỏi vai gáy sau chấn thương là phương pháp sử dụng nhiệt từ nước nóng, năng lượng từ bước sóng ngắn hay tia hồng ngoại để làm mềm tổ chức, giảm đau, giảm sưng, giảm viêm cho vùng vai gáy bị chấn thương. Nếu bệnh nhân quá đau có thể xin ý kiến bác sĩ dùng kèm thêm thuốc giảm đau để giúp người bệnh dễ chịu hơn.

- Tập vật lý trị liệu với các chuyên gia có kinh nghiệm, tập những bài vận động có sự trợ giúp của khớp vai và cột sống cổ. Tập luyện nhẹ nhàng, rồi tăng dần cấp độ để khôi phục chức năng vai gáy.

- Bệnh nhân bị đau mỏi vai gáy sau chấn thương cũng cần chủ động tập luyện và vận động tại nhà, có thể tập nhờ trợ giúp hoặc tập tự do nếu có khả năng kiểm soát được khớp vai và cột sống cổ.

- Thường xuyên xoa bóp, nắn đẩy để tăng lưu thông máu, tránh bầm tím và tránh viêm khu vực bị thương.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ thăm khám chi tiết, nếu cần thiết bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau, thuốc giúp giãn cơ, tan máu bầm và kháng viêm tại chỗ. Việc quan trọng là bệnh nhân đau mỏi vai gáy sau chấn thương cần theo dõi sát phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh các biến chứng nặng hơn.

3. Phòng tránh đau mỏi vai gáy sau chấn thương

- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để xương khớp chắc khỏe, dẻo dai hơn, đối phó với các tác động từ bên ngoài tốt hơn. Tuy nhiên không vận động và tập luyện quá sức có thể làm tổn thương đến xương khớp và vùng vai gáy.

- Cần hết sức cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, khi tham gia giao thông, khi chơi thể thao,... để tránh té ngã và va đập mạnh.

- Giữ cho chỗ ở gọn gàng, ngăn nắp, tránh các vật lộn xộn trên sàn nhà, có thể gây vấp ngã.

- Khi tập gym hoặc chơi các môn thể thao dùng nhiều lực ở vai như tennis, cầu lông, cử tạ, bóng chuyền,... thì cần khởi động kỹ, chơi đúng kỹ thuật, không chơi quá sức.


Tác giả: Minh Vy