Những điều cần biết về chụp X-quang phổi

Những điều cần biết về chụp X-quang phổi
Chụp X-quang phổi là thủ tục thường được tiến hành đầu tiên trong chẩn đoán các căn bệnh phổi. Không chỉ đơn giản, dễ thực hiện, phương pháp này mang đến những hiệu quả nhất định trong chẩn đoán.

Chụp X-quang phổi là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh phổi phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này có thể được chỉ định trong nhiều trường hợp bởi các ưu điểm của nó. Cùng tìm hiểu thêm về phương pháp chụp X-quang phổi trong bài viết sau đây.

1. Chụp X-quang phổi là gì? Tác dụng của chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi là một kỹ thuật sử dụng máy chụp X-quang với bóng phát tia X được gắn vào cần kim loại lớn. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu đứng trước 1 tấm chứa phim X-quang hoặc 1 đầu thu đặc biệt. X-quang phổi sẽ ghi lại hình ảnh của phổi, mạch máu, đường thở và các hạch bạch huyết. Ngoài ra, tim và các cấu trúc của thành ngực (xương sườn) cũng có thể hiển thị trên phim X-quang.

Một kết quả bình thường của phim X-quang sẽ cho kết quả như sau:

- Hình dáng, kích thước phổi không có sự bất thường.

- Không có khối u hoặc biến chứng nào trong phổi, màng phổi bình thường.

- Kích thước của các mạch máu và màng phổi không có gì bất thường.

- Khung xương sườn và xương sống bình thường.

- Khoang phổi không có sự tích tụ của chất lỏng, khí hoặc dị vật lạ.

Ngược lại, chụp X-quang phổi có thể phát hiện những vấn đề như:

- Các khối u, chấn thương hoặc tình trạng phù phổi.

- Các vấn đề bệnh lý liên quan đến tim hoặc phổi như viêm phổi, lao phổi, xẹp phổi hoặc ung thư phổi.

- Dịch hoặc khí tích tụ bên trong màng phổi và không gian quanh phổi.

- Tình trạng tổn thương hoặc gãy ở xương sườn do tai nạn, chấn thương.

- Hạch kích thước lớn hoặc vật thể lạ trong thực quản, đường thở hoặc phổi.

Nói cách khác, chụp X-quang phổi sẽ có các tác dụng như sau:

- Giúp đánh giá và theo dõi tình trạng của phổi.

- Giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường của phổi nhằm đưa ra phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp.

- Giúp đánh giá tình trạng và mức độ hồi phục của phổi trong quá trình điều trị.

2. Các trường hợp nên tiến hành chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi thường được yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

- Kiểm tra chức năng phổi trong các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Chẩn đoán sàng lọc bệnh khi nghi ngờ các bệnh lý liên quan đến phổi. Chẳng hạn như khối u ở phổi, lao phổi, tràn dịch màng phổi, dập phổi, chấn thương ngực…

- Có các biểu hiện bất thường như đau tức ngực, khó thở, ho dai dẳng, chấn thương.

- Có cảm giác đau nặng liên quan đến chấn thương hoặc các bệnh lý tim mạch.

x quang phoi

3. Ưu, nhược điểm của chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi là phương pháp được nhiều người lựa chọn hiện nay. Bởi phương pháp này mang đến những ưu điểm lớn như:

- Tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp chẩn đoán xét nghiệm hiện đại khác

- Nhanh chóng, đơn giản.

- Kết quả cho hình ảnh toàn bộ lồng ngực, bóng tim và 2 lá phổi.

- Xác định được các tổn thương lớn và không bị che lấp trên lá phổi.

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên, chụp X-quang phổi vẫn còn một số nhược điểm, gồm có:

- Khó phát hiện được các tổn thương ở vị trí khó quan sát ở 2 đỉnh phổi.

- Khó xác định được các tổn thương phổi bị che lấp bởi xương sườn và bóng tim.

- Không thể nhìn thấy được đặc tính bên trong của các tổn thương.

- Không thể nhìn thấy được các tổn thương nhỏ hoặc tổn thương ở giai đoạn sớm trên phổi

Chính vì vậy, chụp X-quang phổi chỉ mang lại hiệu quả đối với việc chẩn đoán ban đầu. Để có kết luận chính xác về các căn bệnh phổi, người bệnh nên tiến hành thêm một số xét nghiệm lâm sàng khác.

4. Các vấn đề cần lưu ý khi chụp X-quang phổi

Dù là thủ tục đơn giản, nhưng việc chụp X-quang phổi cần lưu ý rất nhiều điều. Đồng thời, nhưng lưu ý này cũng sẽ giúp mang lại một kết quả chụp chính xác hơn. Do đó, khi chụp X-quang phổi bệnh nhân cần chú ý:

- Mang theo các kết quả chẩn đoán liên quan để so sánh kết quả sau khi chụp. Chẳng hạn như kết quả chụp X-quang và phiếu xét nghiệm trước đó.

- Mặc trang phục mỏng, nhẹ hoặc áo choàng đồng phục của nơi chụp.

- Không mang các đồ vật gây ảnh hưởng đến kết quả chụp trong quá trình chụp. Chẳng hạn như: vòng cổ, nhẫn, cặp tóc, kính…

- Phụ nữ mang thai cần khai báo với bác sĩ trước khi chụp X-quang phổi. Bởi các bức xạ trong thủ tục này có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Trong trường hợp bắt buộc, bác sĩ sẽ có những biện pháp để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc của bức xạ đối với thai nhi.

Kết quả chụp X-quang phổi có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định điều trị. Do đó, để đảm bảo sự chính xác, bệnh nhân nên thực hiện thủ tục này tại các trung tâm y tế có uy tín.


Tác giả: Thùy Dung