Những điều cần biết về chỉ số huyết áp và ý nghĩa của các chỉ số

Những điều cần biết về chỉ số huyết áp và ý nghĩa của các chỉ số
Một trong những biện pháp phòng ngừa các bệnh về huyết áp là hiểu rõ tình trạng huyết áp của bản thân. Trong đó, nắm vững chỉ số huyết áp là điều vô cùng quan trọng để có cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học. Cùng tìm hiểu về chỉ số huyết áp qua bài viết dưới đây.

Huyết áp cao hay huyết áp thấp đều tác động tiêu cực tới sức khỏe, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tử vong. Hiểu rõ về chỉ số huyết áp sẽ giúp chúng ta nhận thức được tình trạng huyết áp của mình để từ đó có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.

1. Chỉ số huyết áp và ý nghĩa của chỉ số huyết áp

Theo hướng dẫn của các bác sĩ, chỉ số huyết áp được xác định dựa vào hai trị số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Theo đó, số đứng trước là huyết áp tâm thu, còn huyết áp tâm trương là số đứng sau. Cần lưu ý rằng các đối tượng khác nhau ở những độ tuổi khác nhau thì hai chỉ số này cũng thay đổi khác nhau.

1.1. Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương

Như đã nói, huyết áp được xác định bằng hai chỉ số (thông thường được viết dưới dạng tỷ số).

- Chỉ số thứ nhất (hay còn được gọi là chỉ số trên) là huyết áp tâm thu. Huyết áp tâm thu được biết là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp.

- Chỉ số thứ hai (hay còn gọi là chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương. Đây là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, trong tình trạng cơ tim được thả lỏng.

Ví dụ, khi bạn có số đo huyết áp là 120/90 mm/Hg thì huyết áp tâm thu là 120mmHg, còn huyết áp tâm trương là 80mmHg.

1.2. Đơn vị đo chỉ số huyết áp

Chỉ số huyết áp có đơn vị đo là mmHg. Theo đó, mmHg có nghĩa là milimet thủy ngân. Hiện nay, milimet thủy ngân vẫn được sử dụng làm đơn vị tiêu chuẩn cho áp suất trong y học.

1.3. Huyết áp tâm thu hay huyết áp tâm trương quan trọng hơn?

Các nghiên cứu và các bác sĩ đều cho rằng chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các căn bệnh liên quan tới huyết áp.

Theo đó, huyết áp tâm thu được coi là yếu tố gây ra nguy cơ chính của bệnh tim mạch ở những người trên 50 tuổi. Với hầu hết các trường hợp, huyết áp tâm thu tăng lên đều đặn do tuổi tác, do tăng độ cứng động mạch lớn, sự phát triển lâu dài của mảng bám và gia tăng tỷ lệ mắc các căn bệnh về tim mạch.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cả huyết áp tâm thu hay huyết áp tâm trương tăng lên đều có thể dẫn tới nguy cơ bị huyết áp cao. Hơn nữa, nhiều người có nguy cơ mắc đột quỵ hay các căn bệnh về tim do sự tăng cao của huyết áp tâm trương.

Một vấn đề cần đặc biệt chú ý là chỉ số huyết áp đơn phương không phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng huyết áp mà là khoảng sai biệt giữa hai trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Theo đó, các bác sỹ cho biết Khoảng sai biệt này càng hẹp càng nguy hiểm. Ví dụ: với những người có huyết áp 150/90/ mm/ Hg (khoảng sai biệt là 60) tuy thuộc về huyết áp cao nhưng ít nguy hiểm bằng những người có chỉ số huyết áp là 140/100/mm/Hg (khoảng sai biệt là 40).

Những điều cần biết về chỉ số huyết áp - Ảnh 1.

Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương tăng lên đều dẫn đến khả năng mắc cao huyết áp - Ảnh Internet.

2. Chẩn đoán tình trạng huyết áp qua chỉ số huyết áp

Dựa vào chỉ số huyết áp, có thể chẩn đoán tình trạng huyết áp thành: Huyết áp bình thường, huyết áp cao, huyết áp thấp, tiền cao huyết áp.

Huyết áp bình thường

Đối với người trưởng thành, huyết áp bình thường là khi có các chỉ số huyết áp cụ thể là huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg.

Huyết áp cao

Những người có huyết áp cao là có chỉ số huyết áp cụ thể như sau: huyết áp tâm thu từ mức 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

Tìm hiểu thêm về cao huyết áp qua bài viết: Huyết áp cao là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị.

Huyết áp thấp

Người bệnh được chẩn đoán là huyết áp thấp khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.

Tiền cao huyết áp

Các bác sĩ cho biết giá trị nằm giữa mức huyết áp bình thường và huyết áp cao được coi là tiền cao huyết áp. Cụ thể, tiền cao huyết áp xảy ra khi huyết áp tâm thu từ mức 120-139 mmHg hay huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg.

3. Các nguyên tắc khi đo huyết áp

Để có được chỉ số huyết áp chính xác nhất, khi đo huyết áp, bạn cần lưu ý các nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Trước khi đo huyết áp cần nghỉ ngơi, thư giãn khoảng 10 phút.

- Các lần đo huyết áp liên tiếp phải cách nhau ít nhất là 2 phút.

- Trước khi đo huyết áp cần tránh ăn no, hút thuốc lá và uống rượu bia.

- Tiến hành đo huyết áp với cùng một cánh tay, thường đo ở cánh tay bên trái.

- Động mạch cánh tay giữ ở vị trí luôn ngang bằng so với tim.

- Khi đo chỉ số huyết áp lưu ý không mặc áo bó chặt bắp tay.

- Trong quá trình đo huyết áp không nói chuyện, di chuyển, bắt chéo chân hay co bóp cơ tay.

- Khi đo thấy chỉ số huyết áp cao quá thì nên lặp lại lần đo ở các ngày kế tiếp trong cùng điều kiện. Nếu thấy không thay đổi nhiều thì tốt nhất tìm đến thăm khám bác sĩ.

Những điều cần biết về chỉ số huyết áp - Ảnh 2.

Khi đo chỉ số huyết áp cần lưu ý động mạch cánh tay giữ ở vị trí luôn ngang bằng so với tim - Ảnh Interet.

4. Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm tra chỉ số huyết áp

Bên cạnh việc nắm vững các nguyên tắc khi đo chỉ số huyết áp, khi kiểm tra huyết áp, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Khi sử dụng máy đo huyết áp để đo, trong trường hợp chỉ số huyết áp có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn hoặc thấp hơn thì nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng và tập luyện để tránh bị cao huyết áp hoặc hạ huyết áp. Ngay cả khi có chỉ số huyết áp bình thường ở mức 120/80 mm/Hg, nó vẫn có thể thay đổi chút ít tùy thuộc vào từng độ tuổi.

- Cần kiểm tra huyết áp sau nhiều ngày mới kết luận một người bị tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp hay không. Do đó, để nắm bắt chính xác nhất tình trạng huyết áp của mình, chúng ta phải đo huyết áp thường xuyên, nhiều lần trong ngày, theo dõi trong vòng nhiều ngày.

- Khi kiểm tra chỉ số huyết áp, phải tiến hành đo cả hai tay sau 5 phút nằm nghỉ và sau tối thiểu 1 phút ở tư thế đứng. Vì với một số trường hợp, huyết áp có thể tăng nhất thời trong vài hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ như khi stress, sau khi uống rượu, bia, hoặc sau khi tập luyện, lao động nặng….


Tác giả: Ngọc Điệp