Những điều cần biết về cảm lạnh khi mang thai

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về cảm lạnh khi mang thai
Cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều khi có thai, hệ miễn dịch cũng suy yếu đi, do vậy cảm lạnh khi mang thai là tình trạng thường gặp. Hiểu biết về căn bệnh này sẽ giúp bà bầu đối phó với nó tốt hơn.

1. Triệu chứng

Cũng giống như các đối tượng khác, cảm lạnh ở bà bầu cũng có các triệu chứng như:

- Hắt hơi

- Sổ mũi

- Nghẹt mũi

- Đau họng

- Khàn tiếng

- Ho khan

Mặc dù không phổ biến, nhưng đôi khi sốt nhẹ và đau đầu cũng là triệu chứng của cảm lạnh khi mang thai.

Nghẹt mũi khi mang thai khá phổ biến vì hormone thay đổi sẽ có ảnh hưởng đến đường mũi. Điều này có thể dẫn đến đau đầu do áp lực khiến bà bầu lầm tưởng bị cảm lạnh. Nếu đau đầu và nghẹt mũi không đi kèm các triệu chứng khác, thì khả năng cao không phải bị cảm lạnh khi mang thai.

2. Nguyên nhân

Có hơn 200 loại virus gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Bà bầu lại là đối tượng có hệ miễn dịch bị suy yếu, rất dễ bị các loại virus cảm lạnh tấn công. Virus cảm cúm có thể tồn tại ở trong không khí, nước bọt, bám trên các vật dụng quanh môi trường sống. Do vậy, không khó hiểu khi bà bầu có thể bị vài lần cảm lạnh trong suốt thai kỳ.

3. Cảm lạnh khi mang thai có nguy hiểm không?

Cảm lạnh được coi là bệnh lý nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mẹ ngoài những triệu chứng khó chịu. Bị cảm lạnh khi mang thai cũng thường không ảnh hưởng đến em bé.

Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm lạnh có thể khiến bà bầu mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nếu cảm lạnh trầm trọng và kéo dài, sốt và sự nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, tốt nhất khi mới xuất hiện triệu chứng, bạn nên đến ngay bác sĩ để được tư vấn kiểm soát cảm lạnh khi mang thai và giảm thiểu triệu chứng.

4. Khi nào cần đi bệnh viện?

Cảm lạnh là những bệnh nhẹ được xử lý bởi hệ thống miễn dịch tương đối dễ dàng. Các triệu chứng là tạm thời, và trong hầu hết các trường hợp, cảm lạnh sẽ hết trong vòng 2 tuần.

Trong trường hợp, cảm lạnh khi mang thai kéo dài trên 2 tuần, bà bầu có triệu chứng sốt, ho ra chất nhầy màu vàng hoặc màu xanh lá cây, hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác thì cần đến ngay bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

5. Phòng ngừa

- Hạn chế đến nơi đông người để tránh tiếp xúc với virus gây cảm lạnh. Khi ra ngoài, tốt nhất nên trang bị khẩu trang.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người ốm và với vật dụng công cộng.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đánh răng miệng và tắm rửa hàng ngày.

- Giữ cho nơi ở được thông thoáng và sạch sẽ.

- Chế độ ăn uống và tập luyện khoa học sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, đẩy lùi căn bệnh cảm lạnh khi mang thai.

- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân với người đang bị cảm lạnh.

6. Điều trị

Dựa vào tình trạng triệu chứng của bà bầu, mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cảm lạnh khi mang thai phù hợp:

- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc xông mũi sẽ giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi hiệu quả. Bạn cũng có thể hỏi dược sĩ về những loại thuốc xịt thông mũi an toàn trong thai kỳ. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng cũng có thể giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả.

- Uống paracetamol cũng có thể giúp giảm đau, sốt, chảy nước mũi hoặc tắc mũi.

- Để làm dịu cơn đau họng hoặc ho, bạn có thể thử các biện pháp thiên nhiên như súc miệng với nước muối, uống mật ong và chanh pha trong nước nóng. Bạn cũng có thể hỏi dược sĩ về các loại viêm ngậm hoặc xi-rô ho dành cho bà bầu.

- Tăng cường uống nước để cơ thể nhanh đào thải virus. Có thể bổ sung nước ép để tăng cường sức khỏe.

- Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể chóng phục hồi.

Có nhiều cách để điều trị cảm lạnh khi mang thai, điều quan trọng là bạn cần hỏi bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

7. Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh khi mang thai

Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh khi mang thai là việc không dễ dàng. Cảm lạnh có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, vì vậy bạn sẽ cảm nhận như thể bạn đang bị cúm.

Cảm lạnh khi mang thai thường có các triệu chứng như đau họng, nghẹt và sổ mũi, hắt hơi, ho. Cảm cúm thường xuất hiện nhanh hơn, gây sốt cao hơn, đau đầu, đau cơ, đổ mồ hôi và có thể khiến bạn cảm thấy cực kỳ mệt mỏi. 

Nếu bạn không chắc chắn, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ, vì cảm cúm khi mang thai có thể gây hại cho bạn và em bé .

Cảm lạnh khi mang thai không phải là một bệnh lý đáng ngại. Tuy nhiên, nó cũng gây phiền phức đáng kể đối với bà bầu. Do vậy, cần có biện pháp phòng tránh sớm và điều trị kịp thời. Bà bầu nên đi khám định kỳ và đi khám bất cứ khi nào thấy có triệu chứng bất thường để kiểm soát sức khỏe tốt nhất.


Tác giả: Mai Nhung