Những điều cần biết về các loại thuốc điều trị cảm lạnh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về các loại thuốc điều trị cảm lạnh
Bệnh cảm lạnh có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Các loại thuốc điều trị cảm lạnh sẽ có tác dụng kiểm soát và làm giảm các triệu chứng này.

Các loại thuốc điều trị cảm lạnh không kê đơn sẽ không có tác dụng chữa trị dứt điểm bệnh cảm lạnh, chúng chỉ có tác dụng giảm bớt triệu chứng do bệnh gây ra. Tuy nhiên, khi thuốc hoạt động, bạn có thể cảm thấy tốt hơn.

1. Thuốc điều trị cảm lạnh khắc phục hắt hơi, sổ mũi

Các loại thuốc thông mũi có tác dụng hạn chế tình trạng sưng bên trong mũi và xoang. Đồng thời, thuốc còn giúp bạn có thể thở được một cách dễ dàng hơn. Có 2 loại thuốc khắc phục tình trạng nghẹt mũi được sử dụng trong điều trị cảm lạnh, bao gồm:

- Thuốc viên hoặc siro: Các loại thuốc có thành phần chống nghẹt mũi thường có chữ "D" ở cuối tên thuốc. Các sản phẩm này thường chứa các thành phần như phenylephrine hoặc pseudoephedrine. Do là thuốc không kê đơn nên bạn có thể mua được chúng rất dễ dàng tại các nhà thuốc.

- Thuốc xịt mũi: Các sản phẩm có chứa oxymetazoline và phenylephrine có thể có tác dụng nhanh hơn thuốc viên hoặc xi- rô. Tuy nhiên, thuốc xịt mũi không nên được sử dụng trong 2 đến 3 ngày liên tiếp. Bởi nó có thể khiến cho tình trạng nghẹt mũi trở nên tồi tệ hơn.

Hai loại thuốc điều trị cảm lạnh này được khuyến cáo là không nên sử dụng cùng một lúc. Bạn nên bắt đầu với thuốc xịt mũi trong vài ngày đầu tiên của cơn cảm lạnh. Sau đó, bạn có thể chuyển sang sử dụng thuốc viên hoặc xi- rô nếu cảm thấy cần thiết.

Ngoài ra, khi bị cảm lạnh, cơ thể sẽ tạo ra các hóa chất gọi là histamines. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hắt hơi, sổ mũi và chảy nước mắt. Thuốc kháng histamine không kê đơn như chlorpheniramine và diphenhydramine có thể ngăn chặn và làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây các tác dụng phụ như buồn ngủ, khô mắt, mũi và miệng.

2. Thuốc điều trị cảm lạnh giảm ho, sốt, đau họng

Thuốc ức chế ho như dextromethorphan có thể là giải pháp hiệu quả trong một thời gian ngắn. Loại thuốc này giúp hạn chế các cơn ho bằng cách điều khiển một số quá trình ở não. Bên cạnh đó, các loại thuốc giúp long đờm như guaifenesin có thể phá vỡ tắc nghẽn ở ngực bằng cách làm loãng chất nhầy trong đường thở. Do đó, đờm sẽ thoát ra dễ dàng hơn khi bạn ho. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý nên uống thật nhiều nước khi sử dụng loại thuốc điều trị cảm lạnh này.

Sốt và đau họng ở bệnh cảm lạnh thường ít nghiêm trọng hơn so với bệnh cúm. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên trầm trọng, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các loại thuốc điều trị cảm lạnh, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen.

Khi sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh, điều đầu tiên mà bạn cần làm là kiểm tra nhãn thuốc. Bởi nhãn thuốc sẽ cung cấp cho bạn thông tin về cách sử dụng và tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời, bạn cũng không nên tự ý kết hợp thuốc điều trị cảm lạnh với các loại thuốc khác. Ngoài ra, bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe và các loại thuốc đang sử dụng trước khi dùng thuốc điều trị cảm lạnh.

3. Các biện pháp khắc phục cảm lạnh tự nhiên

Vitamin C, echinacea và kẽm có tác dụng rất tốt cho việc điều trị cảm lạnh. Tuy không thể chữa khỏi nhưng vitamin C có thể giúp rút ngắn thời gian điều trị. Bên cạnh đó, echinacea cũng có thể mang đến những hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, trước khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, bạn cũng đừng quên kiểm tra sự tương tác của chúng với các loại thuốc bạn đang dùng.

Nẹp mũi (miếng dán thông mũi) là dụng cụ giúp bạn có thể thở một cách dễ dàng hơn. Bởi nó có tác dụng mở rộng đường mũi khi bạn đeo nó.

Ngoài ra, một số biện pháp truyền thống khác cũng có thể làm giảm các cảm giác khó chịu. Cụ thể:

- Uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm lỏng. Đây là cách khá hiệu quả và có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

- Để giảm đau họng, bạn nên súc miệng bằng nước muối ấm, sử dụng thuốc xịt họng và viên ngậm.

- Vệ sinh mũi bằng nước muối. Đây là cách hiệu quả để làm giảm tình trạng nghẹt mũi và chảy nước mũi.

- Sử dụng mỡ khoáng khi mũi có dấu hiệu kích ứng.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm để hạn chế và làm giảm lượng đờm trong cổ họng.

Nguồn dịch: https://www.webmd.com/cold-and-flu/cold-medicines-adults#1



Tác giả: Thùy Dung