Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, gây ra bởi lượng đường trong máu cao làm hỏng mặt sau của mắt hay còn gọi là võng mạc. Tình trạng này có thể gây mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, thường mất vài năm để bệnh võng mạc tiểu đường chuyển sang giai đoạn có thể đe dọa thị giác của bạn, do đó việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Đây là một tình trạng về mắt đặc trưng bởi những thay đổi đối với các mạch máu trong một phần của mắt được gọi là võng mạc. Võng mạc là lớp lót ở phía sau mắt của bạn có chức năng thay đổi ánh sáng thành hình ảnh.
Khi mắc bệnh võng mạc tiểu đường, các mạch máu có thể sưng lên, rò rỉ chất lỏng hoặc chảy máu. sau đó dẫn đến thay đổi thị lực hoặc mù lòa. Nó thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và nếu không được điều trị, bệnh có thể để lại sẹo và làm hỏng võng mạc của bạn.
Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực cho những người mắc bệnh tiểu đường. Hơn 2 trong số 5 người mắc bệnh tiểu đường ở Hoa Kỳ mắc bệnh và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho tất cả người lớn ở Hoa Kỳ.
Đọc thêm:
- Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận
- Bệnh ung thư võng mạc là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Thông thường, bệnh nhân sẽ không nhận thấy bệnh võng mạc tiểu đường trong giai đoạn đầu vì nó không có xu hướng biểu hiện triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi bệnh tiến triển hơn. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu của tình trạng này có thể được phát hiện bằng cách chụp ảnh mắt trong quá trình kiểm tra mắt ở bệnh nhân tiểu đường.
Liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời nếu bạn nhận thấy có những dấu hiệu như sau:
- Thị lực dần dần kém đi.
- Mất thị lực đột ngột.
- Xuất hiện các hình dạng trôi nổi trong tầm nhìn.
- Nhìn mờ hoặc loang lổ.
- Đau hoặc đỏ mắt.
Cần lưu ý rằng những triệu chứng này không nhất thiết có nghĩa là bạn bị bệnh võng mạc tiểu đường, nhưng điều quan trọng là bạn phải đi kiểm tra để xác định chắc chắn. Đừng đợi cho đến cuộc hẹn khám tiếp theo của bạn để có thể được điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc bệnh.
Theo thời gian, quá nhiều đường trong máu có thể dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc, cắt nguồn cung cấp máu cho võng mạc. Kết quả là mắt cố gắng phát triển các mạch máu mới nhưng những mạch máu mới này không phát triển đúng cách và có thể dễ bị rò rỉ chất lỏng và máu gây nên bệnh võng mạc tiểu đường.
Có hai loại bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn đầu và bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn tiến triển.
Đây là dạng bệnh phổ biến hơn, thường được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh (NPDR) với đặc điểm các mạch máu mới không phát triển (tăng sinh). Khi bạn mắc NPDR, thành mạch máu trong võng mạc sẽ yếu đi. Những chỗ phồng nhỏ nhô ra khỏi thành của các mạch nhỏ hơn sẽ làm rò rỉ chất lỏng và máu vào võng mạc.
Các mạch võng mạc lớn hơn lúc này có thể bắt đầu giãn ra và có đường kính không đều. Bệnh có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng khi nhiều mạch máu bị tắc nghẽn hơn. Đôi khi tổn thương mạch máu võng mạc dẫn đến tích tụ chất lỏng (phù nề) ở phần trung tâm (điểm vàng hay hoàng điểm) của võng mạc. Nếu phù hoàng điểm làm giảm thị lực, cần phải điều trị để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh võng mạc tiểu đường có thể tiến triển nặng hơn, được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh. Trong loại này, các mạch máu bị hư hỏng đóng lại, gây ra sự phát triển của các mạch máu mới bất thường trong võng mạc. Những mạch máu mới này rất dễ vỡ và có thể rò rỉ một loại chất trong suốt như thạch lấp đầy trung tâm mắt của bạn (thủy tinh thể).
Cuối cùng, mô sẹo do sự phát triển của các mạch máu mới có thể khiến võng mạc bị bong ra khỏi đáy mắt. Nếu các mạch máu mới cản trở dòng chảy bình thường của chất lỏng ra khỏi mắt, áp lực có thể tích tụ trong nhãn cầu. Sự tích tụ này có thể làm hỏng dây thần kinh truyền hình ảnh từ mắt đến não (dây thần kinh thị giác), dẫn đến bệnh tăng nhãn áp.
Bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường đều có nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường. Tuy nhiên, rủi ro sẽ cao hơn nếu người đó:
- Có lượng đường trong máu cao không thể kiểm soát được.
- Bị cao huyết áp.
- Có nồng độ cholesterol cao.
- Đang có thai.
- Hút thuốc thường xuyên.
- Người đã bị bệnh tiểu đường trong một thời gian dài.
Bệnh võng mạc tiểu đường liên quan đến sự phát triển của các mạch máu bất thường trong võng mạc. Do đó các biến chứng sẽ dẫn đến các vấn đề về thị lực nghiêm trọng có thể kể đến như:
- Xuất huyết dịch kính. Các mạch máu mới có thể rò rỉ các chất trong suốt như thạch lấp đầy trung tâm mắt của bạn. Nếu lượng máu chảy ra ít, bạn có thể chỉ thấy một vài đốm đen trong tầm nhìn. Nhưng nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, máu có thể lấp đầy thể thủy tinh và cản trở hoàn toàn tầm nhìn của bạn.
Xuất huyết dịch kính thường không gây mất thị lực vĩnh viễn, lượng máu thường sẽ hết trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Trừ khi võng mạc bị tổn thương, nếu không thì tầm nhìn của bạn sẽ trở lại rõ ràng như trước.
- Bong võng mạc. Các mạch máu bất thường liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường kích thích sự phát triển của mô sẹo, có thể kéo võng mạc ra khỏi mặt sau của mắt. Điều này có thể gây ra các điểm nổi trong tầm nhìn của bạn, ánh sáng nhấp nháy hoặc mất thị lực nghiêm trọng.
- Tăng nhãn áp. Các mạch máu mới có thể phát triển ở phần trước của mắt (mống mắt) và cản trở dòng chảy bình thường của chất lỏng ra khỏi mắt, gây ra áp lực trong mắt. Áp lực này có thể làm hỏng dây thần kinh truyền hình ảnh từ mắt đến não của bạn (dây thần kinh thị giác).
- Mù lòa. Bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm, tăng nhãn áp hoặc sự kết hợp của những tình trạng này có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh võng mạc tiểu đường thường bắt đầu mà không có bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào về thị lực. Tuy nhiên, một bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phát hiện ra các dấu hiệu khi làm các xét nghiệm kiểm tra thị lực. Do đó những người mắc bệnh tiểu đường phải khám mắt ít nhất một lần mỗi năm.
Các phương pháp sau đây có thể giúp bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường:
- Kiểm tra mắt có sử dụng thuốc giãn đồng tử. Để thực hiện, bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc làm giãn đồng tử để quan sát bên trong mắt. Các dấu hiệu bất thường có thể nhìn thấy được qua phương pháp này là bất thường trong mạch máu, dây thần kinh thị giác hoặc võng mạc, phát hiện bệnh đục thủy tinh thể, thay đổi nhãn áp hay tình trạng bong võng mạc, các mô sẹo và mạch máu mới được hình thành.
- Chụp mạch huỳnh quang (hay còn gọi là chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang). Để thực hiện chụp mạch huỳnh quang, bác sĩ nhãn khoa sử dụng thuốc nhỏ để làm giãn đồng tử và tiêm thuốc nhuộm có tên là fluorescein vào tĩnh mạch trên cánh tay. Sau đó, các bác sĩ sẽ chụp ảnh khi thuốc nhuộm lưu thông trong mắt. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định mạch máu nào đang bị rò rỉ chất lỏng hoặc đã bị vỡ hay đang bị tắc nghẽn.
- Chụp cắt lớp quang học (OCT). Đây là một phương pháp quét hình ảnh không xâm lấn cung cấp hình ảnh mặt cắt ngang có độ phân giải cao của võng mạc, tiết lộ độ dày của võng mạc và cho phép bác sĩ nhãn khoa tìm kiếm u nang hoặc sưng.
Các bác sĩ có thể thực hiện quét trước và sau khi điều trị để kiểm tra mức độ hiệu quả của việc điều trị. OCT tương tự như xét nghiệm siêu âm, nhưng nó sử dụng ánh sáng chứ không phải âm thanh để tạo ra hình ảnh. Trong quá trình quét cũng có thể hỗ trợ phát hiện các bệnh của dây thần kinh thị giác.
Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng và các phản ứng với các phương pháp điều trị trước đó. Trong giai đoạn đầu, bác sĩ có thể quyết định theo dõi mắt của người bệnh một cách chặt chẽ mà không cần can thiệp. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần khám mắt thường xuyên 2–4 tháng một lần
Bệnh nhân cũng cần kiểm soát tối đa bệnh tiểu đường của mình. Việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể làm chậm đáng kể sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường. Trong hầu hết các trường hợp bệnh võng mạc tiểu đường tiến triển, người bệnh sẽ phải điều trị bằng phẫu thuật.
Phẫu thuật quang đông toàn võng mạc sẽ sử dụng tia laser nhắm mục tiêu để thu nhỏ các mạch máu trong mắt và bịt kín các lỗ rò rỉ từ các mạch máu bất thường. Phương pháp điều trị này có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình rỉ máu và tích tụ chất lỏng trong mắt. Một số trường hợp có thể cần laser nhiều lần.
Quy trình thực hiện bao gồm bác sĩ đặt thuốc tê vào mắt, sau đó hướng một chùm ánh sáng mạnh vào mắt bằng một thấu kính đặc biệt. Ánh sáng chói lóa khi thực hiện điều trị có thể gây nhức nhối hoặc cảm thấy khó chịu trong mắt và là tác dụng phụ thông thường. Người bệnh có thể sẽ gặp phải hiện tượng mờ mắt trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Các đốm nhỏ có thể xuất hiện trong tầm nhìn trong vài tuần sau khi làm thủ thuật.
Một số loại thuốc có thể làm giảm sưng và giảm thiểu rò rỉ từ các mạch máu trong mắt. Các loại thuốc có thể bao gồm thuốc chống VEGF và thuốc corticosteroid. Để thực hiện tiêm thuốc vào mắt, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:
- Đặt thuốc tê vào mắt.
- Làm sạch mắt để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Đưa thuốc vào mắt bằng kim rất nhỏ.
Thời gian đầu, bệnh nhân sẽ có thể cần tiêm thường xuyên, nhưng theo thời gian, liều lượng sẽ giảm dần tùy theo tình trạng bệnh tiến triển.
Nếu bệnh nhân có vấn đề với võng mạc hoặc thủy tinh thể, họ có thể sẽ được chỉ định cắt bỏ thủy tinh thể. Phương pháp này sẽ loại được thực hiện trong bệnh viện với gây mê toàn thân. Mục đích chính của phương pháp phẫu thuật này là để thay thế dịch kính đục hoặc có máu nhằm cải thiện thị lực. Nó cũng giúp bác sĩ tìm và chữa bất kỳ nguyên nhân nào gây chảy máu võng mạc.
Sau khi loại bỏ dịch kính đục hoặc có máu, bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn một chất lỏng hoặc khí trong suốt vào. Cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng hoặc khí theo thời gian và tạo ra thủy tinh thể mới ở vị trí của nó. Sau phẫu thuật, thông thường người bệnh sẽ phải đeo miếng che mắt trong khoảng một ngày và sử dụng thuốc nhỏ mắt để giảm sưng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Nếu bác sĩ đặt một bong bóng khí vào mắt, người bệnh sẽ cần phải giữ đầu ở một vị trí nhất định trong vài ngày hoặc vài tuần để đảm bảo rằng bong bóng đó ở đúng vị trí. Họ cũng sẽ cần tránh đi máy bay bay và sống ở những vùng cao cho đến khi bong bóng khí được hấp thụ hết.
Phẫu thuật không phải là cách chữa khỏi bệnh võng mạc tiểu đường, nhưng nó có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng. Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính, tổn thương võng mạc và mất thị lực sau đó vẫn có thể xảy ra mặc dù đã được điều trị.
Việc kiểm soát thành công lượng đường trong máu sẽ giúp ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường. Trong khi việc phát hiện sớm các triệu chứng sẽ làm tăng hiệu quả của điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường cần kiếm soát huyết áp, không để huyết áp cao sẽ hạn chế sự tiến triển của bệnh.
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể thực hiện các biện pháp sau để kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp giúp giả nguy cơ hình thành bệnh võng mạc tiểu đường:
- Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Kiểm soát và duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải.
- Bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu, bia...
- Tuân thủ theo các phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.nhs.uk/conditions/diabetic-retinopathy/
2. https://www.webmd.com/diabetes/diabetic-retinopathy
3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-retinopathy/symptoms-causes/syc-20371611
4. https://www.medicalnewstoday.com/articles/183417