Những điều cần biết về bệnh túi thừa đại tràng, căn bệnh liên quan đến chế độ ăn ít chất xơ

Những điều cần biết về bệnh túi thừa đại tràng, căn bệnh liên quan đến chế độ ăn ít chất xơ
Bệnh túi thừa là một tình trạng ảnh hưởng đến ruột già. Tình trạng này làm cho các túi nhỏ hình thành dọc theo niêm mạc ruột và đẩy qua thành ruột. Bệnh túi thừa thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh túi thừa thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi và có chế độ ăn uống thiếu chất xơ. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh túi thừa có thể gây ra biến chứng viêm túi thừa

1. Bệnh túi thừa là gì?

Bệnh túi thừa hay còn gọi là túi thừa đại tràng là những khối phồng hình thành và đẩy ra khỏi thành ruột, tạo thành một túi nhỏ.

Túi thừa có mặt dọc theo đường tiêu hóa, từ thực quản hoặc ống dẫn thức ăn đến đại tràng. Hầu hết mọi người đều sinh ra với những khối u này và một số cá nhân sẽ phát triển chúng nhiều hơn trong suốt cuộc đời của họ.

Túi thừa đại tràng thường xuất hiện ở những nơi có điểm yếu trong đại tràng. Chúng thường phát triển ở bên trái của ruột và trong hầu hết các trường hợp, chúng có kích thước từ 0,2 đến 0,4 inch.

Mặc dù túi thừa đại tràng không gây hại nhưng đôi khi chúng có thể bị nhiễm trùng. Các chuyên gia y tế gọi tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng các túi thừa này là viêm túi thừa.

Có khoảng 30% người trên 50 tuổi, 50% người trên 60 tuổi và 75% người trên 80 tuổi ở Hoa Kỳ mắc bệnh túi thừa. Hầu như tất cả họ đều có túi thừa ở phần cuối của đại tràng. Bệnh túi thừa không phổ biến trước tuổi 40 cũng như không phổ biến ở những người có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất xơ, ít tiêu thụ đồ chế biến sẵn.

Những điều cần biết về bệnh túi thừa đại tràng, căn bệnh liên quan đến chế độ ăn ít chất xơ - Ảnh 2.

Túi thừa đại tràng là tình trạng xuất hiện các túi nhỏ ở phần cuối đại tràng (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Chảy máu hậu môn: Hiện tượng ai cũng gặp ít nhất một lần nhưng có thể là dấu hiệu ung thư đại tràng sớm

Chuyên gia hướng dẫn cách làm sạch cặn bã trong đường ruột không phải ai cũng biết

2. Triệu chứng của bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các túi này thường vô hại và thường không gây khó chịu. Vì vậy, hầu hết những người mắc bệnh túi thừa đều không biết mình mắc bệnh này.

Những người có triệu chứng có thể bị đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy hoặc xen kẽ giữa hai triệu chứng này. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể do hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày hoặc các vấn đề sức khỏe khác gây ra. Do vậy, không phải bạn bị táo bón hoặc đầy hơi là bị túi thừa đại tràng.

Nếu bạn bị đau bụng dưới hoặc sốt, bạn có thể bị nhiễm trùng (viêm túi thừa). Một số người có thể bị chảy máu nếu phân cứng đi qua túi thừa làm xói mòn hoặc làm giãn mạch máu. Tình trạng này thường xảy ra tạm thời và không gây đau đớn, nhưng nếu xảy ra, bạn có thể thấy máu tươi trong phân của mình.

3. Nguyên nhân gây bệnh túi thừa

Mặc dù không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh túi thừa, nhưng có một số yếu tố tiềm ẩn có thể góp phần gây ra bệnh này. Chúng bao gồm:

- Tuổi tác: Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh túi thừa đại tràng, nhưng người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Số lượng túi cùng với kích thước của chúng tăng lên theo thời gian.

- Thuốc lá: Một nghiên cứu cũ hơn năm 2011 cho thấy hút ít hơn 15 điếu thuốc mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi thừa lên 34%. Đối với những người hút hơn 15 điếu thuốc mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh cao hơn 86%.

- Rượu: Một số nghiên cứu cho thấy rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi thừa.

- Khuynh hướng di truyền: Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có tiền sử gia đình mắc bệnh túi thừa có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.

- Chế độ ăn ít chất xơ: Một số chuyên gia cho rằng sự căng thẳng khi đi tiêu có thể tạo ra áp lực, dẫn đến hình thành các túi. Vì chất xơ giữ cho phân mềm nên chế độ ăn ít chất xơ có thể khiến phân trở nên rắn hơn, tăng nguy cơ khó đi tiêu hoặc táo bón.

Những điều cần biết về bệnh túi thừa đại tràng, căn bệnh liên quan đến chế độ ăn ít chất xơ - Ảnh 3.

Bệnh túi thừa xảy ra có thể do chế độ ăn thiếu chất xơ (Ảnh: Internet)

4. Cách chẩn đoán bệnh túi thừa

Thông thường bệnh túi thừa không gây ra triệu chứng. Vì vậy, để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm như:

- Bài kiểm tra thể chất: Sờ nắn bụng của bạn và lắng nghe âm thanh ruột của bạn. Bác sĩ có thể đưa một ngón tay đeo găng vào hậu môn của bạn để kiểm tra.

- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu nhỏ từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn để xét nghiệm. Xét nghiệm máu có thể cho thấy bạn có bị nhiễm trùng hoặc chảy máu nội bộ đáng kể hay không.

- Xét nghiệm phân: Bác sĩ sẽ thu mẫu phân của bạn và làm xét nghiệm xem có thấy dấu hiệu nhiễm trùng hoặc chảy máu đường tiêu hóa (GI) không.

- Kiểm tra hình ảnh: Chụp CT, thụt bari, nội soi đại tràng.

5. Cách điều trị bệnh túi thừa

Mặc dù túi thừa sẽ không tự biến mất nhưng chúng không gây hại và do đó thường không cần điều trị. Thay vào đó, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp có thể làm giảm nguy cơ tình trạng tiến triển thành viêm túi thừa.

Tuy nhiên, nếu viêm túi thừa phát triển, một người sẽ cần điều trị. Nếu bị viêm túi thừa, trước tiên các bác sĩ sẽ loại trừ các bệnh về đường tiêu hóa khác, chẳng hạn như bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích hoặc viêm ruột thừa.

Điều trị viêm túi thừa bao gồm dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. Thuốc giảm đau có thể giúp giảm bớt chứng chuột rút.

Những điều cần biết về bệnh túi thừa đại tràng, căn bệnh liên quan đến chế độ ăn ít chất xơ - Ảnh 4.

Bệnh túi thừa đại tràng thường không cần điều trị (Ảnh: Internet)

6. Cách phòng ngừa bệnh túi thừa

Vì không rõ nguyên nhân gây bệnh nên không thể phòng ngừa hoàn toàn bệnh túi thừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng một số biện pháp như:

- Ăn thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc. Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn 20 đến 35 gram chất xơ mỗi ngày.

- Uống nhiều nước

- Tham gia vào hoạt động thể chất

- Tránh hút thuốc và hạn chế uống rượu

Nhìn chung, bệnh túi thừa đại tràng không gây nguy hiểm, trừ khi bệnh túi thừa phát triển thành viêm túi thừa. Nếu bạn đau bụng đột ngột hoặc dữ dội, sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón, ớn lạnh thì bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Nguồn tham khảo:

1. Diverticulosis

2. What to know about diverticulosis


Tác giả: Vân Anh