Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là tình trạng thường gặp khi mọi người già đi. Nó có thể khiến bạn bị đau ở cổ, gặp khó khăn khi cúi hoặc quay đầu. Không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Nhưng tình trạng sẽ được cải thiện đáng kể nếu bạn tuân theo chỉ định của bác sĩ.

1. Bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

Để hiểu được thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì, đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cấu trúc giải phẫu của đĩa đệm và các đốt sống cổ.

Cột sống cổ bao gồm 7 đốt sống nhỏ, được đánh số từ C1 đến C7. Chúng có chức năng nâng đỡ đầu, kết nối đầu với cơ thể. Tuy là phần cột sống chịu ít trọng lượng nhất cơ thể nhưng nó có tính di động và linh hoạt cao. Nó giúp cổ của bạn có thể cúi về phía trước, ngửa về phía sau, quay trái - phải, nghiêng từ bên này sang bên kia. Do đó, các đốt sống cổ cũng có nguy cơ bị tổn thương khá cao.

Đĩa đệm là một cấu trúc xốp nằm giữa các đốt sống. Lớp ngoài của đĩa đệm là bao xơ bao gồm các xơ sợi. Trung tâm là các hạt nhân giống như gel nhầy. Đĩa đệm hoạt động như một miếng giảm sóc, hấp thụ lực để bảo vệ các đốt sống cổ.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là tình trạng bao xơ bị rách, các hạt nhân nhầy thoát ra ngoài, đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Đĩa đệm bị lệch có thể chèn ép vào dây thần kinh cổ, gây ra các cơn đau nhức. Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kì đốt sống cổ nào, nhưng phổ biến nhất là đốt C5 và C6.

2. Triệu chứng

Đau cổ là triệu chứng phổ biến và điển hình nhất của thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Nếu như các đĩa đệm bị lệch và chèn vào dây thần kinh ở cổ, thì có nó thể gây ra thêm các triệu chứng khác như:

- Đau đầu.

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 2.

Đau đầu cũng là triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh minh họa

- Đau ở vai và cánh tay.

- Cánh tay bị yếu, tê hoặc ngứa ran.

- Hạn chế vận động cổ và cánh tay. Người bệnh gặp khó khăn trong việc cúi ngửa hoặc quay cổ. Không thể giơ tay lên cao hoặc đưa cánh tay ra sau lưng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có thể tác động sâu đến hệ thần kinh, gây mất kiểm soát ruột và bàng quang kèm theo yếu tay và chân đáng kể. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức.

3. Nguyên nhân và đối tượng bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

3.1. Nguyên nhân

- Lão hóa: Khi chúng ta già đi, đĩa đệm sẽ bị mất nước khiến chúng trở nên ngắn hơn, kém linh hoạt và hiệu quả hơn. Khi một đĩa xuống cấp, lớp bao xơ bên ngoài có thể bị rách, là tiền đề cho tình trạng thoái vị đĩa đệm xảy ra.

- Chấn thương: Các đĩa đệm có thể vỡ do bị tác động đột ngột, ngay cả khi lực tác động rất nhẹ. Các chấn thương gây thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thường gặp là: bạo lực, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao, đột ngột vác vật nặng lên vai,...

- Thói quen xấu: Thường xuyên ngồi và làm việc sai tư thế, nâng vác vật nặng trên vai,... trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

- Di truyền: Theo thống kê, bố mẹ bị thoát vị đĩa đệm hoặc mắc các bệnh về xương khớp, thì con cái cũng có nguy cơ cao bị các bệnh này.

3.2. Đối tượng

- Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cao nhất. Từ 30 tuổi xương đã bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa. Sau 50 tuổi nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm tăng cao.

- Người bị chấn thương ở cổ, gây ảnh hưởng đến các đĩa đệm.

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 3.

Người bị chấn thương cổ - Ảnh minh họa

- Bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ, bị gai đôi cột sống,... cũng làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

- Người thường xuyên duy trì cổ ở tư thế không thích hợp. Ví dụ như nhân viên văn phòng, phải thường xuyên cúi xuống để đọc viết tài liệu hoặc nhìn máy tính.

- Người có nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt và làm việc như: Lười vận động, hay ngồi vẹo sang một bên, thường xuyên cúi đầu xem điện thoại, vừa nằm vừa xem ti vi, ngủ trên bàn học hoặc bàn làm việc, kê gối quá cao khi ngủ,.....

- Người có bố mẹ bị thoát vị đĩa đệm.

4. Chẩn đoán

- Kiểm tra thể chất: Đây là bước đầu tiên và bắt buộc trong mọi quy trình chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và lịch sử y tế. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số động tác đơn giản để đánh giá chuyển động khớp, sức mạnh cơ bắp, sự ổn định của các đốt sống cổ và mức độ cơn đau.

Vì thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh đi từ cột sống cổ đến tay. Nên bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra thể chất thần kinh ở cánh tay, bàn tay và các ngón tay để xem các dây thần kinh hoạt động như thế nào.

- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của các đốt sống cổ. Chụp tủy có thể có ích trong việc phát hiện đĩa đệm thoát vị, gai xương hoặc khối u gây áp lực lên tủy sống hoặc dây thần kinh.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Giúp bác sĩ nhìn rõ hơn hình dạng và kích thước các đốt sống cổ, các cấu trúc trong và xung quanh nó.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cung cấp hình ảnh chi tiết về đĩa đệm, dây chằng, tủy sống, rễ thần kinh.

- Xét nghiệm tốc độ dẫn truyền thần kinh: Là phương pháp đo xem các dây thần kinh cột sống cổ hoạt động tốt như thế nào. Nó cũng giúp chỉ định vị trí tủy sống hoặc dây thần kinh bị chèn ép.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu dán các miếng dính điện cực lên vùng da bao phủ dây thần kinh cột sống cổ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ truyền kích thích ở vị trí A trong một khoảng thời gian cần thiết, rồi đo xung thần kinh ở vị trí B. Phương pháp này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy không thoải mái. Nhưng nó chỉ giới hạn trong thời gian tiến hành thử nghiệm.

- Ghi điện cơ: Thường được áp dụng cùng lúc với xét nghiệm đo tốc độ dẫn truyền thần kinh. Thử nghiệm điện cơ đo các xung trong cơ để xác định các vấn đề về thần kinh. Bác sĩ sẽ đặt kim tiêm xuyên qua da, đi vào các cơ mà dây thần kinh cột sống, kích xung để cơ bắp thực hiện các động tác. Bác sĩ sẽ có thể xác định lượng xung cần thiết để bạn co thắt cơ bắp. Ghi điện cơ cơ thể khiến bệnh nhân không thoải mái, cơ bắp có thể vẫn còn đau nhẹ sau thử nghiệm.

5. Các phương pháp điều trị

5.1. Thuốc

Tùy vào mức độ và tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ khác nhau. Toa thuốc thường kết hợp các nhóm thuốc như:

- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Acetaminophen,...

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 4.

Sử dụng thuốc giảm đau để hỗ trợ điều trị - Ảnh minh họa

- Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID): Giúp giảm đau, giảm sưng, ngăn ngừa viêm. Ví dụ như Ibuprofen, Aspirin, Diclofenac,…

- Thuốc giãn cơ: Chỉ định cho bệnh nhân bị co cứng cơ cạnh cột sống. Ví dụ như Myonal, Decontractyl, Mydocalm,...

- Vitamin B1, B6, B12.

- Thuốc chống trầm cảm.

Trong trường hợp bệnh nhân bị đau trầm trọng, không đáp ứng các thuốc giảm đau thông thường thì bác sĩ có thể chỉ định tiêm giảm đau ngoài màng cứng Corticosteroids. Thuốc giúp giảm đau nhanh, chống viêm mạnh. Liệu trình thông thường là 3 mũi cách nhau từ 3 - 7 ngày.

5.2. Vật lý trị liệu

Phương pháp này thường áp dụng cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ nhẹ, chưa có các biến chứng như gai xương, hẹp ống sống. Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, giãn cơ, giúp tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian phục hồi.

Một số biện pháp vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:

- Kéo giãn cột sống.

- Massage, xoa bóp.

- Diện chuẩn.

- Chiếu laser, sóng radio cao tần, ion hoặc từ trường.

- Chiếu tia hồng ngoại.

- Cấy chỉ.

5.3. Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thường chỉ định cho các trường hợp bệnh nghiêm trọng, không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Hoặc trong trường hợp bệnh đã gây biến chứng như teo cơ, chèn ép tủy sống, mất khả năng vận động,...

Các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ phổ biến là:

- Phẫu thuật nội soi hút nhân nhầy, lấy nhân thoát vị.

- Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm.

- Phẫu thuật thay thế một phần hoặc toàn bộ đĩa đệm bị ảnh hưởng.

Phương pháp phẫu thuật rất ít khi được khuyến khích bởi nó có nhiều nhược điểm. Tuy nhiên, nếu bệnh nghiêm trọng, xuất hiện ở nhiều vị trí, bệnh kèm theo biến chứng,... thì chi phí phẫu thuật khá cao.

Các nhược điểm khá của phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có thể bao gồm: gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân, dễ bị nhiễm trùng và chảy máu sau mổ, thời gian phục hồi lâu,...

6. Biến chứng của thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

- Đĩa đệm đi lệch khỏi vị trí có thể dẫn đến hẹp ống sống khi vận động, gây đau tê và yếu cơ ở vai và tay.

- Đĩa đệm đốt sống cổ có thể chèn lên các động mạch ở gần đốt sống, gây ra thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não.

- Nếu đĩa đệm chèn ép tủy thì có thể gây ra các biểu hiện rối loạn vận động, chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, đau hốc mắt, tăng nhu động ruột,....

- Trong trường hợp nghiêm trọng, đĩa đệm bị thoát vị chèn ép tủy sống cổ có thể gây liệt, tàn phế suốt đời.

7. Phòng tránh

Vì thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ chủ yếu liên quan đến sự lão hóa tự nhiên của cơ thể nên rất khó phòng tránh. Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp dưới đây có thể phần nào làm chậm quá trình thoái hóa của đĩa đệm:

- Luôn duy trì tư thế đúng, tốt nhất là giữ thẳng cổ. Đặc biệt những người làm công việc như nhân viên văn phòng, công nhân dây chuyền,... cần ngồi đúng tư thế, không nên cúi quá lâu. Thỉnh thoảng cần giải lao và vận động cổ.

- Chọn gối ngủ vừa phải, không kê đầu quá cao khi nằm.

- Hạn chế nằm xem ti vi hoặc điện thoại.

- Không thực hiện các động tác đột ngột như lắc đầu, có thể làm chấn thương cổ, thoát vị đĩa đệm.

- Cố gắng tránh các chấn thương vùng cổ.

- Tập thể dục đều đặn, chế độ dinh dưỡng khoa học.

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 5.

Tập luyện thể dục đều đặn - Ảnh minh họa

- Không hút thuốc, uống rượu bia hoặc dùng các chất kích thích.

- Kiểm tra sức khỏe xương định kỳ, đặc biệt là những người cao tuổi.

8. Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

8.1 Nên ăn gì?

- Nguyên nhân chính gây ra thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ chính là sự lão hóa. Lúc này hệ xương bị thiếu hụt canxi, dần yếu đi, thoái hóa và đau nhức. Do đó, người bệnh cần bổ sung các thực phẩm giàu canxi để giúp xương khớp hồi phục. Có rất nhiều thực phẩm giàu canxi để bạn lựa chọn như: sữa và chế phẩm từ sữa, hải sản, đậu phụ, hạnh nhân, các loại rau có màu xanh đậm,..

- Cung cấp đầy đủ protein cho cơ thể sẽ giúp duy trì hệ xương khỏe mạnh, giúp mô và sụn mềm dẻo dai hơn, hạn chế nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Các thực phẩm giàu protein có thể kể đến là: thịt lợn, thịt gà, thịt bò, bông cải xanh, quả bơ, đậu hà lan, đậu nành,....

- Axit béo Omega-3 là thành phần chính để tạo nên Collagen. Trong khi đó, Collagen lại có tác dụng giúp sụn và đĩa đệm dẻo dai, linh hoạt hơn. Do đó, cung cấp đủ axit béo Omega-3 sẽ hạn chế được những tổn thương xảy ra ở đĩa đệm, ngăn ngừa được tình trạng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Các thực phẩm giàu axit béo Omega-3 bao gồm: cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu thực vật, dầu oliu, hạt lanh, hạt chia, hạt bí ngô, quả óc chó, bông cải xanh, rau bina,....

- Uống nhiều nước sẽ giúp các bao xơ và nhân nhầy của đĩa đệm hoạt động hiệu quả hơn, không bị thoái hóa và xuống cấp.

8.2 Nên kiêng gì?

- Hạn chế các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê, thịt trâu,... bởi chúng khiến cơ thể khó hấp thu canxi.

- Đồ chiên rán, món ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt,... đều là những thực phẩm kích thích viêm, có hại cho cấu trúc của cột sống.

- Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cần cẩn trọng khi ăn các thực phẩm giàu axit béo Omega-6 như thịt gà, cá, trứng, hạt điều, khoai tây,....

- Kiêng hoàn toàn thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. Bởi đây là những thực phẩm rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng lớn đến xương khớp.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Tiên lượng của bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

Tiên lượng của bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ phụ thuộc nhiều vào thời gian phát hiện và bắt đầu điều trị. Nếu phát hiện và điều trị sớm, thì tiên lượng của bệnh rất tốt, cuộc sống của bệnh nhân không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì có thể có nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí người bệnh có thể bị liệt, tàn phế suốt đời.

9.2. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có nguy hiểm không?

Các chuyên gia xương khớp đánh giá thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là căn bệnh khá nguy hiểm. Bởi nó gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân, chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh. Đặc biệt, nếu không quan tâm điều trị bệnh sớm, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như giảm khả năng vận động, thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não, hẹp ống sống cổ, rối loạn thần kinh thực vật, teo cơ, bại liệt.

9.3. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có chữa được không?

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm, bệnh nhân tích cực điều trị thì đĩa đệm có thể hồi phục đến 90%. Kiểm soát bệnh tốt sẽ giúp giảm hoặc hết các triệu chứng, cuộc sống của người bệnh không bị ảnh hưởng. Do đó, mọi người cần đi thăm khám ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng cổ - vai - gáy để được chẩn đoán và can thiệp sớm nhất.

9.4. Có phải thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ chỉ xảy ra ở người cao tuổi?

Đúng là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ liên quan nhiều đến sự lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, bệnh không chỉ xảy ra ở người già, mà có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu bạn có bệnh lý khác về xương khớp hoặc bị chấn thương vùng cổ thì cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

Mặt khác, ngày nay với sự phát triển của ngành điện tử, thiết bị thông minh, mọi người có thói quen cúi đầu xem điện thoại hàng giờ, hàng ngày. Cộng với sự phát triển của các ngành nghề yêu cầu nhân viên ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, công nhân dây chuyền,.... thì đối tượng bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ đang được trẻ hóa.

Vì những lí do trên, mọi người không nên chủ quan với những bệnh về xương khớp, nghĩ nó là căn bệnh của người già. Mỗi người nên có ý thức sinh hoạt và làm việc khoa học để bảo vệ sức khỏe bản thân.

10. Một số hình ảnh về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng so sánh đĩa đệm bị thoát vị và đĩa đệm bình thường.

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 2.

Các bệnh lý đĩa đệm thường gặp.

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 3.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và hai biến chứng phổ biến.

Những điều cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Ảnh 4.

Đĩa đệm giữa 2 đốt sống cổ c5 và c6 là vị trí dễ bị thoát vị nhất.


Tác giả: Mai Nhung