Trên thực tế hiện nay, người trưởng thành và người cao tuổi hiếm khi mắc bệnh sởi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân lớn tuổi gặp biến chứng là khá cao, lên tới 15%. Vậy những ảnh hưởng của bệnh sởi ở người cao tuổi là gì và tại sao lại nguy hiểm như vậy?
Hiện nay, sự bùng phát của dịch sởi thông qua những ca mắc bệnh tăng đột biến ở Mỹ đang ngày càng nghiêm trọng. Theo CDC Hoa Kỳ, thời gian gần đây đã có 1123 số ca mắc bệnh sởi và là con số nhiều nhất kể từ năm 1992 đến nay.
Thống kê từ ngày 18 tháng 7 năm 2019 ở Mỹ đã cho thấy, chỉ trong 7 tháng đầu năm, số ca mắc bệnh sởi ở cả người lớn và trẻ em đã tăng 209% so với cả năm 2018, một con số đáng chú ý.
Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính rất dễ lây lan qua đường không khí. Thực tế có đến 9 trên 10 người có thể mắc bệnh sởi khi tiếp xúc với người bị bệnh. Con đường truyền nhiễm của bệnh có thể là do hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc gần với vật chủ bị nhiễm bệnh.
Bệnh sởi thường mất 7 đến 14 ngày để ủ bệnh sau khi tiếp xúc với virus. Sau thời gian trên, người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như phát ban, sốt cao, sổ mũi.
Theo con số thống kê từ các chuyên gia y tế, số ca mắc bệnh sởi đang ngày một tăng cao, cả ở trẻ em lẫn người lớn và người cao tuổi. Con số này tăng nhanh ở các nước chưa phát triển do hạn chế về vaccine. Trẻ em, người suy giảm miễn dịch và người già là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Thông thường, những người lớn tuổi sinh trước năm 1957 đa phần đã miễn nhiễm với virus sởi do họ đã tiếp xúc tự nhiên và mắc bệnh sởi trước khi có vaccine. Tuy nhiên không phải ai cũng có miễn dịch với loại virus này. Một số trường hợp chưa được chủng ngừa và chưa mắc bệnh trước đây vẫn có thể nhiễm virus sởi.
Khi người cao tuổi mắc bệnh sởi, họ có nguy cơ mắc các biến chứng cao hơn. Chẳng hạn như nhiễm trùng tai là một biến chứng của bệnh sởi có thể dẫn đến mất thính giác, đặc biệt nếu hệ thống miễn dịch của người cao tuổi đang bị tổn hại do các bệnh khác.
Những người cao tuổi hơn cũng có thể dễ bị phản ứng bất lợi hơn với thuốc chủng ngừa bệnh sởi so với trẻ em và thanh niên ở độ tuổi sinh sản.
Một điều quan trọng cần lưu ý nữa là lý do tại sao người cao tuổi cần được duy trì miễn dịch với bệnh sởi. Bệnh sởi có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh khác bao gồm tiêu chảy và viêm phổi. Những căn bệnh này tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe đối với bệnh nhân cao tuổi.
Chính vì vậy, việc chủng ngừa virus sởi đối với mọi người là vô cùng cần thiết. Người cao tuổi nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm chủng cần thực hiện tiêm phòng sởi càng sớm càng tốt. Có thể tiêm vaccine MMR - một loại vaccine kết hợp sởi, quai bị, rubella để có hiệu quả phòng ngừa tốt hơn.
Nếu người cao tuổi đã thực hiện tiêm phòng bệnh sởi từ thời thơ ấu nhưng không nhớ liệu mình đã tiêm đủ 2 liều hay chưa cần liên hệ với bác sĩ để biết thêm thông tin liệu họ có nên tiêm lại một liều vắc-xin MMR hay không, đặc biệt với những người đang sống trong vùng có dịch.
Nếu bạn là người cao tuổi và không chắc chắn về tình trạng tiêm chủng của mình, và dự định đi du lịch đến khu vực có nguy cơ cao, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt. Các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm kiếm sự hiện diện của các kháng thể chống lại bệnh sởi. Nếu chưa có khả năng miễn dịch, vẫn chưa muộn để tiêm vaccine phòng bệnh.
=>> Đọc thêm: Biến chứng não do sởi gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe
Bên cạnh bệnh sởi điển hình thường gặp, người cao tuổi có thể mắc một số loại sởi khác như sởi không điển hình, bệnh sởi biến đổi và bệnh sởi xuất huyết.
Đầu tiên là dạng bệnh sởi không điển hình, đây là thể bệnh có thể xảy ra ở những người đã tiêm các loại vaccine từ năm 1963 đến năm 1967. Triệu chứng điển hình ở dạng bệnh này là sốt cao đến rất cao, phát ban và có dấu hiệu viêm phổi.
Bệnh sởi biến đổi xảy ra ở những người đã được tiêm globulin miễn dịch sau khi đã phơi nhiễm với virus sởi. Tuy nhiên bệnh sởi biến đổi thường nhẹ hơn so với bệnh sởi thông thường, các triệu chứng cũng nhanh mất đi và ít để lại biến chứng.
Tuy rất hiếm gặp nhưng vẫn phải nhắc đến bệnh sởi xuất huyết có thể xảy ra ở người cao tuổi. Loại bệnh sởi này khá nguy hiểm, nó gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, co giật, chảy máu dưới da.
Có rất nhiều cách để ngăn ngừa bệnh sởi diễn ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên tiêm vaccine phòng sởi là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh. Có hai loại vaccine phòng sởi trên thị trường hiện nay bao gôm vaccine MMR và MMRV.
Trong đó vaccine MMR có tác dụng ngừa sởi, quai bị và rubella. Vaccine MMRV ngoài việc giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng tương tự MMR còn giúp chống lại bệnh thủy đậu. Người lớn chưa từng chủng ngừa cần đến các trung tâm y tế để tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, vẫn có một số người không nên tiêm vaccine phòng sởi như là những người đã từng có phản ứng đe dọa tính mạng với vaccine sởi trước đó hoặc phản ứng quá mẫn với các thành phần của nó. Những người bị suy giảm miễn dịch bao gồm HIV hoặc AIDS, những người đang điều trị ung thư hoặc những người đang sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch cũng không nên chủng ngừa virus sởi.
Hầu hết các trường hợp người lớn tuổi khi tiêm phòng bệnh sởi không gặp tác dụng phụ. Nếu có, chúng thường nhẹ và biến mất sau vài ngày. Tác dụng phụ bao gồm sốt và phát ban nhẹ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, vaccine sởi có liên quan đến số lượng tiểu cầu thấp hoặc co giật.
Tiêm phòng không chỉ quan trọng để bảo vệ người cao tuổi và gia đình của họ, mà còn để bảo vệ những người không thể tiêm chủng. Khi nhiều người được chủng ngừa một căn bệnh nào đó, nó sẽ ít có khả năng lây lan trong dân số hơn. Đây được gọi là miễn dịch cộng đồng.
Nếu không thể tiêm phòng bệnh sởi, người cao tuổi sống trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao có thể thực hiện những điều sau đây để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Nếu là người sinh sống ở vùng dịch và chưa tiêm phòng:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi chạm vào mặt, miệng hoặc mũi.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.
Nếu là người mắc bệnh sởi:
- Ở nhà không đi làm hay đi đến những nơi công cộng khác cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm, tối thiểu là 4 ngày sau khi cơ thể phát ban.
- Tránh tiếp xúc với những người có thể dễ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như trẻ sơ sinh và những người bị suy giảm miễn dịch.
- Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ tất cả các khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức.
- Nếu không có sẵn khăn giấy, hãy hắt hơi vào khuỷu tay, không sử dụng lòng bàn tay.
- Đảm bảo rửa tay thường xuyên và khử trùng bất kỳ bề mặt hoặc đồ vật thường xuyên chạm vào.
Nguồn tham khảo: https://psshomecare.com/the-importance-of-preventing-measles-outbreaks-for-the-elderly/
https://www.forbes.com/sites/robinseatonjefferson/2019/04/22/americans-over-65-probably-arent-going-to-get-the-measles-but-geriatrician-says-check-anyway/?sh=410dfd094d6d
https://www.healthline.com/health/measles#in-adults