Những điều cần biết về bệnh Polyp túi mật

Những điều cần biết về bệnh Polyp túi mật
Polyp túi mật là những thương tổn dạng u hoặc giả u nhô lên trên bề mặt niêm mạc của túi mật, hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng cụ thể. Chẩn đoán này còn khá lạ lẫm khiến nhiều người lo lắng, liệu polyp túi mật có thể chuyển thành ung thư hay không và điều trị bệnh này như thế nào.

1. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật, là hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Chúng có thể không có triệu chứng hay có thể liên quan đến các triệu chứng viêm túi mật (khó chịu ở bụng trên bên phải, buồn nôn và không dung nạp thức ăn).

Vì polyp túi mật thường không có triệu chứng, nên bệnh lý này thường phát hiện một các tình cờ qua việc khám tổng quát (có siêu âm bụng tổng quát) hay khám một bệnh nào đó có siêu âm gan, mật.

Hình ảnh Polyp túi mật


Có 3 dạng polyp túi mật chính: u giả (hay polyp cholesterol), polyp viêm và polyp túi mật thật sự.

- U giả (polyp cholesterol): Polyp cholesterol chiếm khoảng 60 - 90% các dạng polyp túi mật, nguyên nhân hình thành có thể là do khiếm khuyết trong quá trình trao đổi cholesterol. Polyp cholesterol có hình dạng như các đốm vàng trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp cholesterol thường nhỏ hơn 10 mm và rất ít khi gây triệu chứng.

- Polyp viêm: Polyp viêm chiếm khoảng 5 – 10% các dạng polyp túi mật.Đây là kết quả của tình trạng viêm túi mật mạn tính, thường mọc nhô vào trong lòng túi mật với một cuống mạch máu nhỏ. Polyp viêm thường có kích thước nhỏ hơn 10 mm. Các bác sĩ thường tìm thấy polyp túi mật ở những người đã từng bị viêm túi mật hơn một lần hay những người bị đau bụng đường mật cấp tính, liên quan đến sỏi mật gây chặn ống dẫn mật. Polyp viêm thường dẫn đến đau sau khi ăn.

Cũng như polyp cholesterol, polyp viêm không liên quan đến ung thư túi mật. Những polyp này thường hiếm khi có kích thước vượt qua 1 cm.

Polyp túi mật thật sự gồm:

- Polyp tuyến túi mật: có thể phát triển thành ung thư. Bệnh lý này rất hiếm và thường liên quan đến sỏi mật. Chúng có thể có kích thước từ 5 – 20 mm. Một khi polyp đạt kích thước lớn hơn 1 cm, cần phải xem xét cắt bỏ túi mật, vì tiềm năng khối u ác tính tăng khi khối u trên 1 cm.

- U cơ tuyến: là một bệnh lý phổ biến hơn của polyp tuyến mật thật sự. Nó là một tổn thương lành tính của đáy túi mật. Tuy nhiên, phát hiện gần đây cho thấy những tổn thương này có tiềm năng thành tiền ác tính. Polyp ác tính thường đơn độc và kích thước trên 2 cm.

2. Triệu chứng polyp túi mật

Phần lớn các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng gì và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ có khoảng 6 - 7% bệnh nhân polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải, nhất là khi ăn thức ăn chiên xào, nhiều chất béo.

Chính vì vậy, việc phát hiện polyp túi mật chủ yếu là nhờ vào các phương tiện hình ảnh học như siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ hạt nhân.

Hình ảnh siêu âm polyp túi mật

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh polyp túi mật

Có một vài yếu tổ nguy cơ liên quan đến bệnh polyp túi mật. Một vài nghiên cứu cho thấy một số tình trạng sau có thể liên quan đến sự hình thành polyp:

• Tiền sử gia đình mắc bệnh polyp,

• Người có hội chứng Peutz-Jeghers, hay hội chứng Gardner,

• Người mắc viêm gan B.

• Polyp cholesterol có thể phát triển khi hàm lượng cholesterol hay muối mật trong mật cao. Điều này dẫn đến cholesterol có thể bám vào thành túi mật gây polyp cholesterol.

Các yếu tố thường liên quan đến các bệnh về túi mật như béo phì, tình dục, giảm cân hay tiểu đường chưa được chứng minh có thể làm tăng sự hình thành túi mật hay không.

4. Biến chứng của polyp túi mật

Phần lớn các polyp túi mật ở dạng polyp cholesterol và polyp viêm. Hai dạng này không gây ra biến chứng và không liên quan đến ung thư.

Tuy nhiên, bác sỹ nên theo dõi thường xuyên tất cả các loại polyp túi mật. Cắt bỏ túi mật chỉ thực sự cần thiết khi bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hay polyp phát triển trên 1 cm.

Biến chứng đáng kể nhất của polyp túi mật thực sự là ung thư túi mật.

5. Polyp túi mật có liên quan đến ung thư không?

Chỉ có polyp túi mật thực sự có liên quan đến ung thư. Các giai đoạn ung thư túi mật nằm trong khoảng từ 0 – 5, với giai đoạn 5 là giai đoạn tiến triển nhất.

Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư túi mật giai đoạn 1 là 50%. Các bác sỹ phát hiện ít hơn 10% các trường hợp ung thư túi mật khi chúng ở giai đoạn 0 hoặc 1. Chẩn đoán ung thư phần lớp khi chúng tiến triển hơn giai đoạn 1.

Các yếu tố như trên 50 tuổi, bệnh nhân có tiền sử viêm đường mật xơ hóa nguyên phát có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư túi mật. Trong khi đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh polyp cholesterol hay polyp viêm hầu như không có nguy cơ phát triển thành ung thư.

Tuy nhiên, bác sĩ nên theo dõi tất cả các tình trạng polyp túi mật chặt chẽ. Những người có polyp phát triển trên 1 cm có khả năng bi ung thư cao hơn. Trong trường hợp này, bác sỹ sẽ tư vấn cắt bỏ túi mật.

6. Điều trị bệnh polyp túi mật

Túi mật là một cấu trúc của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do đó, hoàn toàn không thể tùy ý thực hiện cắt bỏ khi chưa có chỉ định đúng đắn.

92% polyp túi mật có bản chất lành tính, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật nên phần lớn người bệnh không cần đến can thiệp gì. Các polyp cholesterol, polyp viêm có kích thước nhỏ hơn 1 cm và không gây ra triệu chứng gì thì không cần điều trị.

Polyp có kích thước nhỏ hơn 1 cm, không có triệu chứng, người bệnh < 50 tuổi cần tái khám và siêu âm định kỳ 6 tháng/lần trong thời gian ít nhất 2 năm để đánh giá tiến triển của polyp. Nếu sau thời gian dài, polyp không tăng thêm kích thước thì đó là polyp lành tính và không cần thiết phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây, phẫu thuật cắt bỏ túi mật được xem là cần thiết:

• Polyp có kích thước lớn hơn 1 cm

• Polyp có kích thước tăng từ 2 mm trở lên sau lần kiểm tra cuối cùng.

• Polyp có kích thước bất kỳ kèm theo bệnh viêm đường mật xơ hóa nguyên phát.

• Bệnh nhân có polyp túi mật trên 10 mm kèm theo các triệu chứng đau bụng, nôn ói nóng sốt tái phát hay có những hình ảnh gợi ý tính chất ác tính, bác sỹ có thể đề nghị phẫu thuật, đặc biệt ở bệnh nhân trên 50 tuổi.

Trong biện pháp điều trị bằng phẫu thuật cắt túi mật, có hai cách phẫu thuật:

• Mổ hở cắt túi mật: là phẫu thuật cắt bỏ túi mật bằng đường mổ trực tiếp trên thành bụng

• Phẫu thuật cắt túi mật bằng nội soi.

Phẫu thuật cắt túi mật bằng nội soi có ưu điểm ít đau, thời gian phục hồi nhanh và tỉ lệ tử vong thấp hơn so với mổ hở. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương đường mật, chảy máu, tổn thương ruột và có thể gây áp xe gan.

Trường hợp khối u túi mật lớn hơn 18 mm với phần lớn là các tế bào ung thư, các bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật mổ mở cắt túi mật, một phần gan và vùng bạch huyết lân cận nhằm loại bỏ tế bào ung thư.

Do đó, tùy tình trạng bệnh nhân mà bác sỹ có lựa chọn hình thức phẫu thuật điều trị phù hợp.

7. Chế độ ăn uống cho người bệnh polyp túi mật

Không có một chế độ ăn cụ thể cho người bệnh polyp túi mật, nhưng polyp túi mật thường liên quan đến bệnh sỏi mật, vì thế chế độ ăn khoa học cho bệnh sỏi mật có thể giúp giảm nguy cơ polyp túi mật gây biến chứng.

• Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Nếu bạn có ý định giảm cân, nên giảm cân từ từ.

• Tiêu thụ ít chất béo bão hòa (thịt đỏ, sữa béo, phomat) và cholesterol (lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, da, mỡ động vật,…)

• Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi

• Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày

• Không nên bỏ bữa ăn.

polyp tui mat

8. Cách phòng tránh bệnh polyp túi mật

Vì hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Do đó, khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh và phát hiện sớm bệnh polyp túi mật.

Bên cạnh đó, người có cholesterol cao có thể có nguy cơ phát triển polyp cholesterol. Giảm mức cholesterol trong máu có thể giúp ngăn ngừa polyp cholesterol hình thành. Vì vậy, một chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế cholesterol là một trong những bệnh pháp phòng tránh bệnh polyp túi mật.

Kết luận

Polyp túi mật là bệnh không quá hiếm gặp trong xã hội và chỉ một số ít tiến triển thành ung thư. Chính vì vậy, hầu hết các trường hợp không phải điều trị gì nhưng nên theo dõi định kỳ và chỉ cần can thiệp ngoại khoa khi có triệu chứng hay nghi ngờ ác tính, vì ung thư túi mật có tiên lượng rất xấu. Nên khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu có bệnh lý polyp túi mật trước khi quá muộn.

Tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/326818.php

Tác giả: Nguyễn Phan Thư Trinh