Những điều cần biết về bệnh lao vú

Những điều cần biết về bệnh lao vú
Nhiều người đã biết đến bệnh lao phổi, tuy nhiên có một căn bệnh do vi khuẩn lao gây ra khiến nhiều chị em không khỏi đau đớn đó chính là bệnh lao vú. Vậy bệnh lao vú là gì?

1. Bệnh lao vú là gì?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nhiều bộ phận trong cơ thể đều có thể bị lao, như: lao thận, lao xương, lao da... Khi vi khuẩn lao sinh sôi và hình thành ổ bệnh ở vú thì gọi là bệnh lao vú. Bệnh lao vú đa phần xảy ra ở phụ nữ trẻ hoặc trung niên, mà chủ yếu ở người đã lập gia đình và đã sinh đẻ. Bệnh lao vú cũng là chứng bệnh mang tính toàn thân, cho nên khi điều trị cần chú ý đến nghỉ ngơi, dinh dưỡng.

Bệnh lao vú là tình trạng vi trùng lao tấn công vào mô tuyến vú, đây là dạng lao ngoài phổi hiếm gặp. Thường thì vi trùng lao di chuyển theo đường máu, đường bạch huyết từ nơi khác đến vú nên khi khả nghi lao vú các bác sĩ cố gắng tìm thêm các ổ nguyên phát khác.

Quá trình phát hiện bệnh có thể kéo dài từ vài tháng thậm chí vài năm, thường xảy ra ở một bên vú phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nam cũng có thể bị nhưng rất hiếm. Bệnh nhân thường vào bệnh viện với một cục u trong ngực hay viêm, ápxe tái đi tái lại nhiều lần, đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện mà không khỏi.

Thực tế, bệnh lao vú rất dễ nhầm lẫn với ung thư vú và ápxe vú sinh mủ thông thường, các bác sĩ thường cho chỉ định sinh thiết để vừa lấy được mẫu mô thử giải phẫu bệnh lý nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Ảnh 2.

Bệnh lao vú là tình trạng vi trùng lao tấn công vào mô tuyến vú, đây là dạng lao ngoài phổi hiếm gặp (Ảnh: Internet)

2. Bệnh lao vú lây nhiễm qua đường nào?

Bệnh lao vú có hai loại: nguyên phát và thứ phát, lây lan qua các con đường khác nhau. Lao vú nguyên phát rất ít, chủ yếu là thứ phát và lây qua các đường sau:

- Lây qua đường máu: Ổ bệnh nguyên phát phần lớn ở phổi và hạch bạch huyết.

- Các cơ quan mô gần vú: Ổ lao ở xương sườn, xương ngực, màng ngực, nội tạng, khớp vai trực tiếp lây lan sang vú.

- Lây qua hệ bạch huyết: Hệ bạch huyết của vú có thể tới dưới nách, cổ, vùng xương ngực, trên xương đòn. Khi hạch bạch huyết các nơi đó bị lây nhiễm vi trùng lao, ảnh hưởng đến tuần toàn bạch huyết, ống vào của hạch bạch huyết biến thành ống ra, bạch huyết chứa vi trùng lao sẽ theo hệ bạch huyết lây lan đến vú.

- Vi trùng lao cũng có thể từ ngoài qua núm vú, theo ống dẫn sữa xâm nhập vào vú, hoặc qua da xâm nhập vào vú.

Ảnh 3.

Phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản dễ mắc bệnh lao vú nhất (Ảnh: Internet)

3. Phụ nữ cho con bú dễ mắc bệnh lao vú?

Theo nghiên cứu, những phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ hoặc ở tuổi sinh sản rất dễ mắc bệnh lao vú. 

Lao vú thường xảy ra sau khi bị lao phổi và các bệnh lao khác. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lao vú phủ nhận có tiếp xúc với lao, nhưng thực tế đã bị lây vi trùng lao trong thời kỳ cho con bú hoặc bị nhiễm bệnh khác, làm cho sức đề kháng giảm, khiến vi trùng lao tiềm ẩn lập tức lây lan đến vú qua đường máu hoặc hạch bạch huyết. 

Hơn nữa, sự tuần hoàn bạch huyết của phụ nữ thời kỳ sinh đẻ nhanh hơn bình thường, dễ dẫn đến phình đại hạch bạch huyết và ứ đọng sữa có tính thường xuyên hoặc chu kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng lao lây lan ngược theo hạch bạch huyết. Vi trùng lao sẽ khu trú, sinh sôi trong hạch bạch huyết vú gây ra bệnh lao vú.

Vì thế, khi vú phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ xuất hiện u không có giới hạn rõ ràng hoặc u lớn thì cần nghĩ đến khả năng bị bệnh lao vú. Y học hiện đại cho rằng, tuy vi trùng lao đã xâm nhập nhưng nếu sức đề kháng của cơ thể mạnh thì bệnh tạm thời chưa phát. Sau khi sinh sức đề kháng giảm, vi trùng lao tiềm ẩn liền bộc phát, gây ra lao vú. Cho nên, thời kỳ cho con bú dễ bị lao vú nhất.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn một số kiến thức về bệnh lao vú, hi vọng sẽ giúp chị em chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. 

Tác giả: Thanh Hoa