Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch là tên một bệnh lý tại mắt với tổn thương đặc trưng là là sự bong tróc thanh dịch trên võng mạc có nguồn gốc từ sự rò rỉ tại lớp đệm ra lớp biểu mô sắc tố của võng mạc.
Bệnh có thể xảy ra ở cả hai giới, tuy nhiên trên thực tế thì nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch làm suy giảm khả năng thị lực của người bệnh, do đó làm gây nên vấn đề phổ biến nhất ở bệnh nhân là nhìn mờ, biến dạng hình ảnh.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tình trạng mù lòa vĩnh viễn.
Đọc thêm:
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Những điều cần biết về bệnh võng mạc tiểu đường
Loạn sắc tố mống mắt (Heterochromia Iridium): Thông tin từ A đến Z mà người bệnh cần biết
Có khá nhiều giả thiết khác nhau đã được đưa ra để chứng minh cơ chế bệnh sinh của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, tuy nhiên cho đến hiện nay vẫn còn có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề nay. Các cơ chế chính gây nên bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch bao gồm:
- Tổn thương mạch máu màng đệm khu trú
Mối quan hệ giữa tổn thương mạch máu màng đệm khu trú và bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch đã được đặt ra. Cho đến hiện tại, nhờ vào các kỹ thuật mới như chụp mạc, người ta đã thấy rằng có hiện tượng tiết dịch màng mạch đa ổ và giảm huỳnh quang từng vùng,...
Điều này cho thấy có thể chính sự tổn thương ban đầu của các mạch máu dẫn đến sự rối loạn của biểu mô sắc tố võng mạc và thúc đẩy bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch xảy ra.
- Corticosteroid
Corticosteroid được đánh giá là một thành phần quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch. Sự quá mẫn của các thụ thể corticosteroid gây ảnh hưởng lên các kênh kali và calci trên thành mạch, gây thúc đẩy hiện tượng giãn mạch và thấm mạch.
Người ta nhận thấy rằng, có đến 52% bệnh nhân hắc võng mạc trung tâm thanh dịch đã sử dụng các thuốc corticosteroid trong vòng 1 tháng trước đó.
- Vai trò của các yếu tố cường giao cảm
Các hormon của hệ giao cảm như Adrenalin,... có thể gây nên ảnh hưởng đối với sự điều hòa của màng mạch. Chính vì thế có liên hệ khá mật thiết giữa sự suy giảm phản ứng tự chủ ở các bệnh nhân hắc võng mạc trung tâm với tình trạng cường giao cảm.
Ngoài ra, nhiễn H. Plylori cũng được cho là một trong các yếu tố có có thể có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của bệnh hắc võng mạc trung tâm. Nhưng vai trò của H.Pylori trong cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận đủ cao do còn có rất nhiều ý kiến trái chiều về ảnh hưởng của nó.
Như đã nói, bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng dường như bệnh dễ xảy ra hơn ở một số nhóm bệnh nhân sau đây:
- Chủng tộc
Tỷ lệ mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch ở người gốc Á và gốc Âu cao hơn so với người gốc Phi dựa trên các số liệu ghi nhận trên thực tế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa các chủng tộc này chủ yếu là do thiếu điều kiện chẩn đoán ở người gốc Phi, dẫn đến số ca mắc bệnh được ghi nhận thấp hơn so với số ca mắc thực tế.
- Giới tính
Có mối liên quan đặc biệt giữa nguy cơ mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm với giới tính. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn rõ rệt so với phụ nữ. Tỷ lệ mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm ở nam giới : phụ nữ được ghi nhận là 2,6 : 1.
- Tuổi tác
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng độ tuổi từ 20-50 là độ tuổi thường được chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch ở bệnh nhân nam. Mặc dù có sự liên quan giữa tăng dần tuổi tác với nguy cơ mắc bệnh, nhưng dường như những bệnh nhân trên 50 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh lại giảm đi một cách đáng kể.
- Người có tiền sử tăng huyết áp hoặc sử dụng corticosteroid
Các yếu tố cường giao cảm và corticosteroid có vai trò lớn trong cơ chế bệnh sinh của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch. Do đó, những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp hoặc có tiền sử phải sử dụng corticosteroid có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người bình thường không có các tiền sử trên.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể biểu hiện bằng nhiều dấu hiệu khác nhau. Do đó, hiểu biết để có thể nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh là điều rất quan trọng để có thể phát hiện được bệnh. Những triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:
- Giảm thị lực
Giảm thị lực là triệu chứng thường gặp của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch. Người bệnh thường bị giảm thị lực xuống còn mức từ 5/10 - 6/10. Nhưng nếu tình trạng nặng nề thì thị lực thậm chí có thể giảm xuống đến mức dưới 1/10 thị lực bình thường.
- Thay đổi tính chất hình ảnh
Các hình ảnh quan sát thấy ở các bệnh nhân hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể bị thay đổi tính chất như hình ảnh bị biến dạng (méo, cong) hay bất thường về cảm giác xa gần, hoặc thay đổi màu sắc (thường là trở nên nâu hơn hoặc xám hơn),...
- Xuất hiện ám điểm
Tình trạng xuất hiện các ám điểm trung tâm hay bán trung tâm cũng có thể xảy ra. Để xác định bệnh nhân có bị ám điểm hay không thì người ta thường sử dụng công cụ là bảng ô vuông Amsler.
- Khám đáy mắt
Khám đáy mắt ở bệnh nhân hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể phát hiện hoàng điểm sẫm màu, mất sáng vùng trung tâm. Vùng tổn thương thường nhô cao hơn so với các tổn chức bình thường xung quanh. Đôi khi có thể thấy được tình trạng có cặn lắng màu vàng, nhỏ như đầu kim, rải rác ở vùng tổn thương, không sáp nhập và chậm tiêu.
Chụp mạch huỳnh quang là xét nghiệm có giá trị nhất trong chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm. Trên kết quả hình ảnh cho thấy có sự rò rỉ các chất có trong lòng mạch, thường là hình chấm nhưng cũng có thể có hình dù hoặc hình lông chim,...
Đọc thêm:
Các bệnh dễ nhầm lẫn với đau mắt đỏ: Điều trị sai cách có thể dẫn đến mù lòa
Dấu hiệu cho thấy mắt đang có vấn đề, cần đi khám chuyên khoa ngay
Dù biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên các triệu chứng lại ít đặc trưng cho bệnh hắc võng mạc trung tâm. Do đó, cần phải có sự phân biệt kỹ lưỡng với các bệnh lý tương tự để tránh nhầm lẫn trong chẩn đoán.
Một số bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt bao gồm:
- Bệnh u máu màng mạch
- Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi già và không do tuổi già
- Rách võng mạc
- Loạn dưỡng biểu mô sắc tố võng mạc
- Bệnh bong võng mạc do rối loạn sắc tố
Nhìn chung, tiên lượng của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch là tương đối tốt. Bệnh thường có thể tự khỏi ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh. Khi khỏi bệnh, có đến 80 - 90 có thể khôi phục lại thị lực bình thường hoặc tiệm cận bình thường như trước đây.
Khi bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch tái phát các nhiều lần thì tiên lượng của bệnh nhân càng nặng, mức độ suy giảm thị lực tỷ lệ thuận với số lần tái phát của bệnh.
Đối với các bệnh nhân bị mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thể cổ điển thường có nguy cơ tái phát ở cùng một mắt cao hơn, các biểu hiện của bệnh kéo dài hơn và sự ảnh hưởng đến thị lực cũng nặng nề hơn, thậm chí có thể gây mù lòa.
Điều trị sớm bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có vai trò rất lớn trong việc phòng tránh các ảnh hưởng lâu dài mà bệnh có thể gây ra. Hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể được áp dụng để kiểm soát bệnh cho bệnh nhân bao gồm dùng thuốc, liệu pháp quang đông Laser hay liệu pháp quang động,...
Các thuốc đối kháng mineralocorticoid như Spironolactone và eplerenone là những thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch hiện nay. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá tính hiệu quả của nhóm thuốc này cho thấy rằng có đến một nửa số bệnh nhân đã có chuyển biến bệnh theo hướng tích cực sau khi sử dụng thuốc.
Còn đối với các thuốc chẹn Beta hay các thuốc an thần có nên được sử dụng trong điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch hay không vẫn đang còn gặp phải rất nhiều tranh cãi.
Một số ý kiến cho rằng sử dụng các thuốc này có thể tác động vào cơ chế bệnh sinh của bệnh từ đó cải thiện điều trị. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng chúng là nguy cơ đối với bệnh nhân. Do đó sẽ cần có nhiều thử nghiệm thực tế hơn để đánh giá tính hiệu quả và an toàn cho người bệnh trong quá trình điều trị.
Ngoài ra, trong điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thì người ta còn sử dụng Intravitreal bevacizumab như một cách điều trị biến chứng tân mạch tại màng mạch sau khi bị hắc võng mạc trung tâm thanh dịch.
Quang đông bằng laser cũng là phương pháp có thể được sử dụng trong điều trị bệnh. Phương pháp này cho phép rút ngắn thời gian điều trị bệnh cũng như giảm nguy cơ tái phát ở bệnh nhân hắc võng mạc trung tâm thanh dịch.
Phương pháp quang đông bằng laser thường chỉ định cho các trường hợp sau:
- Bệnh kéo dài hơn 4 tháng.
- Tái phát ở mắt bị hắc võng mạc trung tâm thanh dịch trước đó có biến chứng giảm thị lực.
- Giảm thị lực ở mắt đối diện từ các đợt bị hắc võng mạc trung tâm thanh dịch trước đó.
- Bệnh nhân đang hoạt động trong các nghề nghiệp cần phải được phục hồi thị lực nhanh chóng.
Phương pháp quang động là một phương pháp điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch từ những năm 2003. Phương pháp này giúp đẩy nhanh quá trình hấp thu chất lỏng và phục hồi thị giác ở bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt thích hợp cũng đóng vai trò rất tích cực đối với hiệu quả điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch.
- Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ với các loại thực phẩm có lợi cho mắt sẽ giúp hỗ trợ đáng kể cho quá trình điều trị.
- Vận động thể dục thể thao ở mức độ hợp lý vừa giúp gia tăng sức khỏe toàn diện vừa giúp cải thiện hiệu quả điều trị bệnh.
- Tránh các yếu tố căng thẳng, stress, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, sử dụng thuốc có chứa corticoid,... để tránh làm bệnh trở nên nặng nề hơn.
- Cần đi khám ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh để có thể được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng đúng phương pháp.
Trên đây là một số các thông tin cơ bản về bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch mà bạn cần biết để có thể nhận biết sớm bệnh nhằm hạn chế các ảnh hưởng lâu dài mà bệnh gây nên. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ và cụ thể hơn.