Những điều cần biết về bệnh bạch cầu cấp tính

Những điều cần biết về bệnh bạch cầu cấp tính
Bệnh bạch cầu cấp tính là tình trạng bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh chóng do sự bất thường ngay từ những giai đoạn đầu của sự biệt hóa bạch cầu. Vì vậy, người bị bệnh bạch cầu cấp tính cần được chẩn đoán và điều trị sớm bằng đúng phương pháp.

1. Bệnh bạch cầu cấp tính là gì?

Bệnh bạch cầu cấp tính là bệnh bạch cầu xảy ra ở ngay những giai đoạn đầu của quá trình biệt hóa bạch cầu non. Do vậy, các tế bào bạch cầu ở bệnh nhân bạch cầu cấp tình thường có hình dạng khá bất thường và không thể đảm nhận được chức năng sinh lý của bạch cầu. Bệnh bạch cầu cấp tình thường diễn tiến nhanh với các triệu chứng rầm rộ.

2. Bệnh bạch cầu cấp tính gồm những dạng nào?

Khi nhắc đến bệnh bạch cầu cấp tính, người ta thường phân loại bệnh thành hai dạng khác nhau là bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy và bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho.

- Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy: Như tên gọi của bệnh, bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy là bệnh bạch cầu xảy ra ở tủy xương và có tiến triển cấp tính. Trong bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, quá trình tạo bạch cầu hạt là quá trình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó bệnh nhân thường thiếu bạch cầu hạt.

Sự thiếu bạch cầu hạt do quá trình biệt hóa không xảy ra sẽ khiến cơ thể giảm mạnh sức đề kháng với các dị nguyên gây bệnh, vì vậy cơ thể dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng, bội nhiễm,... Ngoài ra, sự phát triển quá mức của các tế bào bạch cầu non khiến chúng gia tăng số lượng trong lòng mạch có thể choán chỗ của hồng cầu hoặc thậm chí là nghẽn mạch.

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên lứa tuổi trẻ em thường ít được ghi nhân mắc bệnh hơn các bệnh nhân lớn tuổi.

- Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho: Đối với bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho, các tế bào bất thường có thể thấy được là các tế bào lympho còn non của cơ thể.

Có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại các kháng nguyên, do vậy khi có bệnh bạch cầu cấp dòng lympho xảy ra sẽ khiến tế bào lympho mất khả năng đảm nhận chức năng của nó. Do đó, nhiễm trùng cũng là tình trạng rất thường gặp trên người bệnh. Thậm chí sự sản xuất quá nhiều tế bào lympho non có thể cản trở sự hoạt động của hồng cầu và tiểu cầu.

Dạng bệnh bạch cầu cấp dòng lympho hầu như chỉ gặp phải ở các đối tượng bệnh nhân là trẻ em, người lớn có tỷ lệ mắc bệnh rất thấp.

3. Bệnh bạch cầu cấp có nguy hiểm không?

Bệnh bạch cầu cấp tình là dạng bệnh bạch cầu tiến triển nhanh với nhiều triệu chứng rầm rộ. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong trên bệnh nhân trong khoảng thời gian ngắn sau khi phát bệnh.

Các nghiên cứu đã cho thấy, khả năng sống sót của bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính thấp hơn nhiều so với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mãn tính. Cụ thể, đối với bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy, chỉ có khoảng 20% đến 40% bệnh nhân có thể sống trên 5 năm, trong khi đó bệnh nhân bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho thậm chí có thể tử vong sau 4 tháng nếu không điều trị.

Do vậy, bệnh bạch cầu cấp tính là dạng bệnh bạch cầu rất nguy hiểm, cần được điều trị sớm với đúng phương pháp. Phương pháp thường dùng để diều trị hiện nay đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy là hóa trị, đối với bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho thì xạ trị và ghép tế bào mầm là phương pháp có thể được sử dụng.

Có thể thấy rằng, bệnh bạch cầu cấp là thể bệnh cực kỳ nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân trong thời gian ngắn. Do vậy sự phát hiện sớm bệnh để có thể tiến hành thực hiện các phương pháp điều trị thích hợp là vô cùng có ý nghĩa trong đảm bảo sự sống cho người bệnh.


Tác giả: QN