Bệnh bạch cầu hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bệnh ung thư máu, bệnh máu trắng,.... đặc trưng của bệnh là có sự tăng sinh bất thường tế bào bạch cầu và rối loạn quá trình biệt hóa các tế bào bạch cầu non thành tế bào bạch cầu trưởng thành gây rối loạn chức năng của chúng. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi và không có sự phân biệt giới tính.
Rất khó để kết luận chính xác bệnh lý bạch cầu trên một đối tượng bệnh nhân cụ thể là do nguyên nhân nào gây nên, người ta vẫn còn chưa thể nắm hết các yếu tố tác động đến bệnh sinh của bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là có khả năng khiến tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu trở nên cao hơn, kể đến như:
- Hóa, xạ trị các ung thư có sẵn có thể gây nên thay đổi cấu trúc DNA và gây ra bệnh bạch cầu.
- Rối loạn di truyền bẩm sinh với các bất thường bộ nhiễm sắc thể, hoặc cấu trúc gen sai lệch có thể khiến trẻ sinh ra bị bệnh bạch cầu.
- Sự tiếp xúc với các hóa chất độc hại, khói thuốc lá, chất kích thích,... cũng được ghi nhận là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Đối với các phụ nữ mang thai, sự phơi nhiễm trên có thể khiến trẻ sinh ra mắc bệnh máu trắng.
- Người ta nhận thấy, những gia đình có cha, mẹ mắc bệnh thì nguy cơ sinh con mắc bệnh này cũng cao hơn so với các gia đình bình thường.
Theo phân loại y học hiện nay, bệnh bạch cầu được chia làm hai loại chính là bệnh bạch cầu cấp tính và bệnh bạch cầu mãn tính.
- Bệnh bạch cầu cấp tính: Là dạng bệnh xảy ra trên các tế bào bạch cầu non, ngay trong giai đoạn đầu của quá trình biệt hóa bạch cầu. Vì thế, các bạch cầu được đưa vào hệ thống mạch máu là những bạch cầu gần như chưa hề được biệt hóa, không có chức năng sinh học. Vì vậy chức năng do bạch cầu đảm nhận bị suy giảm nghiêm trọng, thường cần được điều trị ngay.
- Bệnh bạch cầu mãn tính: Dạng bệnh này không có sự biểu hiện rầm rộ như thể bệnh cấp tính. Bởi sự rối loạn biệt hóa xảy ra muộn hơn khi các tế bào bạch cầu đã có được những chức năng nhất định. Vì vậy bệnh nhân thể bệnh này có thể không cần phải điều trị nếu không có các triệu chứng bất thường xảy ra.
Sự biểu hiện của bệnh bạch cầu có thể có sự khác biệt lớn giữa các thể bệnh, bệnh có thể biểu hiện bằng những triệu chứng xảy ra rầm rộ ở bệnh nhân mắc thể bệnh cấp tính nhưng cũng có thể biểu hiện nhẹ nhàng hơn hoặc không có biểu hiện gì trên bệnh nhân thể bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, một số triệu chứng điển hình thường hay xuất hiện trên bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu có thể kể đến như:
- Nhiễm trùng: Mặc dù có sự tăng sản bạch cầu trong cơ thể, tuy nhiên do quá trình biệt hóa bị rối loạn nên hầu hết bạch cầu sinh ra đều là các bạch cầu bất thường không có khả năng sinh học hoặc khả năng sinh học bị suy giảm. Vì vậy hàng rào bảo vệ cho cơ thể yếu hơn rất nhiều nên dễ dẫn đến nhiễm trùng.
- Thiếu máu: Thiếu máu là biểu hiện dễ xảy ra do sự suy giảm tế bào hồng cầu bị bạch cầu thực bào. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện thiếu máu như da xanh xao, mệt mỏi, tóc yếu,...
- Dễ xuất huyết: Sự sinh trưởng quá mức của bạch cầu trong cơ thể bệnh nhân khiến sự tạo mới tiểu cầu bị ảnh hưởng và các chức năng tiểu cầu bị lấn át. Do đó, trên bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu có thể có các biểu hiện xuất huyết xảy ra khá thường xuyên, chẳng hạn chảy máu mũi, bầm tím dưới da,...
- Các biểu hiện khác: Ngoài các biểu hiện như đã kể trên, bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu còn có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng khác như đau, sốt, buồn nôn, sụt cân,....
Có thể thấy rằng, bệnh bạch cầu là căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra ở bất kỳ ai trong chúng ta. Do vậy cần lưu ý sớm các triệu chứng của bệnh để có thể phát hiện bệnh sớm nhằm có các phương pháp điều trị bệnh kịp thời.