Những điều cần biết về bệnh áp xe não

Những điều cần biết về bệnh áp xe não
Bệnh áp xe não được coi là bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị nhất trong số các bệnh về não. Vậy áp xe não là gì? Điều trị như thế nào?

1. Áp xe não là gì?

Não là một bộ phần thuộc hệ thần kinh trung ương. Não hoạt động như trung tập tiếp nhận, thu nạp, lưu trữ và xử lý các dữ liệu từ bên ngoài, đồng thời phản hồi lại các dữ liệu đó. 

Sọ não, hệ miễn dịch và các mô xung quanh giúp bảo vệ não khỏi sự nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số loại vi khuẩn có thể tấn công và lọt qua vòng bảo vệ này. Khi đó ở não sẽ diễn ra một số phản ứng để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, tạo nên những khoang trống, nhỏ chứa mủ. Những khoang trống chứa mủ này được gọi là áp xe não

2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh áp xe não

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 3 nguyên nhân gây áp xe não chính sau đây:

- Bệnh áp xe não do chấn thương

- Bệnh áp xe não do nhiễm khuẩn từ cơ quan lân cận như: viêm xương chũm, viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa

- Bệnh áp xe não do vi khuẩn theo đường máu: gặp trong các bệnh như giãn phế quản (bronchoectasia), áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, áp xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt. 

Nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh áp xe não không tìm thấy ổ nhiễm khuẩn tiên phát. Đặc điểm bệnh áp xe não theo đường máu là ổ áp-xe thường ở sâu trong tổ chức não, có thể một hoặc nhiều ổ ở các vị trí khác nhau. 

Vi khuẩn gây bệnh thường là vi khuẩn ái khí như trực khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, liên cầu không gây tan huyết, vi khuẩn kỵ khí, do nấm. Vị trí áp xe có thể là: ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não.

áp xe não

Có 3 nguyên nhân gây ra bệnh áp xe não là do chấn thương, do nhiễm vi khuẩn theo đường máu, nhiễm vi khuẩn từ các cơ quan lân cận (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Đau đầu như nào là dấu hiệu của ung thư não?

Đau đầu chóng mặt uống thuốc gì?

3. Biểu hiện của bệnh áp xe não

Người bị bệnh áp xe não thường có những biểu hiện sau đây: 

- Với hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sốt cao 380C - 400C; mệt mỏi, chán ăn, xét nghiệm máu thấy bạch cầu  tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng; 

- Với hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, nôn và buồn nôn, soi đáy mắt có ứ phù gai thị, phản ứng màng não như cổ cứng, sợ ánh sáng nên mắt lúc nào cũng nhắm, tư thế nằm nghiêng và co gấp người vào bụng

- Nếu áp-xe tiểu não có triệu chứng rầm rộ như đau đầu dữ dội, nôn nhiều, đi lảo đảo như người say rượu, hai chân dang rộng, nghiệm pháp Romberg (+), sai tầm, quá hướng nếu làm nghiệm pháp ngón tay trỏ mũi; rung giật nhãn cầu, thất điều; dấu hiệu thần kinh khu trú: có thể thấy bại nửa người đối bên, tổn thương dây thần kinh sọ não như dây VII, VIII, III, II, cơn co giật động kinh cục bộ, rối loạn ngôn ngữ như mất lời hoặc nói khó; 

- Triệu chứng tâm thần kinh: lúc đầu kích thích, vật vã, giãy giụa, kêu la vì đau, sau dần dần tri giác xấu hơn, nằm im, mất định hướng, lú lẫn, bán hôn mê và hôn mê, không điều trị kịp thời sẽ tử vong; 

- Triệu chứng tại chỗ: với áp-xe ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng thì khi ấn hoặc gõ lên vùng xương viêm bệnh nhân rất đau. 

4. Tác hại của bệnh áp xe não

Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây: viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não do bọc áp-xe lớn có vỏ bao dày chắc chiếm chỗ trong hộp sọ gây tăng áp lực nội sọ rầm rộ, chèn đẩy não và gây tụt kẹt não: đẩy thùy thái dương vào khe Bichat hay đẩy thùy nhộng của tiểu não vào lỗ chẩm gây chèn ép vào hành tủy. Nhất là áp-xe tiểu não, do hố sọ sau rất chật nên chỉ ổ áp-xe nhỏ đã gây rối loạn nặng hô hấp và tim mạch.

áp xe não

Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây: viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não (Ảnh: Internet)

5. Cách phát hiện bệnh áp xe não

- Chọc dịch não tủy hơi đục, có thể thấy tế bào mủ, glucose giảm thấp.

- Chụp Xquang có thể thấy giãn đường khớp, mòn mỏm yên. 

- Chụp cắt lớp vi tính để biết vị trí, kích thước ổ áp-xe.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm màng não mủ, u não, viêm tắc tĩnh mạch trong não.

- Viêm màng não mủ hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc rầm rộ, đau đầu, sốt cao mệt mỏi, dịch não tủy đục như nước vo gạo, dấu hiệu thần kinh khu trú không có hoặc không rõ ràng;

- Viêm tắc tĩnh mạch trong não: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, sốt rất cao kèm rét run, tĩnh mạch da đầu và tĩnh mạch ở mặt nổi giãn to, phù kết mạc mắt, có thể thấy mắt lồi nhẹ, liệt các dây thần kinh sọ não như dây III, IV, VI;

- U não: có biểu hiện hội chứng tăng áp lực nội sọ, hội chứng thần kinh khu trú, sốt nhẹ hay không sốt, xét nghiệm máu bạch cầu không tăng, tốc độ máu lắng không tăng, dịch não tủy trong, tăng protein, chụp cắt lớp vi tính thấy khối u.

áp xe não

Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ bọc áp-xe là phương pháp triệt để nhưng phức tạp (Ảnh: Internet)

6. Ðiều trị và phòng bệnh áp xe não

- Phương pháp nội khoa dùng khi ổ áp-xe nhỏ và ở sâu, áp-xe não đã vỡ gây viêm màng não mủ lan tràn, bệnh nhân quá yếu không cho phép phẫu thuật. Dùng kháng sinh mạnh, phổ tác dụng rộng, phối hợp nhiều kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn gram (-) và gram (+). 

Có thể dùng cephalosporin thế hệ 3, 4 kết hợp với nhóm quinolone. Chống phù não, nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân phòng viêm phổi do nằm lâu, chống loét, thuốc an thần, giảm đau và hạ sốt.

- Chọc hút ổ áp xe não: có ưu điểm là không gây tổn thương nhiều tổ chức não lành. Sử dụng khi ổ áp-xe lớn ở sâu trong tổ chức não, ổ áp-xe nhiều ngăn, tình trạng bệnh nhân quá nặng. Nhược điểm của phương pháp này là không lấy triệt để nên dễ tái phát.

- Dẫn lưu ổ áp-xe trong các trường hợp áp-xe ngoài màng cứng, dưới màng cứng, ổ áp-xe lớn ở sâu hoặc ở nông so với vỏ não.

- Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ bọc áp-xe là phương pháp triệt để nhưng có nhiều khó khăn, nhược điểm là gây tổn thương nhiều tổ chức não lành, có thể gây thủng vỡ bọc áp-xe. Dùng trong trường hợp bọc áp-xe có bao xơ chắc nằm không sâu trong não, áp-xe não do vết thương hoả khí, trong bọc áp- xe có thể có mảnh kim khí hoặc mảnh xương và các dị vật khác.

7. Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp xe não

Bạn có thể kiểm soát áp xe não nếu bạn áp dụng các biện pháp sau:

- Ý thức được viện chẩn đoán bệnh càng sớm thì sẽ càng tốt cho việc chẩn đoán các tác động của bệnh lên hệ thần kinh và hành vi của người bệnh.

- Tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bạn cần hoàn thành đợt điều trị bằng thuốc một cách đầy đủ.

- Đi khám bệnh đúng lịch, bao gồm cả khám bác sĩ và chụp CT, MRI kể cả khi việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, để chắc chắn rằng bạn đã khỏi bệnh hoàn toàn. 

Tác giả: Yến Anh