Những điều cần biết khi chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân ung thư thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết khi chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân ung thư thực quản
Tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi trong điều trị ung thư thực quản. Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất là các vấn đề liên quan đến răng miệng. Việc khắc phục những vấn đề răng miệng giúp bệnh nhân ung thư thực quản phục hồi tốt hơn và cảm thấy khỏe mạnh hơn.

Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể giúp hạn chế tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Đặc biệt là với bệnh nhân ung thư thực quản, vấn đề răng miệng phải được quan tâm hàng đầu.

Vậy bệnh nhân ung thư thực quản cần lưu ý những vấn đề nào khi chăm sóc răng miệng? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau bạn nhé!

1. Tạo thói quen ăn uống tốt cho bệnh nhân ung thư thực quản

Việc ăn uống có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc răng miệng của bệnh nhân ung thư thực quản. Xây dựng được thói quen ăn uống tốt sẽ giúp bệnh nhân hạn chế tác dụng phụ từ điều trị. Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ răng miệng, bệnh nhân cần chú ý những vấn đề sau:

- Lựa chọn và chế biến thực phẩm thành những món ăn mềm, dễ nhai và nuốt.

- Ăn chậm, nhai kĩ và chia thức ăn thành từ miếng nhỏ trước khi ăn.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu đạm, vitamin và khoáng chất. Bệnh nhân nên bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả, thịt trứng, sữa vào bữa ăn hàng ngày. Chúng không chỉ giúp tăng cường đề kháng mà còn giúp chống lại hiện tượng nhiễm trùng trong khoang miệng.  

- Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Lượng nước được khuyến nghị là từ 2 đến 2,5 lít/ ngày. Bệnh nhân có thể chia thành nhiều lần uống với từng ngụm nhỏ cho mỗi lần.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khoẻ răng miệng, bệnh nhân ung thư thực quản cũng cần tránh xa:

- Các món ăn có tính axit, cay, mặn hoặc quá khô có thể gây kích ứng khoang miệng. Đồng thời, các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh cũng không được khuyến khích cho bệnh nhân.

- Các loại thức ăn có cạnh sắc hoặc giòn bởi chúng có thể gây tổn thương cho khoang miệng. 

- Thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt... Bởi việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm nhiều đường có thể gây sâu răng.

- Các sản phẩm thuốc lá.

- Các loại đồ uống có cồn.

2. Chăm sóc răng miệng hàng ngày 

Tự chăm sóc sức khoẻ răng miệng là công việc bắt buộc của bệnh nhân ung thư thực quản. Để giữ khoang miệng luôn sạch sẽ, bệnh nhân có thể áp dụng các mẹo nhỏ sau:

- Tự kiểm tra khoang miệng và lưỡi hàng ngày: Kiểm tra khoang miệng có thể bệnh nhân phát hiện các dấu hiệu bất thường như vết loét miệng, sưng đỏ, chảy máu… Đặc biệt là sự xuất hiện của các mảng trắng bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

- Chải răng 2 lần/ ngày: Thời gian chải răng được khuyến nghị chung là trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.

- Lựa chọn kem đánh răng và bàn chải đánh răng: Việc chải răng với kem đánh răng có chứa fluoride sẽ giúp răng miệng luôn sạch và ngăn ngừa sâu răng. Bệnh nhân cũng cần tránh lựa chọn những loại chải quá cứng hoặc có kích thước không phù hợp.

Nếu thấy đau ở khoang miệng, bệnh nhân có thể ngâm bàn chải vào nước ấm trước khi sử dụng. Ngoài ra, bàn chải cũng phải được thay mới định kỳ sau một thời gian sử dụng.

- Làm ẩm khoang miệng: Khoang miệng được làm ẩm tự nhiên bằng cách uống nhiều nước hoặc ăn kẹo gum không đường. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng các dung dịch làm ẩm khoang miệng chuyên dụng.

- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các loại nước súc miệng: Thời gian súc miệng được khuyến nghị là sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Bệnh nhân cũng có thể súc miệng nhiều lần trong ngày nếu bên trong khoang miệng có vết thương. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tránh các loại nước súc  miệng có cồn để tránh khô và kích ứng miệng.

- Sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng thông thường: Chỉ nha khoa sẽ giúp loại bỏ thức ăn thừa tốt và an toàn hơn so với tăm xỉa răng.  

3. Thăm khám nha khoa định kỳ trong thời gian điều trị ung thư thực quản

Việc khám nha khoa nên được tiến hành cả trước và trong quá trình điều trị ung thư thực quản. Trước điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về cách giảm thiểu tác động của điều trị. Bởi hóa trị hoặc xạ trị có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc chảy máu ở răng miệng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được làm sạch răng và khoang miệng trước khi điều trị bắt đầu.

Trong quá trình điều trị, việc thăm khám nha khoa vẫn cần được tiến hành thường xuyên. Điều này sẽ giúp bác sĩ theo dõi những thảy đổi và các dấu hiệu bất thường trong khoang miệng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được điều trị nha khoa cùng lúc với ung thư thực quản.

Việc tự chăm sóc sức khoẻ có vai trò quan trọng trong giảm thiểu tác dụng phụ của điều trị. Vì vậy, hãy chăm sóc sức khoẻ răng miệng của thật tốt trong suốt thời gian điều trị ung thư thực quản nhé!


Tác giả: Thùy Dung