Những điều cần biết để bổ sung sắt đúng cách

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết để bổ sung sắt đúng cách
Sắt là một trong những khoáng chất quan trọng với sức khỏe con người. Thiếu sắt khiến cơ thể không thể tạo ra huyết sắc tố và bạn có thể bị thiếu máu. Bổ sung sắt bằng đường uống sẽ giúp tăng mức độ sắt và huyết sắc tố trong cơ thể.

1. Ai cần bổ sung sắt?

- Những người có triệu chứng thiếu máu như: mệt mỏi, xanh xao, khó thở, tim đập nhanh, đau đầu, chóng mắt, ớn lạnh, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

- Những người trên 65 tuổi.

- Người có chế độ ăn nghèo chất sắt.

- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú cần tăng nhu cầu sắt để nuôi con. Phụ nữ có kỳ kinh kéo dài, lượng kinh nguyệt nhiều.

- Người bị thương, bị mất máu sau phẫu thuật.

- Những người đang dùng thuốc làm loãng máu như aspirin, Plavix, Coumadin® hoặc heparin.

- Mắc các chứng bệnh ảnh hưởng đến quá trình tạo hồng cầu như: suy thận, ung thư, kém hấp thụ sắt,...

2. Lượng sắt khuyến nghị hàng ngày

Dựa và lượng sắt khuyến nghị hàng ngày mà mọi người có thể tính toán và bổ sung sắt hợp lý, phù hợp với bản thân:

- Trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng: 0,27 miligam (mg)

- Trẻ từ 7 - 12 tháng: 11 mg

- Trẻ 1 - 3 tuổi: 7 mg

- Trẻ 4 - 8 tuổi: 10 mg

- Nam giới 9 đến 13 tuổi: 8 mg

- Nam giới 14 đến 18 tuổi: 11 mg

- Nam giới 19 tuổi trở lên: 8 mg

- Nữ giới 9 đến 13 tuổi: 8 mg

- Nữ giới 14 đến 18 tuổi: 15 mg

- Nữ giới 19 đến 50 tuổi: 18 mg

- Phụ nữ 51 tuổi trở lên: 8 mg

- Phụ nữ mang thai: 27 mg

- Phụ nữ cho con bú: 10mg.

3. Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách

3.1. Thời gian bổ sung sắt

- Đa phần các thuốc bổ sung sắt dạng muối sắt hóa trị II như sắt II Sulfate, sắt II Fumarate, Sắt II Gluconate… nên được uống vào lúc đói bụng để cơ thể hấp thụ tốt hơn. Tốt nhất là uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Đối với những người hay bị kích ứng ruột, dễ buồn nôn và nôn thì có thể uống thuốc bổ sung sắt sau khi ăn 1 bữa nhẹ. 

- Nếu thuốc bổ sung sắt dạng muối sắt hóa trị III thì nên uống khi no bụng, hoặc uống trong bữa ăn để cơ thể hấp thụ tốt nhất.

- Không nên bổ sung sắt vào buổi tối, vì có thể gây nóng trong, ngủ không ngon giấc.

3.2. Lưu ý khi bổ sung sắt cùng các thuốc khác

Cần lưu ý tương tác giữa sắt với các thuốc hoặc khoáng chất khác. 

- Không nên uống bổ sung sắt cùng với canxi, bởi canxi có thể làm cản trở quá trình hấp thụ sắt của cơ thể. Canxi và sắt nên uống cách nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ.

- Sắt có thể làm giảm tác dụng của các thuốc kháng sinh như ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin.

- Các thuốc antacid trị viêm loét dạ dày - tá tràng như magnesi trisilicat, natri carbonat và calci carbonat có thể ức chế sự hấp thu sắt của cơ thể.

- Không uống bổ sung sắt cùng lúc với tetracylin sẽ làm giảm tác dụng của cả 2, do sắt có thể chelat hóa với tetracylin.

- Nên bổ sung sắt cùng với vitamin C bởi vitamin C hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt, cải thiện triệu chứng táo bón do sắt gây ra.

3.3. Lưu ý khi sử dụng sắt cùng các thực phẩm khác

- Tránh uống trà, cà phê và những đồ uống có chứa chất tanin như rượu vang đỏ, bia, nước ép táo, nước quả mọng,... trong vòng 2 giờ trước và sau khi bổ sung sắt.

- Các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, hải sản cũng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.

- Nên tăng cường uống nước ép cam, nước ép bưởi, các loại nước uống giàu vitamin C khi bổ sung sắt.

Bổ sung sắt bằng thực phẩm bao giờ cũng hiệu quả và an toàn hơn sử dụng thuốc. Bạn có thể tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, gan động vật, hải sản, củ dền, rau ngót, quả đu đủ,.....

Khi bổ sung sắt, cần tuân theo sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ để đảm bảo an toàn. Khi gặp các tác dụng phụ như nóng trong, nổi mụn hoặc mẩn đỏ, táo bón cần thông báo ngay cho bác sĩ để bác sĩ đổi thuốc hoặc có những điều chỉnh thích hợp.


Tác giả: Mai Nhung