Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi là COPD) là một bệnh lý đường hô hấp rất phổ biến trên thực tế đặc trưng bởi sự tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ trong phổi kéo dài và không hồi phục hoàn toàn. Cơ chế này là nguyên nhân chính gây nên các biểu hiện đặc trưng của bệnh bao gồm ho khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức và sự rối loạn thông khí phổi.
Trên thực tế, để chẩn đoán COPD thì bác sĩ sẽ cần phải dựa vào rất nhiều các yếu tố khác nhau bao gồm cả các tiền sử y tế, các triệu chứng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân.
Tiền sử là một trong các yếu tố quan trọng giúp bác sĩ có thể định hướng chẩn đoán tới COPD khi thăm khám cho người bệnh.
Những yếu tố nguy cơ trong tiền sử y tế có thể gợi ý đến một chẩn đoán COPD kể đến như:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá thường xuyên và kéo dài được cho là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đễn COPD trên thực tế. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, khoảng thời gian để COPD có thể xuất hiện là khoảng 10 năm hút thuốc kéo dài. Và hút thuốc lá ở đây không chỉ là hút thuốc lá chủ động mà còn bao gồm cả hút thuốc lá bị động (hít, ngửi phải khói thuốc ở phụ nữ và trẻ em).
- Ô nhiễm môi trường: Người sống và làm việc kéo dài trong các môi trường ô nhiễm, khói bụi,... cũng sẽ là yếu tố gợi ý chẩn đoán COPD quan trọng khi bệnh nhân đến thăm khám với các triệu chứng điển hình của bệnh.
- Tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài: Chẩn đoán COPD còn có thể sẽ được nghĩ đến khi bệnh nhân mắc các viêm nhiễm đường hô hấp thường xuyên hoặc kéo dài. Những tổn thương liên tục và kéo dài tại cây phế quản có thể là điều kiện thích hợp cho COPD phát triển.
- Người có yếu tố cơ địa nguy cơ: Một số các yếu tố liên quan đến cơ địa như tuổi (trung niên trở lên), mắc hen phế quản phát hiện đã lâu, trong gia đình có người mắc COPD,... đều là những yếu tố quan trọng trong gợi ý chẩn đoán COPD.
Vì vậy, để giúp cho việc chẩn đoán COPD được diễn ra chính xác hơn thì người bệnh cần trung thực khai báo đầy đủ và chính xác các tiền sử y tế mà bản thân đã có để giúp quá trình chẩn đoán COPD diễn ra thuận lợi và chính xác hơn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh mãn tính và quá trình tiến triển cả nó diễn ra một cách âm thầm với những triệu chứng nặng dần lên theo thời gian. Chính điều này đôi khi đã khiến cho bệnh nhân bỏ sót các triệu chứng của bệnh khi chúng còn mờ nhạt trên thực tế và chỉ biểu hiện rõ khi tình trạng bệnh đã nặng. Vì thế, để chẩn đoán COPD từ giai đoạn sớm chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người bệnh là điều khá khó khăn.
Một số các biểu hiện lâm sàng thường gặp trong chẩn đoán COPD:
- Khó thở: Khó thở là triệu chứng điển hình của COPD trên thực tế. Khó thở ở bệnh nhân COPD nhìn chung có một số các đặc điểm như khó thở chỉ khi bệnh nhân thở ra (cũng có thể khó thở cả hai thì nếu bệnh ở mức độ nặng) và thường tăng lên khi bệnh nhân gắng sức, kèm theo đó là cảm giác nặng ngực, người bệnh phải cố sức để thở hoặc phải ngồi dậy để thở nếu khó thở nhiều.
- Ho kéo dài: Bên cạnh khó thở, ho kéo dài cũng là một triệu chứng hết sức quan trọng trong chẩn đoán COPD, đôi khi ho kéo dài còn là triệu chứng xuất hiện đầu tiên của bệnh. Tình trạng ho mãn tính của bệnh nhân có thể diễn ra ngắt quãng nhưng cũng có thể xảy ra hằng ngày, và ho cũng có thể là ho ít hoặc ho nhiều thay đổi tùy theo bệnh nhân.
- Khạc đờm: Ở bệnh nhân COPD thì triệu chứng đi kèm ho là khạc đờm cũng có giá trị rất lớn trong chẩn đoán bệnh. Người bệnh thường có tình trạng khạc đờm đi kèm với ho mãn tính và đờm thường xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng. Lúc đầu số lượng đờm có thể ít, nhưng sau đó do thì số lượng đờm của bệnh nhân ngày càng tăng dần và khiến bệnh nhân phải khạc nhiều hơn với số lượng đờm tăng dần.
Như đã nói, để chẩn đoán COPD trên thực tế thì bác sĩ sẽ phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó các kết quả xét nghiệm luôn đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh và tầm soát bệnh ngay từ giai đoạn sớm.
Một số xét nghiệm trong chẩn đoán COPD:
Đo chức năng thông khí là một trong các xét nghiệm cơ bản nhất và có giá trị hàng đầu trong chẩn đoán COPD. Xét nghiệm đo chức năng thông khí có các ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán COPD, theo dõi tiến triển, đánh giá đáp ứng điều trị và giúp ích cho việc tiên lượng bệnh nhân.
Để thực hiện kiểm tra này, bệnh nhân sẽ được cho hít vào hết sức sau đó cho thở nhanh qua ống gắn vào máy đo chuyên dụng. Máy đo sẽ ghi nhận một số thông số khác nhau để đánh giá sự thông khí phổi của người bệnh. Hai chỉ số quan trọng nhất trong đánh giá chẩn đoán COPD là chỉ số dung tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên (FEV1) và dung tích sống (FVC).
Tuy nhiên, COPD không chỉ là nguyên nhân duy nhất gây giảm thông khí mãn tính ở người bệnh, tình trạng này còn gặp ở trên bệnh nhân hen. Vì thế, để phân biệt hai bệnh này người ta thường cho bệnh nhân thực hiện đo chức năng thông khi sau khi đã được cho sử dụng thuốc giãn phế quản trước đó. Nếu chức năng thông khí của người bệnh cải thiện nhỏ hơn 15% sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản thì chứng tỏ sự tắc nghẽn thông khí đáp ứng kém với thuốc giãn phế quản và người bệnh bị COPD.
Bởi bệnh nhân có thể phải thực hiện một số động tác gắng sức khi thực hiện đo chức năng thông khí, vì thế thường thì xét nghiệm này chỉ được thực hiện khi tình trạng khó thở của bệnh nhân đã ổn định, không còn ở trong đợt diễn tiến cấp tính của bệnh.
Trong chẩn đoán COPD thì các kết quả hình ảnh học bao gồm X-Quang và CT-Scan có giá trị rất lớn. Trên kết quả X-Quang và CT-Scan, bác sĩ sẽ đánh giá các cấu trúc khác nhau bao gồm tình trạng phổi, tim, các khoang gian sườn.
Những bất thường chính trên các xét nghiệm hình ảnh ở bệnh nhân COPD thường gặp là:
- Sự tăng sáng hai phế trường do tình trạng ứ khí, thành phế quản có thể dày lên do tình trạng tổn thương và viêm ở phế quản, đôi khi có thể gặp hình ảnh các kén khí trong phổi do sự vỡ thành các phế nang khiến các phế nang thông với nhau (kén khí có thể nhỏ hoặc lớn, đôi khi có thể đè lên cơ hoành làm cơ hoành lõm xuống trên hình ảnh phim X-Quang.
- Bóng tim nhỏ: Bình thường, bóng tim người trên phim X-Quang ngực có độ lớn bằng 0,5-0,55 kích thước lồng ngực. Tuy nhiên ở bệnh nhân COPD, do sự ứ khí ở phổi nên làm kích thước phổi lớn hơn, điều này khiến tim bị đè ép và trở nên nhỏ hơn, thõng xuống dưới. Tình trạng tim trở nên nhỏ và dài thõng xuống dưới ở bệnh nhân COPD còn được gọi là bóng tim hình giọt nước.
- Các khoang gian sườn giãn rộng: Do sự ứ khí ở phổi, trên phim chụp X-Quang và CT-Scan ta còn có thể thấy được hình ảnh các xương sườn nằm ngang hơn và các khoang gian sườn (khoảng trống giữa hai xương sườn trở nên rộng hơn.
Tuy rằng có giá trị lớn trong chẩn đoán COPD, nhưng chụp X-Quang và CT-Scan cũng có nhược điểm là bệnh nhân phải tiếp xúc với một lượng nhỏ phóng xạ trong quá trình chụp.
Đối với một bệnh nhân COPD, để hỗ trợ chẩn đoán thì bệnh nhân còn có thể được yêu cầu lấy một lượng nhỏ đờm để tiến hành xét nghiệm.
Xét nghiệm đờm vừa có thể giúp xác định được nguyên nhân khiến tình trạng bệnh của bệnh nhân trở nên cấp tính (nguyên nhân thúc đẩy COPD bước vào đợt cấp hay gặp nhất trên thực tế là tình trạng nhiễm trùng), hỗ trợ điều trị thông qua nuôi cấy đờm làm kháng sinh đồ và cũng là xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán phân biệt COPD với các bệnh lý tương tự đặc biệt là hen phế quản (xét nghiệm đờm trong hen phế quản có thể bắt gặp hình ảnh tinh thể Charcot Leyden còn trong COPD thì không có tinh thể này trong đờm).
Men 1-antitrypsin là một chất chống lại sự hoạt động của enzym elastase (một enzym tiêu hủy protein). Do đó, nếu một người thiếu 1-antitrypsin thì hoạt động enzym elastase sẽ không còn bị ức chế và nó sẽ tiêu hủy các cấu trúc có cấu tạo từ protein, trong đó có thành của các phế nang và có thể gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Do đó, nếu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xảy ra ở người trẻ tuổi, không có tiền sử hút thuốc lá hay tiếp xúc với ô nhiễm trong thời gian dài,... thì việc xét nghiệm 1-antitrypsin trong máu có thể là cần thiết để xác định nguyên nhân hỗ trợ chẩn đoán COPD và định hướng phương pháp điều trị thích hợp.
Các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ oxy máu trong chẩn đoán COPD như xét nghiệm khí máu động mạch, đo độ bão hòa oxy mao mạch,... có thể được thực hiện để đánh giá hiệu quả hô hấp của bệnh nhân. Phương pháp này giúp đánh giá xem tình trạng oxy mà bệnh nhân lấy được thông qua hô hấp có đủ để cung cấp cho cơ thể hay không và liệu bệnh nhân có cần phải sử dụng để các biện pháp khác nhau để hỗ trợ hô hấp hay không.
Ngoài những xét nghiệm chẩn đoán COPD như đã kể trên, người ta còn có thể thực hiện thêm một số các xét nghiệm khác nhau để phân biệt COPD với các bệnh khác hoặc chẩn đoán các biến chứng của COPD chẳng hạn như điện tim, siêu âm tim,...
Có thể thấy rằng, việc chẩn đoán COPD có thể được diễn ra chính xác từ rất sớm thậm chí từ các giai đoạn tiền COPD. Chính vì thế, những người có các yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến sự xuất hiện của COPD nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện tốt các thăm khám để chẩn đoán sớm bệnh, có biện pháp xử trí thích hợp và ngăn chặn bệnh tiến triển.