Những dấu hiệu thừa vitamin của cơ thể không nên bỏ qua

Những dấu hiệu thừa vitamin của cơ thể không nên bỏ qua
Thừa vitamin là tình trạng vitamin dự trữ trong cơ thể cao bất thường, có thể gây hại cho cơ thể. Thông thường, dư thừa vitamin bắt nguồn từ lượng thuốc bổ sung cao chứ không phải từ nguồn thực phẩm tự nhiên. Dấu hiệu thừa vitamin sẽ khác nhau, tùy thuộc cơ thể đang thừa loại nào.

1. Những dấu hiệu thừa vitamin

- Nước tiểu đục, đi tiểu thường xuyên, lượng nước tiểu tăng,.. là dấu hiệu thừa vitamin và cơ thể đang cố đào thải chúng qua đường nước tiểu.

- Khô và nứt nẻ môi.

- Kích ứng mắt, tăng độ nhạy cảm của mắt với ánh sáng.

- Tim đập loạn nhịp, nhịp tim không đều.

- Đau xương, cơ và khớp. Yếu cơ.

- Thay đổi tâm trạng, đầu óc kém minh mẫn.

- Mệt mỏi, cáu gắt, đau đầu, co giật, ngất xỉu.

- Da khô, nứt nẻ, đỏ hoặc phát ban. Màu da có thể thay đổi. Da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, dễ bị cháy nắng. 

- Rụng tóc.

- Chảy máu đường ruột.

- Ăn không ngon miệng, buồn nôn, ói mửa.

- Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, có thể đi ngoài ra máu.

- Giảm cân là dấu hiệu dư thừa vitamin kéo dài.

Dấu hiệu thừa vitamin sẽ phụ thuộc vào loại vitamin cơ thể đang dư thừa, lượng dư thừa là bao nhiêu. Nếu bạn có một trong những triệu chứng trên, và đang sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin. Hãy ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức, gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện để khám và xét nghiệm. 

2. Nguyên nhân 

Xuất hiện các dấu hiệu dư thừa vitamin thường được gây ra bởi việc bổ sung thuốc vitamin quá liều, hiếm khi được gây ra bởi thực phẩm. 

- Tự ý bổ sung vitamin mà không có chỉ định của bác sĩ.

- Bổ sung vitamin quá liều chỉ định, vượt mức đề xuất trên hướng dẫn sử dụng.

- Mất cân bằng trong ăn uống kéo dài, ăn thường xuyên 1 nhóm thực phẩm trong thời gian dài. Việc dư thừa vitamin do thực phẩm thường xảy ra đối với các loại vitamin tan trong dầu, là những vitamin bền vững, có thể được lưu trữ lâu dài trong mô mỡ và gan.

3. Phòng tránh

- Không tự ý bổ sung vitamin mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu cần bổ sung vitamin cần xin ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng, và phải dùng đúng liều lượng được khuyến cáo.

- Không sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc bổ sung vitamin.

- Ăn uống cân bằng, đa dạng các nhóm chất, không ăn một vài món cố định trong thời gian dài.

- Ngưng sử dụng thuốc bổ sung vitamin, gọi ngay cho bác sĩ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu thừa vitamin, hoặc các triệu chứng bất thường.

4. Khắc phục tình trạng thừa vitamin

- Với tình trạng có dấu hiệu thừa vitamin nhẹ, cấp tính thì có thể chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân nên tăng cường uống nhiều nước để tăng đào thải vitamin dư thừa.

- Tạm ngừng sử dụng thuốc bổ sung vitamin ngay khi xuất hiện dấu hiệu thừa vitamin. Trong nhiều trường hợp, có thể cần phải kiêng những thực phẩm giàu nhóm vitamin đang bị dư thừa.

- Khi có dấu hiệu thừa vitamin nặng, cơ thể bị ngộ độc, hệ thần kinh bị ảnh hưởng thì cần gọi cấp cứu. Cần chuẩn bị sẵn các thông tin như tuổi, cân nặng và tình trạng của bệnh nhân, tên của sản phẩm thuốc bổ sung vitamin, thời gian và số lượng thuốc đã uống,.... để cung cấp cho nhân viên y tế, nhằm giúp việc cấp cứu diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

- Với tình trạng có dấu hiệu thừa vitamin nặng, phải điều trị tại bệnh viện, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang, điện tâm đồ để đánh giá tình trạng. Các phương pháp điều trị thừa vitamin thường là truyền tĩnh mạch, đặt ống xông từ mũi vào dạ dày, thuốc loại bỏ vitamin khỏi cơ thể, truyền máu để tăng trao đổi chất trong cơ thể,... Nhưng phổ biến nhất vẫn là sử dụng thuốc để chữa trị triệu chứng, dấu hiệu thừa vitamin.

Việc bổ sung dư thừa vitamin có nhiều tác hại nguy hiểm không thua kém so với thiếu vitamin. Mọi người cần nắm rõ và nhận biết sớm những dấu hiệu thừa vitamin của cơ thể để có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Nguồn dịch: https://en.wikipedia.org/wiki/Hypervitaminosis

Tác giả: Mai Nhung