Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cũng có thể tấn công đến hệ thần kinh, gây ra viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần nhận biết sớm các dấu hiện của bệnh chân tay miệng để kịp thời điều trị.
Bệnh tay chân miệng thường có thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Sau thời gian này, các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân. Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ban đầu thường là sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), đau đầu kèm theo mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, nôn mửa,... Ban đầu, trẻ bị sốt có thể kèm theo các đốm nhỏ li ti trong họng có thể gây nhầm lẫn với sốt viêm họng.
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng có thể quan sát bằng mắt thường (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như đau lỗ tai, đau họng, xuất hiện các vết loét ở lợi, niêm mạc họng, chảy máu chân răng gây đau rát,...
Bên cạnh đó, bệnh có thể dễ dàng nhận biết thông qua các nốt mụn nước, mụn lở và phồng rộp trên tay, chân, miệng, lưỡi, má, nhiều trường hợp còn phát hiện ở mông hoặc cơ quan sinh dục. Phát ban có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân nhưng thường không gây ngứa.
Một dấu hiệu của bệnh tay chân miệng khác là trẻ bị tiêu chảy.
- Trẻ quấy khóc liên tục, dai dẳng: Trẻ bị tay chân miệng có thể quấy khóc liên tục, thậm chí cả đêm không ngủ hoặc khóc dai dẳng thành từng cơn kéo dài 15-20 phút. Đây không chỉ là do những cơn đau và cảm giác khó chịu của bệnh gây nên mà còn là những dấu hiệu sớm của tình trạng nhiễm độc hệ thần kinh.
Trẻ liên tục quấy khóc là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng khi trở nặng (Ảnh: Internet)
- Sốt cao liên tục không có dấu hiệu hạ nhiệt: Đây là một dấu hiệu của bệnh tay chân miệng khi trở nặng. Khi trẻ liên tục sốt cao trên 38,5 độ, không đáp ứng thuốc hạ sốt paracetamol tức là quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây ra các tổn thương đến hệ thần kinh. Trong trường hợp này, cần sử dụng các loại thuốc chứa Ibuprofen để hạ sốt cho cơ thể.
Khi trẻ bị tay chân miệng sốt cao liên tục cần đưa tới gặp bác sĩ (Ảnh: Internet)
- Giật mình: Trẻ mắc bệnh thường xuyên bị giật mình trong lúc ngủ, lúc vui chơi và tần suất tăng dần theo thời gian là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng đang trở nặng. Do virus gây ra bệnh chân tay miệng có khả năng tấn công hệ thần kinh nên cần hết sức lưu ý các biểu hiện bất thường trong sinh hoạt và vận động của trẻ đang mắc tay chân miệng. Khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để kiểm tra càng sớm càng tốt.