Đau thần kinh tọa là căn bệnh phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người lại nhầm lẫn bệnh này với bệnh đau lưng thông thường và chủ quan, coi thường bệnh. Dưới đây là những dấu hiệu của bệnh đau thần kinh tọa bạn nên nhận biết để xác định bệnh và chữa trị kịp thời.
Đau thần kinh tọa là một hội chứng thần kinh với đặc điểm là đau dọc theo lộ trình dây thần kinh tọa (hay còn gọi là dây hông to) và các nhánh của nó.Bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 30 đến 60, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ giới.
Đau thần kinh tọa do rất nhiều nguyên nhân gây ra nhưng thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng là nguyên nhân hay gặp nhất. Những người mắc phải các bệnh sau cũng có nguy cơ bị đau thần kinh tọa: viêm nhiễm tại chỗ hoặc vùng lân cận (nhiễm lạnh, nhiễm trùng: giang mai, nhiễm virus herpes, HIV CMV virus, nhiễm độc chì, bệnh lý đái tháo đường); viêm cơ tháp vùng chậu (thường gặp ở các vận động viên chơi thể thao khi thực hiện các động tác sai tư thế); hội chứng hẹp ống sống (hay gặp ở người già); hội chứng viêm mặt nhỏ của khớp cột sống do vận động mạnh hoặc sai tư thế gây chệch khớp cột sống.
Đau thần kinh tọa chủ yếu là do thóa vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (nguồn: Internet)
Ngoài ra, người bị chấn thương cột sống thắt lưng như trượt đốt sống, gẫy đốt sống cũng sẽ gây chèn ép rễ dây thần kinh tọa. Các nguyên nhân trong ống sống như: u tủy, u màng não tủy, u dây thần kinh tủy (neurinoma), u mỡ vùng tủy, viêm màng nhện tủy khu trú, áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng cũng là nguyên nhân gây bệnh thần kinh tọa. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân hiếm gặp (đôi khi chỉ chẩn đoán được trong cuộc mổ như: khó chẩn đoán như dãn tĩnh mạch quanh rễ, phì đại dây chằng vàng, rễ Thần kinh L5 và S1 to hơn bình thường.
Đau dây thần kinh tọa biểu hiện đặc trưng bằng cảm giác đau lan dọc xuống phía đùi theo rễ thần kinh lưng 5 (L5) và rễ thần kinh sống 1 (S1).
Nếu rễ thần kinh L5 bị tổn thương thì người bệnh sẽ có hiện tượng đau dọc từ lưng eo phía ngoài xuống ngoài động mạch cẳng chân và tới tận ngón chân út. Nếu rễ thần kinh S1 bị tổn thương thì đau dọc ra phía sau mông, thẳng xuống sau đùi, sau bắp cẳng chân tới phía ngoài bàn chân. Đau thần kinh tọa thường ở một bên chân.
Trong trường hợp đau nhẹ, người bệnh vẫn đi lại, làm việc bình thường. Nếu hoạt động nhiều trong một ngày, đau có thể tái phát. Nếu đau nhiều thì khi dẫm mạnh chân xuống đất, ho mạnh, hắt hơi, đi đại tiện rặn cũng đau.
Người mắc bệnh đau thần kinh tọa thường bị đau nhiều ở một bên chân (nguồn: Internet)
Khi bị đau thần kinh tọa, bạn nên đi khám chuyên khoa nội thần kinh hoặc xương khớp để được chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp.
Tổng hợp