Mangan là một nguyên tố tự nhiên và một chất dinh dưỡng thiết yếu. Mangan rất cần thiết với mỗi chúng ta, mặc dù nó có thể gây ngộ độc với hàm lượng cao. Mangan đóng vai trò quan trọng, giúp cơ thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau, ví dụ như: Mangan là thành phần cần thiết của một số enzyme quan trọng trong cơ thể bạn có tác dụng xử lý carbohydrate, axit amin và cholesterol. Mangan cũng rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của xương và sụn.
Ngoài ra, mangan có trong enzyme cung cấp một axit amin gọi là proline. Proline là cần thiết cho việc sản xuất collagen trong các tế bào da của bạn. Sự hình thành collagen là điều cần thiết để chữa lành vết thương.
Chính vì mangan có vai trò quan trọng như vậy, nên nếu cơ thể thiếu mangan sẽ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng.
Theo nghiên cứu, mangan được tìm thấy nhiều trong thực phẩm và chế độ ăn uống hằng ngày của chúng ta nên thiếu mangan hầu như ít xảy ra. Tuy nhiên, khi cơ thể có những dấu hiệu sau thì nên xem xét và chú ý. Dấu hiệu thiếu mangan gồm:
- Xương kém phát triển hoặc thiếu xương
- Khả năng tăng trưởng chậm, cơ thể suy yếu
- Khó khăn trong việc sinh sản
- Có sự chuyển hóa bất thường của carbohydrate và chất béo
- Khả năng dung nạp glucose yếu.
Thiếu mangan có thể do trong chế độ ăn uống của bạn không có đủ mangan. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, sự thiếu hụt mangan do chế độ ăn uống hầu như không xảy ra ở những người khỏe mạnh. Những đối tượng sau có thể bị thiếu mangan:
- Người bị động kinh
- Người bị loãng xương
- Người bị bệnh tiểu đường
- Những người đang chạy thận nhân tạo
- Trẻ em mắc bệnh Perthes (Perthes là tình trạng hoạt tử một phần hoặc toàn bộ chỏm xương đùi do thiếu hụt cấp máu tạm thời)
- Trẻ em bị phenylketon niệu (một rối loạn di truyền trong đó nồng độ phenylalanine trong máu tăng cao).
Khi bị thiếu mangan, bác sĩ sẽ có hướng điều trị tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ khác nhau của mỗi cá nhân. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống bổ sung, giúp tăng hàm lượng mangan trong cơ thể bạn. Ngoài ra, nếu như chưa quá nghiêm trọng, chúng ta có thể bổ sung qua thực phẩm hằng ngày, như:
- Các loại hạt, chẳng hạn như hạnh nhân và hồ đào
- Các loại đậu
- Bột yến mạch
- Bánh mì
- Gạo lứt
- Rau xanh như rau bina
- Các loại trái cây khác nhau như dứa,...
- Socola đen
Lưu ý: Những thực phẩm giàu sắt có thể làm giảm khả năng hấp thụ mangan trong cơ thể bạn. Canxi và phốt pho cũng vậy, nhưng hàm lượng ít hơn sắt, nên cần chú ý để bổ sung phù hợp nhất.
Thiếu mangan có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Thừa mangan cũng vậy, nó có thể gây ngộ độc nếu hàm lượng quá nhiều trong cơ thể. Chính vì vậy, điều cần thiết là bạn phải hiểu được hàm lượng khuyến cáo của từng đối tượng để từ đó có một chế độ ăn uống cũng như bổ sung hợp lý nhất, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
Khi nhận thấy có những dấu hiệu nguy hiểm, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn khám và điều trị một cách chính xác nhất, tránh để những hậu quả nghiêm trọng không lường trước được. Ngoài ra, nên chú ý bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng nói chung và giàu mangan nói riêng để bổ sung mangan cho cơ thể, tránh để thiếu mangan. Hãy luôn chú ý bảo vệ sức khỏe của chính bạn cũng như những người xung quanh, tránh để cơ thể thiếu hụt bất kỳ khoáng chất dinh dưỡng thiết yếu nào của cơ thể.
Nguồn: https://www.healthline.com/health/manganese-deficiency