Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây ra. Đối tượng mắc bệnh sởi là người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa tiêm chủng đầy đủ và chưa từng mắc bệnh, phổ biến nhất là trẻ em dưới 15 tuổi. Nhiệt độ thay đổi kết hợp với độ ẩm không khí thấp là điều kiện lí tưởng để virus sởi lây lan mạnh mẽ.
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp (Ảnh: Internet)
>>> Xem chi tiết: Bệnh sởi là gì?
Virus sởi lây lan trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Khi người không mắc bệnh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng của bệnh nhân hoặc hít phải virus sởi được phát tán trong không khí. Virus sởi có tốc độ lây truyền rất nhanh trong không khí. Sau khi nhiễm virus gây bệnh khoảng 1 tuần, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bệnh sởi đầu tiên.
Dấu hiệu bệnh sởi đầu tiên thường là sốt cao trên 39 độ liên tục trong khoảng 3 ngày. Kèm theo đó là các triệu chứng như ho (ho khan, ho đờm hoặc khản tiếng), viêm mũi, hắt hơi, viêm kết mạc (có dử mắt), rối loạn tiêu hoá,...
Dấu hiệu bệnh sởi đầu tiên thường là sốt cao kèm theo ho, chảy mũi, hắt hơi,... (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, những hạt nhỏ nổi lên trên niêm mạc má có kích thước khoảng 1 mi-li-mét cũng là một dấy hiệu bệnh sởi dễ quan sát khi trẻ há miệng to. Các hạt nhỏ này thường có màu xám hoặc trắng, nằm ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất và thường biến mất sau khoảng 12 đến 18 giờ.
Phát ban là dấu hiệu sởi dễ nhận biết (Ảnh: Internet)
Phát ban là dấu hiệu sởi dễ nhận biết. Sau khoảng 3 đến 4 ngày sốt, các nốt phát ban thường bắt đầu xuất hiện. Phát ban do sởi thường có màu hồng nhạt, kết dính lại thành khối đan xen giữa những khoảng da lành, nằm rải rác hoặc dày đặc, có thể không gây ngứa. Phát ban thường bắt đầu mọc từ tai, lan dần sang hai bên má, cổ, ngực, tay, lưng, chân rồi lan ra toàn thân.
Phát ban do sởi thường xuất phát từ tai, lan sang má, ngực, cổ,... (Ảnh: Internet)
Bệnh nhân sởi thường có ban dạng sần (một số trường hợp là dạng nhẵn). Phát ban xuất hiện và mất đi lần lượt sau khoảng 3 - 4 ngày, khi bay đi sẽ để lại vết thâm còn được gọi là "vằn da hổ" hoặc bong vảy nhẹ. Sau khoảng 1 tuần, các vết thâm này dần biến mất
Bên cạnh các dấu hiệu bệnh sởi đặc trưng, người nhiễm virus sởi cũng thường có dấu hiệu kém ăn, mệt mỏi do bệnh nhân bị mất sức khá nhiều. Khi được điều trị đúng cách, các dấu hiệu trên sẽ dần mất đi, bệnh nhân có thể hồi sức và trở lại sinh hoạt thường ngày.
Mệt mỏi, chán ăn cũng là một dấu hiệu bệnh sởi thường gặp (Ảnh: Internet)
Việc phát hiện và chuẩn đoán sớm các dấu hiệu bệnh sởi sẽ hỗ trợ tích cực đến quá trình điều trị bệnh và thời gian phục hồi của bệnh nhân. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến dưới đã có đủ nhân lực và trang thiết bị để chuẩn đoán bệnh. Không nên đưa trẻ tới khám ở các bệnh viện tuyến trên (nơi có các ca mắc sởi nặng) để đề phòng lây nhiễm chéo.
Tổng hợp