Những câu hỏi thường gặp về virus HPV

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Những câu hỏi thường gặp về virus HPV
Tiêm phòng vaxin chống virus HPV là điều cần thiết để bảo vệ phụ nữ khỏi nỗi ám ảnh của căn bệnh ung thư cổ tử cung


Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ung thư phụ khoa nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ do virus HPV gây ra. Tại Việt Nam, các báo cáo ước tính cứ với 100.000 phụ nữ thì có đến 20 người bị mắc ung thư cổ tử cung và có 11 ca tử vong.

Ngày nay, nền y học hiện đại phát triển hơn, tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung đã lên đến 90% nếu như được phát hiện sớm. Trái lại nếu như phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn.

Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến virus HPV:

1. HPV là gì?

HPV là từ viết tắt của một loại virus gây u nhú ở người và có thể gây ra viêm nhiễm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể (cơ quan sinh dục nam - nữ, da, mặt, môi, miệng,...). Y học đã thống kê có đến hơn 100 loại của HPV. Chúng được chia ra thành 2 nhóm, đó là nhóm có khả năng gây ung thư (nguy cơ cao) và nhớm không gây ung thư (nguy cơ thấp).

2. Đối tượng nào có nguy cơ bị nhiễm virus HPV?

Người ta chia đối tượng có nguy cơ nhiễm HPV thành 2 nhóm dựa vào yếu tố nguy cơ, cụ thể:

- Nhóm có hệ thống miễn dịch kém: Nhóm người có hệ thống miễn dịch kém do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như thể miễn dịch suy giảm ở người nhiễm HIV hay nhóm đang sử dụng các chất ức chế miễn dịch trong thuốc,... đều có nguy cơ mắc HPV với tỷ lệ cao hơn.

- Nhóm có nhiều bạn tình: Các nhà khoa học đã tìm ra mối tương quan giữa khả năng nhiễm HPV và số lượng bạn tình. Nghĩa là, một người có số lượng bạn tình càng nhiều thì khả năng nhiễm HPV càng cao. Hoặc trường hợp có quan hệ tình dục với một người nhưng người này lại có nhiều bạn tình cũng làm tăng khả năng nhiễm HPV. 

Một lưu ý nữa đó là dù sử dụng bao cao su nhưng bao cao su không thể phòng chống HPV lây nhiễm 100%.

3. HPV lây truyền bằng cách nào?

Nhiễm HPV là bệnh rất phổ biến ở cả 2 giới. Bệnh có thể lây truyền thông qua tiếp xúc da với da ở vùng sinh dục hoặc lây truyền từ mẹ sang còn (hiếm khi gặp) hay sử dụng chung đồ chơi tình dục. Chú ý rằng, HPV không thể lây nhiễm thông qua tay nắm cửa hay nắp bồn cầu nhà vệ sinh.

4. Các triệu chứng hoặc biểu hiện của việc bị nhiễm HPV là gì?

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm HPV đều không có biểu hiện hay triệu chứng đặc trưng. Một vài biểu hiện quan sát được đó là mọc mụn cóc ở vùng sinh dục hay các bộ phận khác của cơ thể. 

5. Nhiễm HPV có thể chữa trị được không?

Hiện nay chúng ta không thể chữa trị được bản thân virus tuy nhiên thì hầu hết các ca nhiễm HPV (90%) tự hết mà không cần bất cứ một liệu pháp điều trị nào. Mặc dù không thể can thiệp y tế để điều trị được bản thân virus HPV nhưng việc làm các xét nghiệm kiểm tra tế bào cổ tử cung (tầm soát ung thư cổ tử cung) thường xuyên có thể quan sát được các thay đổi ở cổ tử cung gây ra bởi nhiễm HPV.

Với những phương pháp điều trị thích hợp, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được việc các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư phát triển thành ung thư cổ tử cung.

6. HPV liên quan tới ung thư cổ tử cung như thế nào?

Một vài loại virus HPV có thể làm ảnh hưởng đến cổ tử cung và làm cho những tế bào thay đổi. May mắn rằng, có khoảng 90% ca nhiễm HPV thì virus tự biến mất và những tế bào quay trở về trạng thái bình thường.

Chỉ những sự nhiễm HPV kéo dài và không kịp thời phát hiện sẽ gây ra ung thư cổ tử cung. Trong đó riêng chủng HPV type 16 và type 18 gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung, trong khi đó HPV type 6 và type 11 gây ra khoảng 90% các ca mụn cóc sinh dục.


Tác giả: KP