Những câu hỏi thường gặp về bệnh cảm lạnh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những câu hỏi thường gặp về bệnh cảm lạnh
Cảm lạnh là căn bệnh dễ lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh cảm lạnh thường khiến người bệnh mệt mỏi, chảy nước mũi liên tục rất khó chịu.

Cảm lạnh là căn bệnh rất dễ lây nhiễm từ người này sang người khác. Bạn có thể bị nhiễm bệnh ngay cả khi tiếp xúc, chạm tay vào họ. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh cảm lạnh, việc tìm hiểu về bệnh cảm lạnh giúp bạn phòng tránh và bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn. 

1. Bệnh cảm lạnh chỉ bị vào mùa lạnh?

- Sai

Nhiều người hiểu lầm rằng thời tiết lạnh chính là nguyên nhân gây ra bệnh cúm, cảm. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Bạn chỉ bị bệnh khi dính phải virus cảm cúm.

Vào mùa đông, mọi người thường dễ bị bệnh cảm lạnh hơn vì đây là thời điểm chủng loại virus này phát triển mạnh mẽ nhất. Nhất là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Không chỉ vậy, vào mùa đông mọi người thường ở trong nhà, bởi vậy việc tiếp xúc với virus gây bệnh càng nhiều hơn. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bạn nên thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc sử dụng gel diệt khuẩn.

2. Trẻ bị cảm lạnh có nên sử dụng aspirin?

- Không nên

Khi trẻ bị cảm lạnh không được sử dụng aspirin. Bạn nên cho trẻ uống các loại khác như acetaminophen (Tylenol…, ibuprofen (Advil, Motrin...). Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần chú ý đảm bảo cho trẻ sử dụng đúng liều lượng và theo hướng dẫn. Tốt nhất, bạn nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé uống bất kỳ loại thuốc lạ nếu cảm thấy nghi ngờ.

3. Sốt, ho khan có phải dấu hiệu của bệnh cảm lạnh?

- Đúng

Mệt mỏi, sốt và ho khan có phải là biểu hiện của bệnh hay không thường rất được mọi người quan tâm. Các dấu hiệu của căn bệnh này bao gồm: sốt, vã mồ hôi, ho khan, chảy nước mũi, nhức đầu, chán ăn… Bên cạnh đó, một số người còn bị hắt hơi và đau họng…

Thông thường, bệnh sẽ giảm dần sau 1-2 tuần. Các triệu chứng kể trên cũng sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh phát triển nặng hơn và trở thành viêm phổi hay nhiễm khuẩn.

4. Sử dụng kháng sinh điều trị cảm lạnh có tốt không?

- Không nên tự ý dùng kháng sinh

Nhiều người thường cho rằng kháng sinh có tác dụng điều trị bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên thực tế chúng chỉ giúp làm giảm hiện tượng nhiễm khuẩn và không hề có tác dụng chữa cảm lạnh.

Một lưu ý là bạn không được tự ý sử dụng kháng sinh bởi chúng có thể gây kháng thuốc. Sử dụng kháng sinh thường gây ra số tác dụng phụ khác như ban đỏ, bệnh nấm hay tiêu chảy…

5. Buồn nôn và tiêu chảy là triệu chứng của bệnh cảm lạnh?

- Đúng

Khi bị cảm lạnh, cơ thể người bệnh sẽ trở nên yếu đi. Điều này khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi và gây nên hiện tượng buồn nôn. Người bị bệnh cảm lạnh thường có triệu chứng buồn nôn và dễ đi ngoài, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác cần đề phòng. 

6. Ngứa họng và sổ mũi có phải triệu chứng của bệnh cảm lạnh?

- Đúng

Cảm lạnh và cảm cúm đều có chung dấu hiệu là sổ mũi, khó chịu trong họng. Khi bị cảm lạnh, diễn biến của bệnh thường khá chậm. Bởi vậy, bạn sẽ không cảm thấy cơ thể mệt mỏi quá nhiều hay đau nhức cơ xương.

Trên đây là lời đáp của các câu hỏi về bệnh cảm lạnh. Đây là căn bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi, vào mùa đông. Để bảo vệ bản thân và giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn cần lưu ý áp dụng các phương pháp phòng ngừa cũng như giữ ấm cơ thể để tăng cường sức đề kháng.

Để phòng tránh cảm lạnh, bạn cần chú ý:

Vệ sinh mũi, miệng mỗi ngày bằng nước muối sinh lý

- Tăng cường thực phẩm có tác dụng chống lại oxy hóa, cải thiện hệ miễn dịch

- Rửa tay sạch mỗi ngày bằng xà phòng diệt khuẩn

- Sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng, phòng tránh bệnh truyền nhiễm


Tác giả: Lê Thọ Hưng