Trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm phòng chống những căn bệnh nguy hiểm sau.
Theo thông tin đăng tải trên báo Vnexpress, 10 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca sốt xuất huyết, gấp ba lần năm 2018. 50 người tử vong, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Vì vậy, người dân cần chú ý phòng bệnh bằng cách, loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm nhiễm mắt do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh rất dễ bùng thành dịch vào mùa mưa.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm... có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Thậm chí, viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây nhiều khó chịu cho người bệnh.
Để phòng chống bệnh đau mắt đỏ lây lan trên diện rộng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; không dùng chung khăn, gối, chậu rửa mặt.
Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều kết hợp với tình trạng ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh,...
Các triệu chứng bị cảm bao gồm: đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho,... Các triệu chứng nặng hơn thường gặp là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng, gây khó khăn cho việc điều trị.
Các căn bệnh về da dễ bùng phát vào mùa mưa. Nguyên nhân do mưa xuống ứ đọng, các chất thải khiến cho nước bị nhiễm bẩn, việc da tiếp xúc trực tiếp với các vi sinh vật gây hại có trong nước bẩn khiến da dễ bị viêm nhiễm, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa bao gồm: ghẻ, nước ăn chân, mề đay, mẩn ngứa…
Tiêu chảy cấp là bệnh lý rất hay gặp, nhất là trong những ngày mưa lũ. Nguyên nhân do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và thức ăn bị nhiễm khuẩn. Một số các căn bệnh như: tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) gây ra. Bệnh tiêu chảy rất dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.
Khuyến cáo phòng bệnh trong mùa mưa
Theo các chuyên gia y tế, vào mùa mưa người dân cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh:
- Đảm bảo an toàn thực phẩm: Không ăn thức ăn không rõ nguồn gốc.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tắm gội sạch sẽ đặc biệt là sau khi tiếp xúc với nước mưa, nguồn nước ô nhiễm do ngập lụt.
- Chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng bệnh sốt xuất huyết.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
Sau mỗi đợt mưa bão các loại bệnh tật, bệnh truyền nhiễm thường phát sinh mạnh do môi sống không được đảm bảo. Nếu không có các biện pháp phòng tránh kịp thời bệnh dễ phát triển thành dịch, tác động xấu đến sức khỏe con người. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi mùa mưa bão tới người dân cần đặc biệt lưu ý thực hiện biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.