Những biện pháp phòng ngừa dị ứng ai cũng phải biết

Những biện pháp phòng ngừa dị ứng ai cũng phải biết
Dị ứng là chứng bệnh gia tăng nhanh trong các năm gần đây. Mặc dù không gây ra tử vong, tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, dị ứng hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vậy làm thế nào để phòng ngừa dị ứng hiệu quả?

Dị ứng biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi cơ thể bị các tác nhân xâm nhập. Khi bị dị ứng, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện ở ngoài da, về thần kinh, hô hấp, tiêu hóa. Các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay. Các biểu hiện thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, chảy mũi, khó thở, phù nề thanh môn,... Các biểu hiện về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa.

Phần lớn người bị dị ứng sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốc phản vệ gây hen suyễn, khó thở do dị ứng gây phù nề thanh quản rất dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy dị ứng là gì? Các yếu tố nào gây ra dị ứng? Dị ứng có thể điều trị hay không? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về những điều này.

Những biện pháp phòng ngừa dị ứng ai cũng phải biết - Ảnh 1.

Dị ứng không phải bệnh quá nguy hiểm. Tuy nhiên nó có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời (Nguồn: internet).

1. Dị ứng là gì?

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể nhằm chống lại những tác nhân lạ xâm nhập, đặc biệt là qua đường hô hấp. Trên thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của mẫn cảm, là phản ứng không thích hợp của hệ miễn dịch với những chất bình thường. Loại phản ứng này kích hoạt quá mức các bạch cầu mast và kháng thể IgE dẫn tới phản ứng viêm nặng gồm các biểu hiện như chàm, phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen suyễn. Nhưng chất thúc đẩy phản ứng dị ứng gọi là dị nguyên gồm phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, lông thú và một số thực phẩm.

2. Các yếu tố gây dị ứng

Ai cũng có thể bị dị ứng, nhưng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà lại xuất hiện những phản ứng dị ứng khác nhau. Theo nghiên cứu, có nhiều yếu tố gây ra hiện tượng dị ứng gồm:

- Yếu tố di truyền, tức là nếu trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh chị em bị dị ứng thì nguy cơ bị dị ứng ở các thành viên khác rất cao.

- Thực phẩm như hải sản, sữa tươi, mật ong, nhộng tằm,... sẽ hay gây dị ứng hơn cac loại thực phẩm khác và chúng gây dị ứng theo ba cách gồm:

+ Trong hải sản bên cạnh những loại protein bổ dưỡng thì cũng có những protein "lạ", khi những protein này xâm nhập vào cơ thể sẽ trở thành những kháng nguyên thực sự và sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.

+ Một số loại protein có trong hải sản sẽ có vai trò như một kháng nguyên không đầy đủ (bán kháng nguyên). Khi chúng xâm nhập vào cơ thể và kết hợp với nhóm "quyết định kháng nguyên" sẽ gây ra tình trạng dị ứng.

+ Một số loại hải sản có chứa nhiều chất histamin- một loại chất sẽ gây ra các triệu chứng dị ứng.

Tóm lại, các protein có trong hải sản có thể là kháng nguyên hoặc bán kháng nguyên và sẽ gây ra hiện tượng dị ứng khi vào cơ thể. Tuy nhiên, chúng chỉ xuất hiện ở một số người. Còn hiện tượng hải sản có nồng độ histamin cao thì có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người.

Những biện pháp phòng ngừa dị ứng ai cũng phải biết - Ảnh 2.

Hải sản là một trong những loại thực phẩm gây dị ứng cao (Nguồn: internet).

- Ô nhiễm môi trường (khói bụi, xăng dầu, xác động vật bị nghiền nhỏ hóa bụi), lối sống không vệ sinh, các loại bệnh nhiễm trùng, sự xuất hiện của nhiều loại hóa chất tổng hợp (như  thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng trong nông nghiệp; hóa chất dùng trong mỹ phẩm như phấn, son, sáp môi...) cũng làm gia tăng khả năng gây dị ứng.

3. Chẩn đoán và điều trị

Để xác định bệnh nhân có thực sự bị dị ứng hay không, các bác sĩ thường dựa vào bệnh sử. Nếu cần thiết sẽ làm một số bài test đặc hiệu như test lảy da với cá dị nguyên nghi ngờ, test máu hay đo chức năng hô hấp để xác định rõ chính xác nguyên nhân gây ra dị ứng. Từ đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho bệnh nhân như dùng thuốc, điều trị giải mẫn cảm hay giảm tối thiểu tiếp xúc với dị nguyên đặc hiệu trong môi trường.

Để điều trị dị ứng, thuốc kháng sinh histamin hay thuốc kiềm chế bớt sự nóng tính của hệ miễn nhiễm. Tuy nhiên, để điều trị được dứt điểm thì chỉ có cách tìm ra chính xác dị nguyên. Song để xác định được dị nguyên không phải điều dễ dàng. Nhiều khi, các bác sĩ phải sử dụng đến biện pháp bao vây sử dụng nhiều loại dị nguyên phổ biến vào cơ thể để giúp hệ miễn dịch rộng đường nhận mặt. Nhưng ngay cả khi tìm được chính xác dị nguyên thì cũng chưa chắc đã có thể điều trị dứt điểm bởi không ít bệnh nhân tiếp xúc với các dị nguyên do đặc thù công việc và nơi ở.

4. Phòng tránh thế nào?

Để phòng tránh dị ứng, mọi người nên chủ động kiểm soát môi trường, tránh xa các tác nhân gây dị ứng, và kịp thời có hướng xử lý khi có người mắc phải viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng về da.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Tác giả: DNA