Những ai cần kiểm tra thoát vị đĩa đệm cột sống? Kiểm tra khi nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những ai cần kiểm tra thoát vị đĩa đệm cột sống? Kiểm tra khi nào?
Tại Việt Nam, có khoảng 30% dân số mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, trong đó nhóm bệnh nhân lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng hiện nay bệnh này đang có sự “trẻ hóa”, ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh dưới 35 tuổi.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm - "miếng lót" hấp thu xung đột giữa các đốt xương sống bị chệch ra khỏi vị trí ban đầu. Từ khoảng 35 tuổi trở lên, nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống của mỗi người sẽ tăng lên theo thời gian do nhân nhầy đĩa đệm bị khô dần, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt, thậm chí có thể bị rách ra. 

Đĩa đệm mất đi độ mềm mại vốn có, lại chịu thêm nhiều tác động mạnh nên có thể bị thoát vị ra ngoài hoặc chui vào cột sống chèn ép lên rễ thần kinh gây ra những cơn đau ở vùng cột sống.

1. Những ai dễ bị thoát vị đĩa đệm cột sống?

Bất cứ ai trong độ tuổi từ 30 - 35 trở lên cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Trước đây, bệnh chỉ phổ biến ở những người cao tuổi hoặc lao động nặng nhọc suốt thời gian dài, nhưng hiện nay, cả những người trẻ tuổi, làm việc nhẹ nhàng nhưng thói quen sinh hoạt không khoa học cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Cụ thể, những người thuộc các nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh thoát vị đĩa đệm:

- Người cao tuổi: Thực tế là chúng ta chăm sóc sức khỏe tốt đến đâu cũng không chống lại được quy luật của tạo hóa, đó là sự lão hóa, già đi. Xương khớp cũng vậy. Tuổi càng cao, xương khớp càng yếu, khả năng hấp thụ dinh dưỡng càng giảm nên khả năng mắc bệnh lý xương khớp càng cao, dễ xuất hiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm.

- Những người bị thừa cân, béo phì: Một trong những nguyên nhân khiến đĩa đệm bị thoát vị, thoái hóa nhanh là áp lực lớn. Ở những người bị thừa cân, béo phì, cân nặng lớn từ các mô mỡ sẽ chèn ép, tạo áp lực lớn lên cột sống vượt quá ngưỡng chịu đựng. Vì vậy, những người này cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm cột sống hơn bình thường.

- Những người lao động nặng nhọc trong thời gian dài: Cường độ làm việc cao với sự huy động sức mạnh lớn từ cơ bắp cũng làm cho nhân nhầy trong đĩa đệm dễ bị thoát vị ra ngoài. Áp lực công việc vượt quá sức mạnh của cơ thể sẽ khiến dây thần kinh tủy sống bị chèn ép, gây ra những cơn đau thường xuyên ở cột sống.

- Những người làm việc văn phòng: với tính chất thường xuyên phải ngồi làm việc, ít vận động và thay đổi tư thế nên cũng làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cùng nhiều bệnh về xương khớp khác.

- Những người có thói quen sinh hoạt không hợp lý: Lười vận động, duy trì thói quen vận động không tốt trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng không tốt tới cột sống, tăng khả năng bị thoát vị đĩa đệm.

- Những người có bệnh về xương khớp bẩm sinh như gai cột sống, cong vẹo cột sống, gù lưng hoặc thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài cũng cần được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm càng sớm càng tốt.

2. Thoát vị đĩa đệm cột sống khi nào cần kiểm tra thăm khám

Kể từ độ tuổi 30 - 35 trở lên, mỗi chúng ta đều cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/ năm. Thăm khám sức khỏe định kỳ cũng sẽ giúp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm sớm, giúp người bệnh có kế hoặc chăm sóc sức khỏe và điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay có nhiều người khó có thể kiểm tra sức khỏe thường xuyên được. Mặc dù vậy, hãy gặp bác sĩ ngay khi bạn có những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm sau đây:

- Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: đau nhức vùng cổ vai gáy; đau mỏi lan rộng từ 2 bả vai xuống cánh tay; tê bì cánh tay, bàn tay.

- Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: đau mỏi thắt lưng không rõ nguyên nhân, ngồi đúng tư thế vẫn có cảm giác đau; đau nhức dữ dội khi vận động mạnh, đau lan từ thắt lưng xuống 1 hoặc 2 chân; tê bì chân, gan bàn chân; hạn chế khả năng vận động như cúi thấp, ngồi xổm lâu, ưỡn lưng.

- Một số triệu chứng khác: Đau thần kinh tọa, tê bì 1 bên chân và tay; rối loạn tiểu tiện, đại tiện….


Tác giả: hoangtrang